Động thái bất ngờ của tỷ phú giàu thứ 5 Việt Nam

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động huy động vốn cho doanh nghiệp, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa có động thái bất ngờ khi muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu ở doanh nghiệp của mình.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group) gần đây đang đẩy mạnh huy động vốn và M&A. Tập đoàn này muốn huy động khoảng 1 tỷ USD cho mảng thức ăn chăn nuôi, gọi vốn 400 triệu USD từ Alibaba và Baring Private Equity Asia vào The CrownX, chi 15 triệu USD để mua 20% cổ phần Phúc Long và tích hợp chuỗi trà sữa này vào 1.000 cửa hàng tại VinMart+ theo hình thức ki-ốt…

Trong bối cảnh hệ thống bán lẻ của Masan Group đang hưởng lợi lớn bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, tỷ phú giàu thứ 5 Việt Nam là Nguyễn Đăng Quang đã công bố kế hoạch bất ngờ khi muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Masan Group.

Theo đó, nhóm công ty liên quan đến tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố kế hoạch muốn tiếp tục tăng sở hữu tại Masan Group.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Masan (Tên viết tắt: MIC) vừa đăng ký mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu Masan Group (MSN) trong thời gian từ 22/7 đến 20/8 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Hiện tại, MIC đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 31,28% cổ phần Masan Group.

Đồng thời, Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương cũng đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu MSN trong thời gian tương tự. Đây là công ty con của MIC và đang sở hữu 13,25% cổ phần Masan Group.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Masan Group

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Masan Group

Trong khi đó, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MIC, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Masan Group. Ông Quang chỉ nắm giữ trực tiếp 15 cổ phiếu MSN nhưng sở hữu gián tiếp lượng lớn cổ phần Masan Group thông qua MIC và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương (ông có sở hữu 48.5% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương và 48,5% vốn MIC).

Bà Nguyễn Hoàng Yến (vợ ông Quang) đang là thành viên HĐQT tại cả Masan Group và MIC, nắm giữ trực tiếp hơn 42,4 triệu cổ phiếu MSN. Người liên quan còn có ông Nguyễn Thiều Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hà, cùng là thành viên HĐQT Masan Group và MIC.

Như vậy, tổng khối lượng cổ phiếu MSN được nhóm cổ đông liên quan đến tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đăng ký mua đợt này là 5 triệu cổ phiếu. Với thị giá MSN ngày 19/7 là 119.400 đồng/cp, tạm tính số tiền nhóm tỷ phú giàu thứ 5 tại Việt Nam sắp chi ra gần 600 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ đầu tư của mình.

Theo số liệu được công bố, trước giao dịch đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu MSN, tổng sở hữu của MIC và người có liên quan là hơn 595 triệu cổ phiếu MSN. Nhóm công ty, cá nhân liên quan đến tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trở thành nhóm cổ đông lớn nhất nắm giữ 50,35% cổ phần Masan Group.

Nếu hoàn tất giao dịch mua thêm 5 triệu cổ phiếu MSN, nhóm công ty và cá nhân liên quan đến tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sẽ gia tăng sở hữu tại Masan Group lên thành 50,78% khi sẽ sở hữu hơn 600 triệu cổ phiếu.

Các cổ đông lớn khác của doanh nghiệp tiêu dùng, bán lẻ đầu ngành tại Việt Nam còn có nhóm quỹ thuộc Chính phủ Singapore (GIC) sở hữu 10,68% và SK Investment nắm giữ 9,31% cổ phần.

Trong năm 2021, Masan Group đặt chỉ tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 92.000 - 102.000 tỷ đồng và lợi nhuận phân bổ cho cổ đông của Công ty khoảng 2.500 - 4.000 tỷ đồng.

Riêng quý 1, doanh thu tập đoàn tăng 13% lên gần 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty đạt 187 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 22% và 7,5% kế hoạch ở mức thấp.

Trong khi đó, ngày 1/7 vừa qua Masan Group đã tăng tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp tại The CrownX từ 80,2% lên 84,9%, thông qua việc mua lại cổ phần của The CrownX từ các cổ đông thiểu số.

Động thái này diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Masan hoàn tất phát hành 5,5% cổ phần mới của The CrownX cho nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia, thu về 400 triệu USD trong một giao dịch mà The CrownX được định giá 7,3 tỷ USD.

The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce. Trong khi đó, dưới sự điều hành của Masan, hệ thống bán VinCommerce bắt đầu có lãi. Ưu tiên hàng đầu của Masan là tái mở rộng hệ thống điểm bán, từ đó củng cố chuỗi bán lẻ dẫn đầu về điểm bán, đồng thời duy trì đà cải thiện lợi nhuận trong thời gian tới.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngân hàng của Chủ tịch trẻ nhất Việt Nam làm ăn ra sao giữa “bão” Covid-19?

Không chỉ có Chủ tịch trẻ nhất Việt Nam, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN