Dùng thẻ tín dụng, một số lỗi khiến bạn “thủng ví” dù biết nhưng vẫn dễ mắc

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Đã có nhiều khuyến cáo từ các ngân hàng về cách bảo quản, sử dụng thẻ tín dụng, tuy nhiên vẫn còn nhiều người dùng sơ ý để mất tiền mà không kiểm soát được. Dưới đây là một số lỗi người dùng thường gặp khi sử dụng thẻ tín dụng:

Lạm dụng thẻ tín dụng mua sắm: Bạn đừng bao giờ để bản thân có nguy cơ gánh thêm nợ và phải trả lãi bằng cách dùng thẻ tín dụng thanh toán cho những thứ lặt vặt như cà phê, đồ ăn nhẹ… Hãy sử dụng tiền mặt hoặc thẻ ghi nợ trong những trường hợp tương tự như thế.

Không nên lạm dụng thẻ tín dụng để mua sắm mọi thứ

Không nên lạm dụng thẻ tín dụng để mua sắm mọi thứ

Sử dụng tối đa hạn mức thẻ: Có thể nhiều người không biết rằng việc sử dụng tối đa hạn mức thẻ tín dụng sẽ khiến cho điểm tín dụng của bạn giảm mạnh, cho dù thanh toán đúng hạn.

Các đơn vị phát hành thẻ sẽ coi mức độ sử dụng thẻ tín dụng là một chỉ số quan trọng của rủi ro cho vay. Trong mắt của bên cho vay, một người thường xuyên đạt hoặc vượt quá hạn mức tín dụng sẽ có khả năng cao gặp khó khăn trong việc hoàn trả số tiền đó.

Hầu hết các chuyên gia tài chính đều khuyên bạn chỉ sử dụng khoảng 30% hạn mức thẻ, để có được điểm tín dụng tốt.

Rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng: 

Rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng, hành động đó được coi là ứng trước tiền, lãi suất sẽ được tính ngay lập tức.

Rõ ràng bạn phải trả lãi nếu rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng hoặc tiềm ẩn nguy cơ bị phạt nếu thanh toán chậm. Một người có tài chính ổn định phần lớn sẽ không làm điều đó.

Thanh toán muộn bạn sẽ phải chịu khoản phí trả chậm khá cao

Thanh toán muộn bạn sẽ phải chịu khoản phí trả chậm khá cao

Thanh toán muộn: Đơn giản là khi thanh toán muộn thì bạn sẽ phải chịu khoản phí trả chậm khá cao, ngoài ra có ảnh hưởng đến điểm tín dụng chung của bạn.

Hãy nhớ, nếu bạn không rút tiền mặt và thanh toán đúng hạn thì sẽ không mất tiền lãi.

Tự ý ngừng sử dụng thẻ: Nếu một ngày không muốn sử dụng thẻ tín dụng nữa, bạn nghĩ rằng chỉ cần quăng nó vào một xó là xong, vậy thì bạn đã sai lầm rồi. Nếu trong thẻ vẫn còn số dư chưa thanh toán thì bạn vẫn sẽ mắc kẹt với nó, trở thành khoản nợ quá hạn và bị tính với lãi suất cao.

Nếu muốn đóng thẻ, bạn hãy trả hết dư nợ rồi thông báo với đơn vị phát hành.

Không thông báo khi bị mất thẻ: Bạn nên thông báo ngay lập tức cho đơn vị phát hành thẻ tín dụng nếu chẳng may làm mất thẻ hay bị kẻ gian đánh cắp, để bảo vệ tài sản của mình.

Chỉ thanh toán số dư tối thiểu: Hàng tháng có thể bạn không cần phải thanh toán toàn bộ số dư trong thẻ, mà chỉ cần trả một phần nhất định theo chính sách của nhà phát hành. Dĩ nhiên là số tiền còn lại sẽ được ghi nợ vào tháng sau và bị tính lãi. Nếu không muốn mất thêm phí thì bạn hãy thanh toán đầy đủ số dư thẻ vào mỗi cuối tháng.

Mua sắm nhiều chỉ vì phần thưởng hoặc muốn tăng hạn mức thẻ: Thường xuyên mua sắm bằng thẻ tín dụng là một cách để bạn kiếm thêm phần thưởng từ nhà phát hành hoặc đưa ra đề xuất nâng hạn mức thẻ. Tuy nhiên hãy mua sắm vì bạn thấy cần thiết chứ đừng bao giờ tiêu tiền vì hai mục đích đó. Nó sẽ dẫn bạn đến những quyết định chi tiêu sai lầm, gây lãng phí hơn là chút phần thưởng nhận được.

Sử dụng càng nhiều thẻ là nguy cơ khiến bạn mắc nợ càng cao

Sử dụng càng nhiều thẻ là nguy cơ khiến bạn mắc nợ càng cao

Đăng ký quá nhiều thẻ: Nếu mở nhiều thẻ tín dụng cùng lúc, điều đó sẽ tác động tiêu cực tới điểm tín dụng của bạn. Ngoài ra, càng nhiều thẻ tín dụng thì càng thúc đẩy bạn mua sắm thiếu lý trí và nguy cơ mắc nợ cũng càng cao.

Mặt khác nữa, nhiều thẻ tín dụng thì bạn sẽ khó kiểm soát hết được, dễ rơi vào tình trạng quên thanh toán. Tập trung vào 1, 2 chiếc thẻ mà bạn thường sử dụng đến nhất cũng là cách để tận dụng tối đa ưu đãi từ nhà phát hành.

Không tìm hiểu kỹ về lãi suất: Lãi suất thẻ tín dụng là khoản tiền chủ thẻ phải chịu khi rút tiền mặt bằng thẻ hoặc thanh toán không đúng hạn toàn bộ dư nợ thẻ tín dụng của tháng trước.

Trong thời gian miễn lãi suất, nếu thanh toán đủ số tiền đã chi tiêu bằng thẻ cho ngân hàng, bạn sẽ không bị tính lãi suất và phí trả chậm. Khoảng thời gian này có thể kéo dài từ 45 - 60 ngày. Bạn hãy tìm hiểu các trường hợp bị tính lãi suất và cố gắng tránh để khỏi mất thêm chi phí.

Không kiểm tra sao kê: Kiểm tra sao kê thẻ tín dụng có thể giúp bạn tránh việc thanh toán trễ, đồng thời cũng là một cách tốt để biết những khoản phí có được liệt kê đúng hay không. Người tiêu dùng thường có 60 ngày để khiếu nại về số dư nợ, nếu bỏ qua bản sao kê, rất có thể bạn sẽ phải nộp những khoản phí không chính xác. Nhất là khi các thông tin cá nhân bị rò rỉ, kẻ xấu sẽ sử dụng tài khoản tín dụng của bạn để trục lợi bất chính.

Nguồn: [Link nguồn]

Cảnh báo chiêu trò mới: Giả danh nhân viên ngân hàng lừa mở thẻ tín dụng

Thời gian gần đây, một số đối tượng mạo danh nhân viên của các ngân hàng gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN