Dự án "khủng" của Trung Quốc bị quay lưng

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Sierra Leone vừa quyết định hủy dự án xây sân bay quốc tế Mamamah có vốn đầu tư 318 triệu USD với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một chính phủ châu Phi hủy dự án lớn được Trung Quốc tài trợ và công bố rộng rãi.

Được chính quyền cựu Tổng thống Ernest Bai Koroma phê chuẩn hồi tháng 3, dự án này nằm ở ngoại ô thủ đô Freetown và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Theo đài CNN, Tập đoàn đường sắt Railway Seventh (Trung Quốc) ký hợp đồng xây dựng sân bay Mamamah với nguồn vốn tài trợ từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính quyền mới của Tổng thống Julius Maada Bio, người lên nắm quyền vài tháng trước, quyết hủy dự án do lo ngại mắc nợ Trung Quốc hơn nữa.

"Sau khi xem xét cẩn trọng, chính phủ nhận thấy tiến hành dự án trong khi sân bay hiện tại vẫn sử dụng ổn sẽ không khả thi về mặt kinh tế" - Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Hàng không Kabineh Kallon cho biết trong bức thư gửi đến giám đốc dự án. Hôm 10-10, ông Kallon cho đài BBC hay sân bay hiện tại ở thị trấn Lungi sẽ được nâng cấp.

Dự án "khủng" của Trung Quốc bị quay lưng - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ông Ernest Bai Koroma khi còn làm tổng thống Sierra Leone Ảnh: CPC

Bà Lina Benabdallah, chuyên gia về chính trị và các vấn đề quốc tế tại Trường ĐH Wake Forest (Mỹ), cho rằng thỏa thuận xây sân bay quốc tế Mamamah gây nhiều tranh cãi trong những năm qua, một phần do sự thiếu minh bạch về các điều khoản của thỏa thuận.

Theo một số thống kê, Sierra Leone thời ông Koroma (từ tháng 9-2007 đến tháng 4-2018) nợ Trung Quốc 224 triệu USD. Không có gì lạ khi tân Tổng thống Maada Bio tuyên bố rà soát lại một số thỏa thuận ký kết thời người tiền nhiệm bởi Sierra Leone hiện là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi.

Các nước châu Phi được cho là đang nợ Trung Quốc khoảng 130 tỉ USD, phần lớn dùng để trang trải các dự án giao thông, điện và khai thác mỏ.

Còn tại châu Á, chính phủ Pakistan vừa nhận được cảnh báo từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về những rủi ro kinh tế từ các dự án được Trung Quốc tài trợ.

Tại hội nghị thường niên của IMF ở đảo Bali - Indonesia hôm 9-10, chuyên gia kinh tế trưởng IMF Maurice Obstfeld nhận định sự hợp tác giữa Pakistan và Trung Quốc tồn tại cả lợi ích lẫn rủi ro. Ông Obstfeld cho rằng Pakistan cần nâng cấp hạ tầng và Trung Quốc có thể giúp ích. Tuy nhiên, Islamabad phải thận trọng về những dự án liên quan đến Bắc Kinh để tránh nợ nần chồng chất hoặc bất ổn tài chính.

Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), dự trữ ngoại tệ của Pakistan tính đến cuối tháng 9 còn 8,4 tỉ USD, vừa đủ để thanh toán những khoản nợ hiện tại.

Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Pakistan cho biết sẽ tìm kiếm gói cứu trợ tài chính của IMF để giúp bình ổn kinh tế. Tân Thủ tướng Imran Khan đang thăm dò một số giải pháp khác, như đề nghị Trung Quốc cho vay 2 tỉ USD.

Ngoài ra, chính quyền ông Khan cũng cho Bắc Kinh biết muốn xem xét lại một số thỏa thuận đã ký kết với Trung Quốc trong khuôn khổ dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 62 tỉ USD. 

Trung Quốc đối mặt giai đoạn tồi tệ nhất

Băng giá bao phủ cuộc gặp ở Bắc Kinh hôm 8-10 giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Mai ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN