Kêu cứu vì giá thuê đất tăng 13 lần

Các chuyên gia cho rằng giá thuê đất khu công nghiệp điều chỉnh tham chiếu theo giá thị trường đất ở là bất hợp lý, ảnh hưởng đến hoạt động các khu công nghiệp và hoạt động thu hút vốn đầu tư.

Tiền thuê đất sau năm năm điều chỉnh một lần theo giá thị trường của đất ở khiến chủ đầu tư các khu công nghiệp (KCN) lẫn các doanh nghiệp thuê đất tại KCN đứng ngồi không yên.

Chỉ sau hai lần điều chỉnh, tiền thuê đất của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp đã tăng hơn 13 lần. Ảnh: Q.HUY

Chỉ sau hai lần điều chỉnh, tiền thuê đất của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp đã tăng hơn 13 lần. Ảnh: Q.HUY

Giá thuê tăng gấp 13 lần

Ông Trần Quang Trường, Tổng giám đốc KCN Tân Bình, cho biết từ năm 1997, Công ty cổ phần SXKD XNK DV &ĐT Tân Bình (Tanimex) được TP.HCM giao đất làm KCN Tân Bình. Tanimex đầu tư hạ tầng và cho các doanh nghiệp sản xuất thuê lại theo đơn giá Nhà nước phê duyệt. Giá thuê đất ổn định trong năm năm đầu, sau năm năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng không quá 15% theo giá hợp đồng thuê đất.

Tuy nhiên, từ năm 2005, chính sách về tiền thuê đất được Nhà nước điều chỉnh. Nghị định 142/2005 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền thuê đất chỉ ổn định trong năm năm, sau năm năm phải tính lại “trên cơ sở tham chiếu giá thị trường của đất ở khu vực tiếp giáp”.

Sau khi được Nhà nước cho thuê đất và đầu tư hạ tầng tại KCN mở rộng về phía quận Bình Tân, từ năm 2010 đến 2014, Tanimex ký hợp đồng cho thuê lại đất với năm doanh nghiệp, theo đơn giá của Sở TN&MT tại thời điểm ký hợp đồng là 1.740 đồng/m2/ năm. Đơn giá thuê đất này được Tanimex thông báo “thay đổi theo quy định pháp luật hiện hành”, tức Nghị định 142/2005.

Tháng 10-2014, Sở Tài chính ban hành văn bản xác định đơn giá cho thuê đất tại KCN Tân Bình mở rộng chu kỳ năm năm tiếp theo là 10.440 đồng/m2/năm.

Đến năm 2018, đơn giá thuê đất điều chỉnh lần hai, tiền thuê đất là 23.000 đồng/m2/năm. Như vậy, chỉ sau hai lần điều chỉnh, tiền thuê đất của các doanh nghiệp tại KCN đã tăng hơn 13 lần!

Cũng như tại KCN Tân Bình cũ, Tanimex ứng nộp trước tiền thuê đất cho Nhà nước và thu lại từ các doanh nghiệp thuê đất tại KCN (theo đúng đơn giá các sở, ngành yêu cầu). Tuy nhiên, Tanimex cho hay đang gặp tình trạng có doanh nghiệp không đồng ý nộp tiền thuê đất sau năm năm bị điều chỉnh theo giá thị trường dẫn đến phải kiện ra tòa và đang chờ phán quyết cuối cùng. “Những bất cập này làm bất ổn môi trường đầu tư, ảnh hưởng chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào KCN, nguy cơ các chủ đầu tư KCN phá sản hàng loạt” - Tanimex kêu cứu.

Doanh nghiệp gặp khó

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM (HBA), cho hay việc năm năm phải tính lại giá thuê, trên cơ sở tham chiếu giá thị trường của đất ở là bất hợp lý khiến doanh nghiệp sản xuất lẫn chủ đầu tư KCN gặp nhiều khó khăn. Tiền thuê đất mất ổn định nên chi phí đầu vào không thể tính trước khiến doanh nghiệp bị động trong sản xuất.

KCN ế ẩm vì chờ thẩm định tiền thuê đất theo giá thị trường

KCN Hiệp Phước vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2019 với mức lỗ khủng xấp xỉ 788 tỉ đồng. Trong năm 2019, công ty không có nhiều hợp đồng cho thuê đất thanh toán nên tổng doanh thu năm 2019 giảm 38%, tương đương gần 281 tỉ đồng; doanh thu cho thuê đất giai đoạn 1 và giai đoạn 2 lần lượt giảm 32% và 37%. Việc thẩm định giá đất thuê tại KCN này thực hiện từ năm 2015 với nhiều cuộc họp, nhiều đơn vị liên quan nhưng đến nay chưa thống nhất dẫn đến KCN không thể tiếp tục ký hợp đồng cho các doanh nghiệp khác thuê đất.

Theo ông, về bản chất, KCN hoàn toàn khác đất ở và không nên xem tiền thuê đất tại KCN là một nguồn thu chính, mà vấn đề quan trọng của KCN là thu hút đầu tư. “Đất KCN là đất sản xuất, kinh doanh nên nguồn thu được tạo ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi KCN thu hút được doanh nghiệp đầu tư thì sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm, thu hút chất xám công nghệ và tăng thu ngân sách bền vững” - ông góp ý.

Ông Bé dẫn chứng Khu công nghệ cao tại quận 9 miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu nên hấp dẫn những tập đoàn lớn. “ Hiện ngân sách TP.HCM, ngân sách cả nước đã thu được trái ngọt từ KCN này và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp” - ông kể. Do đó, cần có chính sách ổn định rõ ràng về tiền thuê đất, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lẫn KCN.

Ông Bé cho biết không chỉ Tanimex gặp khó, mà chính sách tiền thuê đất đang gây bất cập cho rất nhiều KCN khác tại TP.HCM. “Hiệp hội Các KCN tại TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ về những vướng mắc trong tiền thuê đất KCN để gỡ vướng khó khăn cho các KCN hiện nay tại TP.HCM” - ông bày tỏ.•

Nguồn: [Link nguồn]

Chi 10 tỷ đồng sửa biệt thự Pháp cổ thành không gian độc nhất Hà Nội

Từ một căn biệt thự Pháp cổ nằm ở phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) kiến trúc sư và chủ nhân đã biến nơi đây thành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo CẨM TÚ - MINH LONG ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN