Các đại gia phân phối hàng công nghệ kinh doanh thế nào trong mùa dịch Covid-19?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhu cầu mua sắm các thiết bị làm việc, học tập từ xa của người dân trong mùa dịch Covid-19 tăng mạnh giúp các đại gia phân phối và bán các sản phẩm công nghệ lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhu cầu laptop, máy tính bảng, điện thoại… vẫn tăng mạnh khi người lao động, học sinh phải học tập và làm việc tại nhà. Các doanh nghiệp và trường học đổi mới quy trình làm việc, giảng dạy để thích nghi.

Nhu cầu mua sắm của người dân tăng trong mùa dịch đã giúp các đại gia phân phối và bán lẻ các sản phẩm công nghệ thu lãi lớn.

Theo đó, hệ thống Thế Giới Di Động (MWG) đã công bố doanh thu bán hàng thông qua chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh đạt khoảng 48.927 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ tính riêng tháng 6, doanh thu Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh đạt hơn 7.880 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Điều đáng nói là tăng trưởng hàng công nghệ của tập đoàn này diễn ra trong bối cảnh có gần 1.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa để phòng dịch hoặc hạn chế bán hàng trong tháng 6.

Nhu cầu laptop, máy tính bảng, điện thoại… của người dân vẫn tăng mạnh trong mùa dịch Covid-19

Nhu cầu laptop, máy tính bảng, điện thoại… của người dân vẫn tăng mạnh trong mùa dịch Covid-19

Trong đó, doanh thu sản phẩm điện thoại tăng trưởng 16%. Các sản phẩm laptop, điện lạnh và gia dụng duy trì mức tăng trưởng một chữ số so với cùng kỳ.

Dịch bệnh lan rộng hơn trong tháng 7 khiến tập đoàn ghi nhận số lượng tạm đóng cửa lên gần 2.000 địa điểm. Hiện chuỗi này có quy mô lớn nhất thị trường với tổng cộng 2.667 cửa hàng trên toàn quốc.

Cùng với hệ thống Thế Giới Di Động, thì FPT Retail cũng báo cáo kết quả khả quan trong quý 2 và 6 tháng nửa đầu năm 2021. Theo đó, trong quý 2/2021, FPT Retail ghi nhận doanh thu tăng 36% so với cùng kỳ lên 4.359,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 253,1% lên 30,2 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, FPT Retail ghi nhận doanh thu đạt 9.024,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 61,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,7% và 285,4% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Trong đó doanh thu riêng chuỗi FPT Shop trong nửa đầu năm ghi nhận 7.688 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái với 625 cửa hàng hiện hữu.

Công ty lý giải lợi nhuận kỳ này ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó doanh nghiệp còn tận dụng lợi thế chuỗi bán lẻ laptop lớn nhất thị trường và lợi thế bán hàng Apple để giúp doanh thu 2 mặt hàng này tăng trưởng đáng kể, lần lượt tăng 31% và 50% so với cùng kỳ.

Riêng mặt hàng laptop ghi nhận hơn 1.329 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% nhờ nhu cầu sản phẩm tăng cao trong đại dịch. Chuỗi FPT Shop đang có 68 trung tâm laptop trên toàn quốc và dẫn đầu thị trường với 31% thị phần bán lẻ laptop.

Do việc hạn chế trong việc đi lại, các công ty bán lẻ sản phẩm công nghệ cũng đẩy mạnh cho hoạt động bán hàng trực tuyến. Doanh thu online đóng góp gần 5.300 tỷ đồng cho MWG, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ. Tương tự FPT Retail có doanh thu online tăng trưởng 10% lên 2.829 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2021, các doanh nghiệp chuyên phân phối hàng công nghệ cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ cũng ghi nhận những kết quả tích cực.

Theo đó, Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng trưởng vượt trội, lần lượt là 4.218 và 116 tỷ đồng. Doanh thu tăng 63%, lợi nhuận sau thuế ghi nhận tăng mạnh 140% so với cùng kỳ quý 2/2020.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Digiworld đạt tổng cộng 9.225 tỷ đồng doanh thu, tăng 88% và 233 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2020.

Tăng trưởng chính cho doanh nghiệp đến từ mảng điện thoại di động khi đạt doanh thu gần 5.000 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ nhờ sự liên tục gia tăng thị phần của Xiaomi và sự đóng góp từ các dòng Iphone.

Mảng laptop và tablets có ghi nhận mức tăng 45% lên hơn 2.700 tỷ đồng nhờ sự tăng trưởng của tất cả các nhãn hàng hiện có, bao gồm sự đóng góp của 2 nhãn mới là Apple và Huawei. Ngoài ra việc phân phối các thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng cũng tăng mạnh.

Một nhà phân phối hàng công nghệ lớn khác là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) báo cáo doanh thu quý 2 đạt 3.422,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 50,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,2% và 99,6% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Petrosetco đạt 7.635 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 115 tỷ, tăng 91,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: [Link nguồn]

Công ty vừa được giao nhập khẩu vắc xin Sputnik V về Việt Nam kinh doanh ra sao?

Được giao nhập khẩu vắc xin Sputnik V về Việt Nam, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bà Nguyễn Thị Loan cũng ghi nhận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN