Từng "nức tiếng" trên chiến trường Ukraine, vì sao UAV Bayraktar TB2 giờ đây vắng bóng?

Từng được xem là vũ khí có thể “thay đổi cục diện” trong giai đoạn đầu chiến sự ở Ukraine, nhưng UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất giờ lại trở nên “im tiếng”, làm dấy lên câu hỏi về độ hiệu quả của loại UAV mệnh danh mạnh bậc nhất thế giới.

UAV Bayraktar TB2 được biên chế cho quân đội Ukraine (ảnh: CNN)

UAV Bayraktar TB2 được biên chế cho quân đội Ukraine (ảnh: CNN)

Từ đầu tháng 3, thông tin về uy lực của UAV Bayraktar TB2 do quân đội Ukraine sử dụng xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông của nước này và phương Tây. Một số chuyên gia quân sự thậm chí cho rằng, dòng UAV này có thể là vũ khí “thay đổi cục diện” xung đột, giúp lực lượng Kiev giành lợi thế trên không trước quân đội Nga.

Bayraktar TB2 là mẫu UAV hiện đại nhất do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, có giá khoảng 5 triệu USD/chiếc. Loại UAV này có sải cánh 12m, có thể mang theo khoảng 200kg thiết bị trinh sát và vũ khí tấn công, bao gồm bom dẫn đường, tên lửa dẫn đường, tên lửa chống tăng. UAV TB2 có thể bay 27 giờ liên tục ở khoảng cách 300km từ đài điều khiển.

Theo Eurasian Times, UAV Bayraktar TB2 đã gây ra một số khó khăn cho quân đội Nga ở vài tháng đầu của cuộc xung đột. Từ tháng 5 – tháng 6, lực lượng Ukraine liên tục tấn công vào cứ điểm Đảo Rắn trên Biển Đen và UAV TB2 đóng góp quan trọng vào kế hoạch này.

UAV TB2 nổi tiếng đến mức, hồi tháng 5, người dân Litva (quốc gia đối tác của Ukraine) đã tổ chức sự kiện quyên góp để mua tặng Ukraine loại vũ khí này. Tổng số tiền quyên góp được là hơn 6 triệu USD, nhiều hơn mức để mua 1 chiếc UAV TB2.

Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau đó, thông tin về UAV TB2 từ chiến trường Ukraine trở nên thưa thớt dần. Theo giới chuyên gia, đây là thời điểm quân đội gia tăng sức mạnh của hệ thống phòng không, đặc biệt là triển khai các thiết bị đánh chặn và gây nhiễu UAV.

“Trên thực tế, quân đội Nga đã triển khai hệ thống tác chiến điện tử ở Ukraine và chúng hoạt động khá tốt”, Samuel Bendett – chuyên gia về vũ khí không người lái tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) – nhận xét.

“Các hệ thống radar của Nga có tác dụng cảnh báo sớm và hệ thống tác chiến điện tử có thể gây nhiễu UAV. Quân đội Nga cũng triển khai các lớp phòng thủ gồm súng máy, hệ thống phòng không Tor để bắn rơi UAV của Ukraine”, ông Bendett cho hay.

Quân đội Nga tuyên bố, từ ngày 24/2, họ đã bắn rơi ít nhất 130 UAV của Ukraine. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ gửi cho Ukraine hơn 50 UAV TB2, theo Eurasian Times.

Một chiếc UAV Bayraktar TB2 được cho là bị bắn rơi ở Ukraine (ảnh: AP)

Một chiếc UAV Bayraktar TB2 được cho là bị bắn rơi ở Ukraine (ảnh: AP)

Mark Cancian, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), cho rằng, trong vài tháng đầu xung đột, Ukraine có thể triển khai UAV TB2 tương đối dễ dàng do Nga chưa thiết lập lưới phòng không đủ rộng. Tuy nhiên, khi lực lượng Nga hoàn tất bố trí mạng lưới phòng không, UAV TB2 đã bị “bắt bài”.

Ngoài ra, khi xung đột kéo dài, UAV TB2 không còn là loại vũ khí phù hợp với Ukraine vì nó quá đắt. Mỗi chiếc UAV TB2 có giá khoảng 5 triệu USD, trong khi loại UAV cảm tử quân đội Nga thường sử dụng chỉ có giá khoảng 20.000 USD/chiếc.

Quân đội Ukraine hiện chủ yếu chiến đấu bằng vũ khí do Mỹ, phương Tây viện trợ và UAV TB2 dường như không phải lựa chọn ưa thích của Lầu Năm Góc, theo Eurasian Times.

Ngoài ra, truyền thông Nga cho rằng, sự “biến mất” của TB2 dường như có thể có yếu liên quan đến quan hệ ngoại giao Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù là thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan hệ khá tốt với Nga.

Một số nguồn thạo tin cho rằng, Tổng thống Nga Putin dường như đã đạt được đồng thuận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để Ankara không bán thêm UAV TB2 mới cho Ukraine, nhằm đổi lại thỏa thuận về khí đốt.

Nguồn: [Link nguồn]

Italia: Hàng nghìn người biểu tình, đòi ”cắt” vũ khí viện trợ cho Ukraine

Việc Thủ tướng Italia – bà Giorgia Meloni – gia hạn thời gian cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine khiến nhiều người dân trong nước và phe đối lập không hài lòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam - Eurasian Times ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN