Công ty tài chính tiêu dùng làm ăn thế nào trong mùa dịch Covid-19?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Từng được xem là “gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng, nhưng tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng.

Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong đó, FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất tại Việt Nam đã liên tiếp ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021.

Đóng góp của FE Credit vào lợi nhuận của VPBank giảm mạnh 6 tháng đầu năm 2021

Đóng góp của FE Credit vào lợi nhuận của VPBank giảm mạnh 6 tháng đầu năm 2021

Theo dữ liệu được ngân hàng VPBank công bố, trong 6 tháng đầu năm, FE Credit đã giải ngân 28 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên mức này thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (37 nghìn tỷ đồng).

FE Credit ghi nhận doanh thu đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 8,7 nghìn tỷ đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 và 2020.

Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập của FE Credit cũng được cải thiện mạnh mẽ. Chi phí hoạt động 6 tháng đầu năm của công ty ở mức 2,2 nghìn tỷ đồng, giảm so với mức 2,6 nghìn tỷ cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, tỷ lệ chi phí trên thu nhập giảm còn 25,4% so với  29,1% cùng kỳ năm 2020 và 30,5% cùng kỳ năm 2019.

Dù tổng thu nhập tăng và chi phí hoạt động giảm nhưng lợi nhuận trước thuế của FE Credit 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của FE Credit nửa đầu năm 2021 đạt 1.200 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu trung bình và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản trung bình lần lượt đạt 12,3% và 2,6%, thấp hơn nhiều so với nửa đầu những năm trước.

Kết quả, FE Credit chỉ còn đóng góp 12% cho lợi nhuận hợp nhất của VPBank, trong khi tỷ lệ này trước khi xảy ra đại dịch là từ 40-50%.

Trước đó, trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế của FE Credit đạt 3.713 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2019, đóng góp 29% trong tổng lợi nhuận ngân hàng hợp nhất.  

Khi FE Credit giảm sâu về lợi nhuận, các công ty tài chính tiêu dùng khác như HD Saison thuộc ngân hàng HDBank và MCredit thuộc ngân hàng MB đều có được kết quả kinh doanh khá ấn tượng.

Theo số liệu của SSI Research, HD Saison ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 299 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu nhập hoạt động của HD Saison trong 6 tháng đầu năm đạt 1.306 tỷ đồng, tăng 20,7% và tương đương xấp xỉ 44% tổng thu nhập của ngân hàng mẹ.

Lợi nhuận của HD Saison trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng nhẹ so với cùng kỳ

Lợi nhuận của HD Saison trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng nhẹ so với cùng kỳ

Tính đến 30/6/2021, tổng dư nợ cho vay tín dụng của HD Saison đạt 14.393 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm. Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu đã nhích nhẹ từ mức 5,81% cuối năm ngoái lên 5,84% vào cuối quý 2/2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được cải thiện từ mức 47,3% lên 54,8%.

Trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế của HD Saison đạt 1.001 tỷ đồng, giảm gần 3,8% so với 2019. Tính đến 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng của HD Saison chỉ tăng 13,1% và mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong khi FE Credit và HD Saison tăng trưởng chậm lại trong 2 năm gần đây thì MCredit, công ty tài chính do ngân hàng MB sở hữu 50% lại tăng trưởng ấn tượng.

6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của MCredit đạt 2.168 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020). Lợi nhuận trước thuế đạt 346 tỷ đồng, tăng tới 188% so với cùng kỳ. Hiện vốn điều lệ của MCredit ở mức 800 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế của MCredit cũng tăng tới 77% so với năm 2019 đạt 320 tỷ đồng. Dư nợ đạt mốc trên 10.000 tỷ đồng, tăng 18,3%, là một trong số ít công ty tài chính tiêu dùng duy trì được đà tăng trưởng dư nợ 2 con số trong năm 2020.

Nguồn: [Link nguồn]

Hé lộ khoản lỗ khổng lồ của Barcelona cho mỗi trận đấu không có Messi

Messi chính thức rời khỏi Barcelona dù trước đó cầu thủ này đã đồng ý cắt giảm 50% lương. CLB này hiện đang ở trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN