Lý do máy bay không người lái Ukraine mất ưu thế trong xung đột với Nga

Trong những ngày đầu của cuộc xung đột ở Ukraine, các máy bay không người lái (UAV) đã giành được không ít chiến thắng bất ngờ trước các lực lượng Nga.

Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Ukraine.

Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Ukraine.

Câu chuyện và video quay cảnh máy bay không người lái Ukraine phá hủy vũ khí Nga liên tục xuất hiện trên mạng xã hội. Nổi tiếng nhất phải kể để đến các chiến công của UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, theo Business Insider.

Nhưng sau vài tháng, Nga đã rút ra kinh nghiệm trong môi trường tác chiến với UAV của Ukraine. Các chuyên gia nói trên tờ Insider rằng, UAV đã không còn hoạt động hiệu quả vì Nga cải thiện năng lực chiến đấu của các hệ thống phòng không và gây nhiễu.

“Hiện nay, quân đội Nga đã tái tổ chức hệ thống tác chiến điện tử và phòng không. Mạng lưới phòng không của Nga dày đặc hơn nhiều so với những tháng đầu trong cuộc xung đột”, Samuel Bendett, chuyên gia phân tích quân sự tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA) có trụ sở ở Mỹ, nói.

Các lực lượng Nga chủ động sử dụng radar cảnh báo sớm xác định vị trí của các UAV, sau đó huy động hệ thống tác chiến điện tử gây nhiễu, cản trở liên lạc, Bendett nói.

Họ sử dụng nhiều loại vũ khí, từ pháo phòng không cho đến các hệ thống tên lửa như Tor để bắn rơi UAV.

Gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đăng video quay cảnh hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-S4 tham gia chiến đấu, vô hiệu hóa một UAV của Ukraine.

Mark Cancian, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói Ukraine ban đầu sử dụng UAV hiệu quả vì Nga chưa tổ chức các mạng lưới phòng không quy mô.

Ở giai đoạn đầu, các lực lượng Nga chiến đấu trên mặt đôi khi không được các hệ thống phòng không bảo vệ, dễ bị tổn thương vì các UAV của Ukraine.

“Các lực lượng Nga khi đó triển khai đội ngũ phòng không khá chậm và phản ứng chậm với các nhiệm vụ tác chiến hỗn hợp”, Cancian nói.

Nhưng ở chiến trường Donbass, Nga đã tổ chức mạng lưới phòng không tốt hơn. UAV dù tối tân đến mấy vẫn là mục tiêu dễ bị bắn hạ hơn các chiến đấu cơ có người lái.

Ukraine sử dụng UAV cảm tử tấn công xe tăng Nga.

Ukraine sử dụng UAV cảm tử tấn công xe tăng Nga.

Mỗi chiếc Bayraktar TB2 có giá không nhỏ, ước tính từ 1-2 triệu USD. Việc mẫu UAV này bị bắn rơi nhiều lần đã khiến quân đội Ukraine phải giảm tần suất sử dụng và chỉ sử dụng ở một số nhiệm vụ cụ thể, theo Insider.

Các phi công Ukraine cũng không mấy hào hứng với thông tin Mỹ có thể cung cấp UAV tối tân MQ-1C Gray Eagle. Giá thành của mẫu UAV này đắt ngang bằng một chiến đấu cơ, lên tới 10 triệu USD.

Theo Cancian, mạng lưới phòng không tầm ngắn và tầm trung của Nga rất phù hợp để bắn hạ các UAV bay chậm và hoạt động ở tầm thấp.

“Các phi công Ukraine đã lên tiếng, họ nói rằng UAV không còn đóng vai trò quan trọng”, Cancian nói.

Chuyên gia Bendett nói các UAV của Nga thực tế còn đang hoạt động hiệu quả hơn, do Ukraine thiếu các vũ khí để bắn rơi UAV.

Một binh sĩ Ukraine từng nói trên tờ The Times: “Chúng tôi không thấy UAV của Nga, nhưng chúng nhìn thấy chúng tôi, khiến chúng tôi chỉ còn cách ẩn nấp”.

Bendett nói trong vài tuần tới, Nga sẽ tiếp tục cải thiện năng lực tổ chức và chiến đấu để tiếp tục tiến sâu hơn trong cuộc xung đột ở vùng Donbass.

Theo Bendett, các lực lượng Nga đang chiến đấu nhuần nhuyễn hơn, phối hợp tốt hơn giữa bộ binh, pháo binh và các máy bay không người lái của không quân.

“Trong khi bộ binh và pháo binh áp chế các cứ điểm phòng thủ của đối phương, các UAV tận dụng thời cơ để trinh sát, cung cấp thông tin về chiến trường, giúp các lực lượng Nga sử dụng tên lửa tầm xa tấn công”, Bendett nói. “Vậy nên chúng ta sẽ nhận thấy các UAV của Nga hoạt động với tần suất lớn hơn so với bên phía Ukraine”.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng Úc gặp ông Zelensky, cam kết gửi thêm vũ khí tới Ukraine

Thủ tướng Úc Anthony Albanese là lãnh đạo nước ngoài mới nhất tới Kiev gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine đối phó Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - BI ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN