Nga cảnh báo tình huống ngừng xuất khẩu dầu ra thế giới

Phát biểu trên sóng truyền hình Nga, Phó Thủ tướng Nga – ông Alexander Novak – tuyên bố, Moscow có thể ngừng xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường thế giới nếu giá dầu của nước này bị giới hạn dưới mức chi phí sản xuất.

Phó Thủ tướng Nga – ông Alexander Novak (ảnh: RT)

Phó Thủ tướng Nga – ông Alexander Novak (ảnh: RT)

“Nếu mức giá họ đang nói thấp hơn chi phí để sản xuất dầu. Nga sẽ không đảm bảo cung cấp dầu ra thị trường thế giới. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không chịu lỗ”, RT hôm 21.7 dẫn lời ông Alexander Novak.

Tuyên bố của ông Alexander Novak được đưa ra trong bối cảnh nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đang kêu gọi áp mức giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga. Phía Mỹ cho rằng, biện pháp này sẽ hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng Nga và giảm nguồn lực của Moscow trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado hôm 20.7, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết, Washington hy vọng mức giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga sẽ được đưa ra trước tháng 12 năm nay.

Theo Bloomberg, phương Tây muốn áp mức giá từ 40 – 60 USD/thùng đối với dầu Nga. Moscow hiện đang bán dầu với mức giá dao động từ 80 – 85 USD/thùng.

“Mức giá trần trên phạm vi toàn cầu sẽ giúp hạ nhiệt giá năng lượng và tạo điều kiện cho Nga xuất khẩu năng lượng ra thị trường thế giới”, ông Adeyemo nói.

Gal Luft – Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu (Mỹ) – cho rằng, nếu phương Tây áp mức giá trần, Nga có thể cắt giảm đáng kể sản lượng khai thác dầu. Điều này khiến nguồn cung dầu toàn cầu trở nên khan hiếm, thậm chí, có thể đẩy giá dầu vọt lên mức 140 USD/thùng.

Dmitry Medvedev – Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga – từng cảnh báo, giá dầu trên thị trường thế giới có thể vượt 300 – 400 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt mức trần đối với giá dầu Nga.

Hôm 19.7, trong chuyến thăm Iran, Tổng thống Nga cũng cảnh báo, phương Tây đang bước trên con đường khiến giá dầu tăng vọt.

“Hiện tại, chúng tôi cũng nghe thấy một số ý tưởng phi lý rằng nên hạn chế sản lượng và áp giá trần đối với dầu Nga. Điều đó hoàn toàn giống với những gì đang xảy ra với khí đốt. Giá cả sẽ tăng vọt”, ông Putin cảnh báo.

Một tàu chở dầu của Nga (ảnh: RT)

Một tàu chở dầu của Nga (ảnh: RT)

Giữa xung đột Nga – Ukraine, nhiều nước phương Tây đã tìm cách hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Moscow bằng cách hạn chế nhập khẩu nhiên liệu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến một số nước thành viên EU, ví dụ như Đức, rơi vào khủng hoảng năng lượng.

Hôm 21.7, đường ống khí đốt Nord Stream 1 đã được Nga vận hành trở lại nhưng vẫn chưa thể khiến EU yên tâm.

Dữ liệu do Tập đoàn Gazprom (Nga) cung cấp cho Gascade – nhà điều hành các đường ống khí đốt của Đức – cho thấy, trong ngày 21.7, khoảng 530 GWh khí đốt sẽ được chuyển đến Đức qua đường ống Nord Stream 1.

Klaus Muller – Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức (GFNA) – cho hay, lượng khí đốt trên chỉ tương đương 30% công suất của đường ống. Gazprom sau đó đã nâng công suất của Nord Stream 1 lên 40%.

“Về 60% công suất bị cắt giảm, Nga vẫn chưa đưa ra giải thích rõ ràng”, ông Klaus Muller viết trên Twitter.

Nguồn: [Link nguồn]

Đường ống khí đốt từ Nga sang châu Âu chính thức hoạt động lại

Công ty điều hành dự án “Dòng chảy Phương Bắc 1” (Nord Stream 1) thông báo, đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu đã hoạt động trở lại sau 10 ngày bảo trì.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Quốc – RT ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN