Mỹ ngăn Trung Quốc ‘hạt nhân hóa’ biển Đông

Washington lo ngại Bắc Kinh sử dụng công nghệ hạt nhân cho các hoạt động quân sự, trong đó có khu vực biển Đông.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ hạn chế bán công nghệ hạt nhân sử dụng trong lĩnh vực dân sự cho Trung Quốc (TQ) vì lo ngại rằng Bắc Kinh đang chuyển mục đích sử dụng các công nghệ này sang lĩnh vực quân sự và các lĩnh vực trái phép khác, CNN đưa tin hôm 12-10.

Lo ngại Trung Quốc đưa hạt nhân vào biển Đông

Chính sách mới này của Mỹ được thông báo sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Phía Mỹ ban hành các hướng dẫn thực hiện chính sách đối với tất cả đối tượng liên quan, bao gồm hoạt động chuyển giao công nghệ đang diễn ra, chuẩn bị diễn ra hay các kế hoạch chuyển giao trong tương lai giữa các doanh nghiệp Mỹ và TQ.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry nói: “Mỹ không thể phớt lờ các tác động đến an ninh quốc gia trước khả năng TQ có thể sử dụng công nghệ hạt nhân cho các mục đích bên ngoài các lĩnh vực đã ký kết trong thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Mỹ”. Washington đặc biệt lưu ý đến các hợp đồng liên quan công nghệ được sử dụng cho tàu ngầm, tàu sân bay và các lò phản ứng hạt nhân nhỏ kiểu môđun có thể được sử dụng trong các nhà máy sản xuất năng lượng hạt nhân nổi trên biển Đông.

Bộ trưởng Perry khẳng định: “Chính phủ Mỹ đã kết luận rằng việc thay đổi trong quan hệ hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và TQ là cần thiết nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa các rủi ro trong dài hạn đối với an ninh quốc gia của Mỹ và các lợi ích về kinh tế, cũng như những ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ”.

Mỹ ngăn Trung Quốc ‘hạt nhân hóa’ biển Đông - 1

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry. Ảnh: AP

Quan chức chính phủ Mỹ khẳng định TQ “đang tích cực theo đuổi các công nghệ hạt nhân tiên tiến của Mỹ và chuyển mục đích sử dụng sang lĩnh vực quân sự, cụ thể là trong việc phát triển hệ thống tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ ba, phát triển tàu sân bay và trong việc sử dụng các nền tảng năng lượng hạt nhân mang tính chiến lược kép, chẳng hạn các lò phản ứng hạt nhân nhỏ kiểu môđun và các nhà máy năng lượng hạt nhân nổi có thể triển khai ở biển Đông”.

Phía Mỹ khẳng định Washington biết rõ Bắc Kinh đang sẵn sàng sử dụng năng lượng hạt nhân trên các thực thể đã bị TQ chiếm giữ, bồi lấp, xây dựng trái phép thành các đảo nhân tạo ở biển Đông. “Chúng tôi biết rằng TQ đang phát triển các cơ sở năng lượng để phục vụ các đảo này và cho các tàu phá băng chạy bằng điện hạt nhân, đồng thời đưa các nhà máy năng lượng hạt nhân nổi ra biển để có thể triển khai bất kỳ phương tiện nào thích hợp” - một quan chức Mỹ khẳng định.

Từ chối bán công nghệ hạt nhân cho Trung Quốc

Theo CNN, quyết định lần này của Washington nhằm vào TQ được đưa ra sau khi Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ xem xét, đánh giá toàn diện chính sách của chính phủ Mỹ, nhất là trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đang cố gắng thao túng các công nghệ tiên tiến, vật liệu sản xuất hạt nhân và các thiết bị hạt nhân từ các doanh nghiệp Mỹ.

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã cân nhắc hai khía cạnh an ninh kinh tế lẫn an ninh quốc gia, được triển khai khi Washington nhận thấy Bắc Kinh đang nỗ lực tấn công nhằm đoạt lấy tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ bằng nhiều cách khác nhau, thậm chí bằng các phương thức bất hợp pháp, tìm cách làm suy yếu doanh nghiệp Mỹ và ngành quốc phòng Mỹ.

Một quan chức Mỹ nói Mỹ sẽ trong tâm thế từ chối tất cả hồ sơ xin cấp phép chuyển giao công nghệ liên quan Tập đoàn Điện nguyên tử TQ. Doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước này của TQ đang bị dính cáo buộc toan tính đánh cắp công nghệ hạt nhân của Mỹ. “Trong nhiều thập niên qua, TQ đã và đang duy trì một chiến lược nhất quán do chính phủ chỉ đạo nhằm đạt được các công nghệ hạt nhân tiên tiến” - vị này nói.

Xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang TQ đạt khoảng 170 triệu USD trong năm 2017. Washington khẳng định chính quyền Mỹ đã cân nhắc một cách cẩn trọng các tác động về mặt kinh tế trước khi ra quyết định hạn chế xuất khẩu hạt nhân với TQ, vì bảo vệ an ninh quốc gia phải được đặt lên trên hết.

“Chúng tôi hiểu rằng ngành công nghiệp của Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Nhưng chúng tôi tin rằng trong dài hạn, chính sách này sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ và bảo vệ nền công nghiệp hạt nhân của Mỹ” - quan chức Mỹ khẳng định. Vị này nói thêm TQ đang áp dụng các chính sách không công bằng để tìm cách vượt mặt nền công nghiệp Mỹ. Nếu không áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu hạt nhân lần này, các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ rơi vào tình thế bất lợi hơn nữa.

Động thái leo thang mới nhất trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc

Việc Mỹ tuyên bố hạn chế bán công nghệ hạt nhân cho TQ là động thái mới nhất trong chuỗi hành động chống lại Bắc Kinh của Washington kể từ giữa năm nay. Mỹ-TQ đang lún sâu vào cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump phát động. Hiện hơn một nửa hàng hóa TQ bán qua Mỹ, ước tính khoảng 250 tỉ USD đang bị Mỹ đánh thuế; trong khi TQ trả đũa bằng việc đánh thuế gần như tất cả hàng hóa Mỹ bán sang TQ trị giá hơn 110 tỉ USD. Cuộc chiến thuế quan này dự báo tiếp tục leo thang đến ít nhất cuối năm nay.

Chuyên gia: Hải quân Mỹ không “đủ trình” đấu với Nga, Trung Quốc

Nếu Mỹ rơi vào cuộc xung đột với Nga hoặc Trung Quốc, cả hai cường quốc này sẽ có khả năng đánh chìm các tàu chở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀNG PHÚ - THÙY ANH ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN