9x Thái Bình lãi lớn từ đầu tư đất nền nhờ “phớt lờ” điều nhiều nhà đầu tư quan tâm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Không chạy theo những cơn sốt đất nhưng chàng trai 9x quê Thái Bình đã thu được khoản lãi lên tới hơn nửa tỷ đồng chỉ sau hơn một năm xuống tiền đầu tư vào đất nền.

Anh Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1991 tại Thái Bình đang làm công việc về kỹ thuật tại Thanh Xuân, Hà Nội. Do chưa lập gia đình nên anh vẫn đang hài lòng với cuộc sống thuê trọ của mình.

Tuy nhiên, nhờ số tiền tích góp được sau những năm đi làm và gia đình hỗ trợ, vào giữa năm 2020, được sự giới thiệu của người anh trai đang sống tại khu vực Hà Đông, anh đã quyết định dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình và số tiền bố mẹ cho để mua mảnh đất 44 mét vuông với giá 19,5 triệu đồng/mét.

Anh cho biết sau khi hoàn tất các thủ tục mua bán và sang tên sổ đỏ, anh được chủ nhà bớt cho 8 triệu nên số tiền bỏ ra để sở hữu mảnh đất thổ cư này là 850 triệu đồng.

Với suy nghĩ mua đất để đấy lúc nào lập gia đình rồi tính tiếp nên anh cũng không quan tâm nhiều đến việc giá đất lên xuống trong những thời điểm giao dịch bất động sản trầm lắng khi bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng giá đất nền sẽ bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, mỗi lần dịch tại Hà Nội được kiểm soát, giá bất động sản nhiều nơi tiếp tục tăng mạnh.

Đất nền vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhiều nhà đầu tư

Đất nền vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhiều nhà đầu tư

Do đó, dù không thuộc những khu vực đang có giá BĐS tăng nóng bởi những thông tin quy hoạch như Mê Linh, Sóc Sơn, hay Đông Anh,… mảnh đất anh mua đầu tư vào giữa năm 2020 đến nay cũng tăng giá mạnh so với trước đây.

Sau một thời gian suy nghĩ, cuối tháng 10 vừa qua anh đã quyết định chốt lời khoản đầu tư của mình với mức giá 32 triệu đồng mỗi mét vuông. Số tiền anh thu được từ việc bán mảnh đất của mình là 1,408 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí số lãi anh thu được lên tới hơn 500 triệu đồng.

Chàng trai 9X Thái Bình thừa nhận đây là khoản lãi lớn nhất trong những khoản đầu tư của anh từ trước đến nay. Mức sinh lời từ khoản đầu tư cũng gấp nhiều lần so với việc gửi tiết kiệm ngân hàng trong cùng thời điểm.

Theo các nhà đầu tư và chuyên gia, nguyên nhân khiến giá bất động sản, trong đó có đất nền tiếp tục tăng trong đại dịch Covid-19 là nguồn cung khan hiếm, nhu cầu đầu tư bất động sản lớn.

Chị Phương Trinh, một nhà đầu tư BĐS tại TP HCM cho biết việc thu lãi 40-50% khi đầu tư dài hạn vào đất nền là điều hoàn toàn có thể đến với những lô đất có vị trí đẹp, pháp lý rõ ràng và hoàn chỉnh. Chị Trinh cũng cho biết phần lớn khối tài sản lên tới cả chục tỷ đồng của chị hiện nay cũng có được từ hơn chục năm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Chị cũng chia sẻ có nhiều khoản đầu tư của mình lãi gấp đôi, thậm chí gấp 3 sau 5 năm nắm giữ.

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, giá đất nền quý 3 tại một số dự án, khu vực tại Hà Nội vẫn ở ngưỡng cao, thậm chí có hướng tăng so với quý 2. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do đất nền là dòng sản phẩm khan hiếm tại Hà Nội, trong khi nhu cầu lại rất mạnh.

Nhìn chung, sức khỏe của thị trường bất động sản Hà Nội khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Hội môi giới đánh giá: Lực cầu tiêu dùng có chút suy yếu, lực đầu tư vẫn duy trì mạnh, các sàn giao dịch bất động sản (đặc biệt là các sàn lớn), môi giới bất động sản vẫn duy trì cường độ hoạt động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tại các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh, có cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông tốt, giá bất động sản vẫn có xu hướng tăng. “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung bất động sản khan hiếm, dẫn đến tình trạng thiếu hàng. Nhu cầu tiêu dùng của xã hội giảm nhưng nhu cầu đầu tư vẫn tăng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác tiềm ẩn nhiều rủi ro kém hiệu quả, nên nhiều người lựa chọn bất động sản là kênh đầu tư để tiếp tục rót vốn”.

Nguồn: [Link nguồn]

Đóng cửa hoạt động bởi Covid-19, Công viên nước Đầm Sen vẫn có lãi

Chủ Công viên nước Đầm Sen vừa có quý kinh doanh kém hiệu quả nhất trong hơn một thập niên gần đây bởi tác động tiêu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN