Trí tuệ nhân tạo đã cảnh báo về dịch Covid-19 trước cả WHO

Sự kiện: Công nghệ

Vào những ngày cuối cùng của năm 2019, một công ty theo dõi sức khỏe ở Canada đã dùng trí tuệ nhân tạo để dự đoán bệnh dịch nguy hiểm và cho ra kết quả cảnh báo sớm hơn cả Tổ chức Y tế Thế giới.

Ngay trước thời khắc chuyển sang thập kỷ mới, trí tuệ nhân tạo của công ty BlueDot đặt trụ sở tại Canada đã thu thập được một số thông tin bất thường đến từ khu chợ hải sản ở Vũ Hán, Trung Quốc. Từ những thông tin này, AI tổng hợp lại và phát cảnh báo về một dịch bệnh sắp diễn ra.

Công ty chuyên về dự đoán dịch bệnh BlueDot ở Canada đã dự báo sớm về Covid-19 từ những ngày cuối năm 2019. Ảnh: MS Tech.

Công ty chuyên về dự đoán dịch bệnh BlueDot ở Canada đã dự báo sớm về Covid-19 từ những ngày cuối năm 2019. Ảnh: MS Tech.

Lúc này, BlueDot gửi thông báo đến các khách hàng của mình về cái mà bây giờ chúng ta gọi là Covid-19, vào 9 ngày trước khi WHO chính thức lên tiếng về dịch bệnh. Ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh này đã lan rộng trên toàn thế giới và WHO gọi nó là đại dịch toàn cầu, thế nhưng vào những ngày tháng 12, thông tin về nó chỉ là những thứ mơ hồ, chưa rõ ràng.

Nhanh hơn cả chính phủ và các tổ chức thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới và các chính phủ cần có đầy đủ thông tin, số liệu và chứng cứ trước khi công bố một điều gì đó. Trong khi đó, những công nghệ như BlueDot có thể thu thập được tin tức từ nhiều nguồn khác nhau rồi dùng trí tuệ nhân tạo để dự đoán, từ đó chia sẻ thông tin cho một nhóm ít người dùng được biết.

Bản đồ của BlueDot dự đoán đường lây lan của Covid-19. Ảnh: BlueDot Explorer.

Bản đồ của BlueDot dự đoán đường lây lan của Covid-19. Ảnh: BlueDot Explorer.

“Chính phủ không thể cung cấp thông tin kịp thời vì họ cần nhiều thứ trước khi ra công bố về một điều gì đó. Tuy nhiên ứng dụng của chúng tôi thì khác, chúng tôi tuy chỉ có thể dự báo nhưng ít ra giúp được nhiều người cẩn thận hơn về nhiều điều bất thường sắp diễn ra”, Kamran Khan, sáng lập viên và CEO của BlueDot cho biết.

BlueDot là một phần mềm được thiết kế dành riêng cho việc theo dõi về sự lây lan của các căn bệnh truyền nhiễm. Dự án này đã được đầu tư 9,4 triệu USD vào năm 2019 và đang được vận hành bởi một đội ngũ gồm 40 y bác sĩ, nhà dịch tễ học, lập trình viên.

Ứng dụng của BlueDot trên điện thoại giúp dự đoán dịch ở từng khu vực trên thế giới dựa vào nhận định của AI.

Ứng dụng của BlueDot trên điện thoại giúp dự đoán dịch ở từng khu vực trên thế giới dựa vào nhận định của AI.

Phần mềm này nhận dữ liệu từ các hãng hàng không trên khắp thế giới để thống kê và phân tích đường đi của người bệnh, xu hướng di chuyển của mọi người khi dịch bệnh bùng phát. Thật vậy, BlueDot đã dự đoán được người dân ở Trung Quốc sẽ đi đến Bangkok, Seoul và Đài Bắc vào những ngày đầu phong thành.

Bây giờ, trí tuệ nhân tạo của hãng ngoài thu thập dữ liệu chuyến bay, còn có thể tổng hợp từ các bản tin và báo cáo về tình hình dịch bệnh trên động vật. Với tất cả những thông tin này, máy tính sẽ đưa ra phân tích từ những gì đã được học trước đó rồi đưa ra dự đoán.

Kamran Khan, người sáng lập và CEO của BlueDot. Ảnh: Jorge Uzon/Getty Images.

Kamran Khan, người sáng lập và CEO của BlueDot. Ảnh: Jorge Uzon/Getty Images.

Khan tự mô tả bản thân là một doanh nhân bất đắc dĩ vốn không có kinh nghiệm về lập trình, công việc chính của anh là nhà dịch tễ học và là bác sĩ tại Toronto (Canada). 17 năm trước khi dịch SARS bùng nổ, Khan đã nảy ra ý tưởng phải làm một thứ gì đó và anh bắt đầu BlueDot từ lúc này.

“Không một ai biết SARS là gì cho tới khi nó giết chết 774 người ở 29 quốc gia và gây thiệt hại kinh tế toàn cầu đến 40 tỷ USD. Từ đại dịch SARS, tôi nhận ra rằng không thể để những thứ nguy hiểm này xảy ra rồi mới bắt đầu lo sợ. Bằng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trên mạng internet, tôi đã tạo ra một công cụ giúp các nhà dịch tễ học theo dõi được bệnh truyền nhiễm trước khi cơ quan có uy tín ra thông báo chính thức”, anh cho biết thêm.

Dịch SARS vào năm 2003 đã gợi ý tưởng cho BlueDot để thành lập và vận hành đến ngày nay.

Dịch SARS vào năm 2003 đã gợi ý tưởng cho BlueDot để thành lập và vận hành đến ngày nay.

Bằng nhiều thuật toán phức tạp, BlueDot đã dự đoán các thành phố sẽ có đông người Vũ Hán đến. Cuối cùng, 11 thành phố đứng đầu danh sách này chính là những nơi có ghi nhận các ca mắc Covid-19 đầu tiên trên thế giới ở bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Không chỉ Covid-19 mà còn nhiều dịch bệnh khác

CEO Kamran Khan cho biết, SARS và Covid-19 không chỉ tương đồng về chủng virus gây ra mà còn có những điểm khá giống nhau như phản ứng của mọi người, con đường di chuyển của người dân. BlueDot hiện tại vẫn đang theo dõi sự di chuyển trên toàn cầu để đưa ra dự đoán tiếp theo về diễn biến của dịch.

Tiến sĩ Fan Zhongjie, chuyên gia về bệnh đường hô hấp ở Bệnh viện Hồ Bắc (Trung Quốc) đang xem ảnh chụp CT của một bệnh nhân mắc Covid-19 đang nguy kịch. Ảnh: AP Images.

Tiến sĩ Fan Zhongjie, chuyên gia về bệnh đường hô hấp ở Bệnh viện Hồ Bắc (Trung Quốc) đang xem ảnh chụp CT của một bệnh nhân mắc Covid-19 đang nguy kịch. Ảnh: AP Images.

Tính đến nay, BlueDot đã dự đoán chính xác virus Zika sẽ lây lan đến Florida vào năm 2016 - nửa năm trước khi nó diễn ra, hay Ebola năm 2014 sẽ gõ cửa Tây Phi rồi đến Mỹ. Phần mềm của công ty này cũng cảnh báo sớm được những dịch bệnh có quy mô nhỏ như viêm màng não, sốt vàng hay bệnh than.

Sau khi máy tính tổng hợp số liệu và đưa ra dự đoán, các chuyên gia của hãng sẽ gửi dữ liệu đến các cơ quan của chính phủ, các bệnh viện hay các hàng hàng không để những nơi này đưa ra nhận định sớm về tình hình sắp diễn ra. Bằng cách này, các cơ quan lớn có thể chủ động hơn trong việc cập nhật thông tin.

Ga Shinagawa ở Tokyo (Nhật Bản) đón lượng người đổ đến rất đông sau khi thông tin về dịch bệnh lạ ở Trung Quốc được lan ra bên ngoài vào đầu tháng 2. Ảnh: Athit Perawongmetha/Reuters.

Ga Shinagawa ở Tokyo (Nhật Bản) đón lượng người đổ đến rất đông sau khi thông tin về dịch bệnh lạ ở Trung Quốc được lan ra bên ngoài vào đầu tháng 2. Ảnh: Athit Perawongmetha/Reuters.

BlueDot cho biết công cụ của hãng đưa ra báo cáo thậm chí còn nhanh hơn và chính xác hơn cả Google Flu Trends, một công cụ dự đoán bệnh dịch của Google đã ngừng hoạt động từ năm 2013 sau khi không thể cảnh báo sớm một dịch bệnh bùng phát vào năm đó.

Sau Covid-19, Khan cho biết công ty vẫn sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu để đưa ra cảnh báo sớm về các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai. Hiện tại, BlueDot đã có những thông tin sớm về dịch bệnh do virus Lassa gây ra sắp quay trở lại châu Phi, dù chưa nghiêm trọng đến mức đại dịch nhưng vẫn cần sự chú ý của mọi người.

BlueDot không đơn độc trong đường đua

Bên cạnh công ty công nghệ đến từ Canada, nhiều doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực công nghệ y học cũng bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu để đưa ra các cảnh báo sớm.

HealthMap là sản phẩm của một bệnh viện tại Boston giúp người dùng có thể theo dõi được tình hình bệnh dịch trên thế giới.

HealthMap là sản phẩm của một bệnh viện tại Boston giúp người dùng có thể theo dõi được tình hình bệnh dịch trên thế giới.

HealthMap là dự án của Bệnh viện Nhi Boston đã bắt đầu soạn ra các báo cáo đầu tiên từ dữ liệu có được. Startup Metabiota tại vùng vịnh San Francisco với công nghệ AI cũng phát hiện được một ổ dịch mới bùng phát và nhanh chóng gửi dữ liệu cho cơ quan chính phủ để có giải pháp kịp thời.

Mỗi công ty đều có nguồn tin, cơ sở dữ liệu và công nghệ riêng để tổng hợp và đưa ra nhận định. Tuy vậy, họ đều có một điểm chung là khá kín tiếng về cách làm của mình. BlueDot và Metabiota sử dụng trí tuệ nhân tạo hiểu được ngôn ngữ tự nhiên để đưa ra nhận định, các công ty khác có những cách khác nhau để vận hành.

Theo một nghiên cứu, có khoảng 1,7 triệu loại virus có thể gây hại cho con người nhưng vẫn chưa được biết đến và đặt tên. Ảnh: Zsolt Czegledi/EPA, via Shutterstock.

Theo một nghiên cứu, có khoảng 1,7 triệu loại virus có thể gây hại cho con người nhưng vẫn chưa được biết đến và đặt tên. Ảnh: Zsolt Czegledi/EPA, via Shutterstock.

Ngày 25/2 vừa qua, Metabiota công bố báo cáo mới của hãng, cho biết sẽ có khoảng 127.000 ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới vào 3/3. Trong thực tế, con số chênh lệch khoảng 30.000 cho thấy AI dự đoán dù chưa chính xác nhưng ở một mức độ sai không quá lớn.

Ngoài dự đoán đường lây lan của dịch bệnh, trí tuệ nhân tạo cũng được dùng để tìm kiếm vaccine phòng chống, thuốc chữa trị hoặc đưa ra chẩn đoán sớm cho bệnh nhân mắc bệnh. AI vượt trội hơn con người ở khoản nó có thể học được rất nhiều kiến thức và nhanh chóng phân tích để đưa ra kết luận.

“Con người dễ phân tâm và khó tập trung vào nhiều thứ cùng lúc, vì thế máy móc sinh ra với công nghệ hiện đại giúp chúng ta nắm bắt được mọi thứ đang diễn ra”, CEO BlueDot cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Cách tải và khai báo y tế toàn dân qua ứng dụng NCOVI cho người dùng iPhone

Ứng dụng khai báo y tế toàn dân NCOVI vừa chính thức có mặt trên iOS.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Niên (Theo MIT Tech) ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN