EU và G7 áp đặt giá trần dầu Nga: Moscow đã chuẩn bị sẵn cách đối phó?

EU, G7 hôm 2/12 đã quyết định áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng, nhưng Moscow được cho là có những động thái đối phó từ trước.

Tàu chở dầu Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: RT)

Tàu chở dầu Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: RT)

Dẫn nguồn từ Financial Times (báo Anh), RT cho hay, từ đầu năm 2022, Nga đã mua hoặc tái sử dụng 103 tàu chở dầu cũ. Số tàu chở dầu này được gọi là “hạm đội bóng đêm” (shadow fleet) và có thể giúp Moscow giảm tác động của lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Anoop Singh, trưởng bộ phận nghiên cứu tàu biển vận tải thuộc Công ty môi giới tàu biển Braemar (Anh), cho rằng, hầu hết các tàu Nga mua trong năm nay đã được sử dụng khoảng 12 – 15 năm và có thể bị loại biên trong vài năm tới.

“Việc mua bán lượng lớn tàu chở hàng thông qua người mua giấu tên hoặc lần đầu tiên xuất hiện có xu hướng tăng mạnh”, ông Singh nói và cho rằng hầu hết số tàu này đều hướng về Nga.

Hôm 2/12, EU và G7 đã “chốt” giá trần dầu Nga ở mức 60 USD/thùng. Quyết định này được đưa ra sau nhiều tuần tranh luận giữa các thành viên EU. Trong khi Ba Lan muốn giới hạn giá dầu Nga ở mức 30 USD/thùng, Hy Lạp lại cho rằng mức giá 70 USD/thùng là phù hợp, theo RT.

Từ ngày 5/12, giới hạn giá dầu Nga do EU, G7 áp đặt sẽ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, EU sẽ cấm các công ty vận chuyển và cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các lô dầu Nga bán vượt giá trần. Tuy nhiên, với hơn 100 tàu mới bổ sung, Nga có thể tự vận chuyển dầu mà không cần thuê các công ty vận tải phương Tây.

Andrey Kostin – giám đốc Ngân hàng VTB (Nga) – cho rằng, Nga đã chi ít nhất 16,2 tỷ USD để mở rộng đội tàu chở dầu.

Theo công ty Braemar, từ đầu năm 2022, Nga đã mua thêm 29 tàu chở dầu lớn (VLCC), mỗi tàu có khả năng chở 2 triệu thùng dầu thô. Ngoài ra, Nga cũng mua thêm 31 tàu chở dầu cỡ Suezmax (có khả năng chở 1 triệu thùng dầu) và 49 tàu chở dầu Aframax (mỗi tàu có khả năng chở 700.000 thùng dầu).

“Hạm đội bóng đêm” của Nga có thể chở dầu đến các đối tác như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Những nước này không chịu lệnh trừng phạt và giới hạn thương mại từ EU, Mỹ khi nhập khẩu dầu Nga.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây cho rằng, nếu “quay lưng” với các công ty vận tải châu Âu, Nga có thể sẽ thiếu tàu chở dầu và gặp khó khăn trong việc duy trì khả năng xuất khẩu trong vài tháng đầu năm 2023. Do đó, Nga nhiều khả năng sẽ mua thêm nhiều tàu chở dầu cũ, giá rẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Phản ứng đầu tiên từ Moscow sau khi EU, G7 quyết định mức áp trần giá dầu Nga

Moscow cảnh báo động thái áp trần giá dầu Nga của phương Tây là “nguy hiểm”. Trong khi đó, Ukraine muốn mức giá trần giảm sâu hơn nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam - Financial Times, RT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN