Giáo viên mầm non tư thục chật vật mưu sinh mùa dịch Covid-19

Gần hai tháng nghỉ dạy do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt giáo viên mầm non các trường tư thục không có việc làm đã phải chật vật kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Là giáo viên một trường mầm non tại khu vực Nam Từ Liêm (Hà Nội), chị Phương cho biết, đến bây giờ chị cũng không biết mình có được hỗ trợ lương tháng 2 hay không.

 “Trước đây, hàng tháng tôi được trả 5 triệu đồng/ tháng, dù không dư dả gì nhưng cũng gọi là có thu nhập. Từ tết đến giờ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chúng tôi được nghỉ. Chỉ biết nghỉ thôi chứ không biết trường có trả lương hay không. Nghĩ cũng thương chủ trường vì mỗi tháng phải trả 45 triệu tiền thuê nhà, lại tiền bảo hiểm cho các cô mà từ tết các trường đều đóng cửa nên không có nguồn thu. Giáo viên như chúng tôi phải đi tìm việc làm thêm hết”, chị Phương chia sẻ.

Hàng bán rau củ quả tại một trường mầm non tư thục.

Hàng bán rau củ quả tại một trường mầm non tư thục.

Quê chị Phương ở miền biển (Giao Thủy, Nam Định) nên hàng ngày, chị Phương nhờ mẹ đi chợ mua hải sản gửi lên Hà Nội  cho chị bán. “Hải sản quê tôi tươi và rẻ, trước kia khi vẫn đi dạy, mỗi tuần tôi gom bán 1 lần cho bạn bè, người quen. Nhưng giờ không có việc nữa, 2-3 ngày  tôi lại lấy một chuyến hải sản lên bán, chịu khó đăng bài trên các chợ online thấy cũng đông người mua. Tháng vừa rồi tôi cũng kiếm được hơn 3 triệu từ tiền bán hàng. Không nhiều nhưng còn hơn là chơi không, chán lắm”, chị Phương nói.

Các cô thường lựa chọn bán các loại thực phẩm từ quê chuyển lên.

Các cô thường lựa chọn bán các loại thực phẩm từ quê chuyển lên.

Không phải dân miền biển nên chị Tâm (giáo viên một trường tư thục tại Hà Đông, Hà Nội) lựa chọn bán rau sạch của nhà trồng từ Lạng Sơn gửi xuống. “Quê tôi ở Lạng Sơn, không khí mát mẻ nên rau ngon và sạch. Trước đây, mỗi lần về quê tôi toàn mang xuống làm quà cho mấy anh chị cùng trường. Nhưng giờ thất nghiệp, ở nhà chán quá nên tôi nghĩ ra công việc bán rau, vừa giúp bố mẹ ở quê bán được rau, vừa giúp mọi người ở Hà Nội có rau sạch ăn. Ngoài bán rau tôi còn bán thêm một số loại hoa quả như: Cam, táo, mận, nhót… Mọi người mua ủng hộ nhiều nên tôi vui lắm. Dù lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng cũng có việc để làm cho vui chân vui tay, thoải mái đầu óc”, chị Tâm bộc bạch.

Từ bán hải sản, đến bán dâu tằm.

Từ bán hải sản, đến bán dâu tằm.

Không chọn ở Hà Nội, chị Thơm (quê ở Ba Vì, Hà Nội) về quê làm bún đậu và nem bán kiếm thêm. “Nghỉ dạy nên tôi về quê bán bún đậu tại nhà và làm nem để em gái đăng bài bán online. Ở quê ít người đặt hàng như Hà Nội nên mỗi ngày trừ các chi phí tôi để ra được vài chục nghìn. Nhưng giờ không có việc, ở nhà nhớ trường, nhớ học sinh lắm chị ạ”, chị Thơm chia sẻ.

Theo chị Thơm, dù nghỉ dạy nhưng hiệu trưởng trường mầm non nơi chị làm việc vẫn trả 50% lương hỗ trợ giáo viên. Chị chỉ mong nhanh hết dịch để chị được tiếp tục đi làm, theo đuổi nghề nghiệp mình đã gắn bó.

Bán quần áo online cũng được các cô lựa chọn lúc thất nghiệp.

Bán quần áo online cũng được các cô lựa chọn lúc thất nghiệp.

Là hiệu trưởng của một trường mầm non tư thục tại Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chị Sơn cho biết, dù các cô được nghỉ, tình hình rất khó khăn, nhưng nhà trường vẫn trả lương cho các cô.

“Gần 2 tháng học sinh nghỉ học, mỗi tháng tôi phải bù lỗ gần 100 triệu đồng. Riêng tiền thuê mặt bằng là 33 triệu/tháng, tiền bảo hiểm xã hội cho các cô là khoảng 15 triệu đồng, tiền lương phụ cấp cho 12 cô là gần 50 triệu. Trước tình hình này, chắc phải 2-3 tháng nữa mọi thứ mới trở về ổn định được. Vì nếu hết dịch, tỷ lệ học sinh theo học lại cũng sẽ giảm đi rất nhiều do nhiều phụ huynh lo sợ dịch bệnh”, chị Sơn cho biết.

Đa số các cô giáo chọn công việc bán hàng trên chợ online để kiếm thêm thu nhập.

Đa số các cô giáo chọn công việc bán hàng trên chợ online để kiếm thêm thu nhập.

Vừa qua, 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học, các trung tâm ngoại ngữ…) đã có kiến nghị khẩn gửi tới Thủ tướng, các bộ, ban ngành về vấn đề hỗ trợ vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, nếu không sẽ họ sẽ bị phá sản vì không cân đối được thu chi.

Theo đó, trong thư phân tích: “Theo khảo sát nhanh, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở  giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi.

Nguồn: [Link nguồn]

Hãng hàng không đầu tiên bên bờ vực phá sản do Covid-19

Tác động của virus corona đối với hoạt động đi lại của hành khách đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho hãng hàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh An ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN