Tá hỏa nhận thông báo nợ gốc và lãi gần 60 triệu từ thẻ tín dụng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Mới đây, một khách hàng tá hỏa khi nhận được thông báo từ ngân hàng về khoản nợ gồm gốc và lãi hơn 57 triệu đồng, phát sinh sau 7 năm chưa thanh toán khoản chi hơn 6 triệu đồng từ thẻ tín dụng.

Tiêu trước trả sau kèm loạt ưu đãi

Chị Tuyết (ngụ TP HCM) cho biết năm 2013 có mở thẻ tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần, hội sở chính tại TP Hà Nội.

Tiêu tiền từ thẻ tín dụng nhưng không trả đúng hẹn, sau 7 năm gốc và lãi "đội" lên gấp hàng chục lần

Tiêu tiền từ thẻ tín dụng nhưng không trả đúng hẹn, sau 7 năm gốc và lãi "đội" lên gấp hàng chục lần

Trong quá trình sử dụng thẻ, chị đã chi tiêu số tiền hơn 6 triệu đồng và thời điểm đó do gia đình có việc đột xuất nên chị chậm trễ trong việc trả nợ đúng hạn.

"Một thời gian sau, ngân hàng cho nhân viên gọi nhắc tôi đi đóng số tiền trên. Lúc đó, tôi đang mang thai và có hứa sáng hôm sau sẽ ra ngân hàng đóng nhưng nhân viên này không ngừng xúc phạm tôi. Quá bức xúc, tôi gọi lên tổng đài của ngân hàng phản ánh thái độ nhân viên này nhưng không ai giải quyết, thậm chí còn bị một số người lạ gọi điện đe doạ" - chị Tuyết kể.

Cũng theo lời chị Tuyết, thời điểm đó chị đang mang thai nhưng liên tục nhận được cuộc gọi từ số máy lạ "khủng bố", "đòi nợ" nên chị không sử dụng số điện thoại đó nữa. Khoản nợ vì thế cũng bị treo lại…

Đến cuối tháng 6/2020, do gia đình có việc phải vay vốn ngân hàng. Chị liên hệ một ngân hàng thương mại cổ phần khác hỏi vay, mới biết đang có khoản nợ xấu treo trên hệ thống của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia - CIC. Đây là khoản nợ thẻ tín dụng nhiều năm trước của chị chưa tất toán…

"Từ khoản nợ hơn 6 triệu đồng năm 2013, đến giờ, giấy nợ của ngân hàng thông báo cả gốc và lãi tôi phải trả hơn 57 triệu đồng! Quá bất ngờ, biết là lỗi của mình nhưng thời điểm đó vì bức xúc với cách hành xử của nhân viên ngân hàng nên tôi không trả khoản nợ đó. Không ngờ gốc và lãi phát sinh lên con số "khủng" - chị Tuyết bày tỏ.

Nói về sự việc trên, đại diện ngân hàng cổ phần nơi phát hành thẻ tín dụng cho chị Tuyết năm 2013, xác nhận khoản nợ từ hơn 6 triệu đồng, sau 7 năm, gốc, lãi phát sinh và lãi phạt lên hơn 57 triệu đồng. Để hỗ trợ khách hàng, ngân hàng đã hỗ trợ miễn, giảm một phần lãi vay tạo điều kiện cho chị Tuyết có thể tất toán.

Theo quy định, nếu đã có nợ xấu phát sinh trên CIC, khách hàng sẽ không thể tiếp tục vay vốn ở ngân hàng khác. Muốn vay, khách hàng phải tất toán khoản nợ và đến kỳ xem xét, CIC sẽ xóa thông tin nợ xấu.

"Sau khi làm đơn xin được miễn, giảm gốc và lãi vay, tôi phải thanh toán tổng cộng gần 40 triệu đồng. Bài học quá đắt từ món nợ thẻ tín dụng" - chị Tuyết bộc bạch.

Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh nhận định thẻ tín dụng cũng là một khoản vay tín chấp nên khi khách hàng điền đơn yêu cầu cấp thẻ cũng là đã ký hợp đồng tín dụng. Do đó, về nguyên tắc khách hàng phải có nghĩa vụ thanh toán nợ đúng hạn. Khi khách hàng trả trễ, hệ thống ngân hàng sẽ tự động tính lãi quá hạn, lãi phạt và cộng vào nợ gốc, khiến tổng chi phí khoản nợ phải trả sau nhiều năm sẽ tăng lên rất cao so với nợ gốc.

 “Con dao hai lưỡi”

Thực tế, đối với nhiều người, thẻ tín dụng đã trở thành một con dao hai lưỡi, gây tổn thương cho chính tài sản của bản thân.

Với những người trẻ tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm, tiêu thẻ tín dụng thực sự nguy hiểm như "dao hai lưỡi"

Với những người trẻ tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm, tiêu thẻ tín dụng thực sự nguy hiểm như "dao hai lưỡi"

Chi tiêu vượt quá giới hạn, sống vượt quá khả năng tài chính giờ đây không chỉ được xã hội chấp nhận mà thậm chí đó là tiêu chuẩn. Những người trẻ tuổi cần sớm nhận ra rằng đó không phải con đường đúng đắn và hơn bao giờ hết, họ nên hiểu được sự nguy hiểm của thẻ ghi nợ.

Scott Pape – một nhà đầu tư nổi tiếng tại Australia từng lên tiếng yêu cầu các ngân hàng tại đây nên mở lớp giáo dục tài chính ở trường học thay vì dụ dỗ trẻ vị thành niên lao vào cuộc sống hưởng thụ.

“Đó không phải là một điều đáng tự hào và họ đang gửi đi một thông điệp quảng cáo sai lầm”, Pape nói.

Một số chuyên gia thậm chí đã kêu gọi cấm hoàn toàn thẻ tín dụng, giải thích rằng “người tiêu dùng đang phạm sai lầm có hệ thống” trong việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm tín dụng. Sự can thiệp của chính phủ sẽ ngăn người tiêu dùng tự làm hại mình.

Thông thường, người tiêu dùng chỉ nhìn vào tiện ích của dịch vụ mà không xem xét kỹ càng đến khả năng trả nợ, hay sự cần thiết của khoản vay, dẫn đến chi tiêu vượt quá khả năng trả nợ. Đến khi lâm vào cảnh nợ nần, chậm trễ trong thanh toán, người vay mới bắt đầu xem lại hợp đồng và than phiền về vấn đề lãi suất, phí phạt… Vì vậy, cần chủ động trao đổi với nhân viên tư vấn về các yếu tố này trước khi quyết định ký kết.

Một cách để duy trì điểm tín dụng ở mức tốt khi sử dụng thẻ tín dụng là không bao giờ sử dụng quá 50% khả năng vay tín dụng. Ví dụ, hạn mức tín dụng của bạn là 5.000 USD thì nên sử dụng tối đa là 2.500 USD từ thẻ tín dụng và nhớ, đừng vượt quá vì tỷ lệ nợ sẽ ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng của mình.

"Trước khi vay hoặc dùng thẻ tín dụng, người tiêu dùng nên lập kế hoạch tài chính nhằm trả nợ đúng hạn, tránh bị ảnh hưởng đến uy tín tài chính và phát sinh những khoản lãi ngoài ý muốn, cũng tránh bị ghi nhận trên CIC nếu không may có nợ xấu, làm ảnh hưởng đến những dự định tài chính sau này" - TS Huỳnh Trung Minh nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Dùng thẻ tín dụng: Cẩn thận ”nợ chồng nợ chất”

Tiêu tiền trước trả tiền sau, thậm chí rút tiền sử dụng cho việc khác, sau thời gian từ 1 tháng hoặc hơn (tùy từng ngân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN