Khối BRICS và thách thức trong việc mở rộng thành viên

BRICS cần mở rộng thêm thành viên để thực hiện các kế hoạch đối trọng với phương Tây nhưng chuyện lựa chọn thành viên mới sẽ không hề dễ dàng.

Từ ngày 22 đến 24-8 tới, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) - gồm Nam Phi, Ấn Độ, Trung Quốc (TQ), Nga và Brazil - lần thứ 15 sẽ diễn ra ở TP Johannesburg, Nam Phi. Hội nghị năm nay có chủ đề: “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương rộng khắp”.

Theo hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên hội nghị BRICS được tổ chức theo hình thức trực tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn ra trong bối cảnh khối này đang nỗ lực hướng tới trật tự thế giới đa cực, mở rộng thành viên, mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và tăng tỉ trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Ngày càng nhiều nước muốn gia nhập BRICS

Trang tin The Conversation cho biết với vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao, BRICS đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, chủ yếu là các nước ở khu vực Nam bán cầu - gồm các nước ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi. Ở thời điểm hiện tại, ước tính có ít nhất 40 quốc gia muốn gia nhập BRICS, trong đó 13 nước đã chính thức nộp đơn xin gia nhập hồi tháng 5. Lý do muốn gia nhập BRICS khác nhau ở mỗi quốc gia, một số nước muốn thách thức sự lãnh đạo toàn cầu của phương Tây, trong khi số khác tìm kiếm quyền được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 17-8 cho biết Việt Nam đã được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 và dự kiến sẽ cử đại diện sang Nam Phi. Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về việc mở rộng thành viên của BRICS, cũng như luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu và khu vực, theo trang tin plo.vn.

Theo giới chuyên gia, BRICS với thêm nhiều thành viên mới có tiềm năng trở thành một bên đối trọng cân bằng trên trường quốc tế - nơi hầu như chỉ xuất hiện các liên minh và nhóm hợp tác phương Tây. Hãng tin Sputnik cho hay ban đầu BRICS chỉ bao gồm bốn nước là Brazil, Nga, Ấn Độ và TQ. Vào thời điểm đó, các nước này vì nhiều khác biệt về kinh tế và chính trị đã không thực sự hoạt động hiệu quả như một nhóm thống nhất. Tuy nhiên, thay đổi rõ rệt diễn ra vào giai đoạn sau năm 2010, khi Nam Phi trở thành thành viên thứ năm, BRICS mang tính toàn cầu nhiều hơn do lúc này đã có đại diện ở hầu hết châu lục lớn.

Hiện tại, tổ chức này vẫn đang tập trung xây dựng ảnh hưởng quốc tế lớn hơn, bất chấp những tranh chấp lãnh thổ đáng kể giữa TQ và Ấn Độ. Chẳng hạn, cả Bắc Kinh và New Delhi đều nhất trí với mục tiêu của NDB là cung cấp 30% nguồn tài chính bằng đồng nội tệ của các nước thành viên. Điều này phù hợp với mục tiêu chính trong các ưu tiên của nhóm là giảm phụ thuộc vào đồng USD, tiến tới phi USD hóa nền kinh tế toàn cầu.

Dù vậy, việc phi USD hóa vẫn chưa được đông đảo thế giới ủng hộ, phần lớn vẫn đánh giá USD là đồng tiền an toàn và ổn định. Việc kết nạp thêm thành viên mới có thể xem là cách BRICS thuyết phục thêm nhiều nước đồng ý với kế hoạch phi USD hóa, mở rộng mạng lưới những quốc gia đồng ý sử dụng các đồng tiền thay thế. Khi mạng lưới này càng lớn thì những quốc gia còn đang chần chừ sẽ càng thấy được tính khả thi của kế hoạch phi USD hóa. Do đó, BRICS cần phải đánh giá và chọn lọc kỹ lưỡng các đơn xin gia nhập sắp tới.

Các lãnh đạo thành viên BRICS ở hội nghị thượng đỉnh lần thứ chín tại TP Hạ Môn, Trung Quốc hồi tháng 9-2017. Ảnh: CGTN

Các lãnh đạo thành viên BRICS ở hội nghị thượng đỉnh lần thứ chín tại TP Hạ Môn, Trung Quốc hồi tháng 9-2017. Ảnh: CGTN

Thách thức trong việc mở rộng

Theo PGS Bhaso Ndzendze thuộc ĐH Johannesburg (Nam Phi), việc mở rộng thành viên sẽ không dễ dàng. Theo ông, BRICS vẫn cần tập trung vào việc hài hòa tầm nhìn của mình và các thành viên mới tiềm năng. BRICS phải xem xét hồ sơ của các ứng cử viên, cũng như mối quan hệ của những nước này với phương Tây. Ngoài ra, việc đánh giá các thành viên tiềm năng còn phải tính đến mối quan hệ giữa các thành viên mới và thành viên cũ. Điều này bắt nguồn từ bài học quan trọng là tranh chấp lãnh thổ giữa TQ và Ấn Độ.

Do mối quan hệ không thoải mái giữa hai thành viên này, BRICS cần phải cảnh giác với tầm ảnh hưởng của quan hệ song phương giữa những nước chuẩn bị gia nhập và giải quyết mâu thuẫn xảy ra trước khi chính thức kết nạp. Ví dụ, Saudi Arabia là một trong những quốc gia muốn gia nhập nhưng lại có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Nga trong quá khứ. Nước này cũng không hòa hảo với Iran, một ứng cử viên khác, mặc dù họ đã nối lại quan hệ gần đây.

Theo tiêu chí này, ứng cử viên phù hợp nhất để gia nhập BRICS hiện nay dường như là Cuba. Havana có mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên cũ và cũng có lập trường vững chắc trong vấn đề thách thức ảnh hưởng của Mỹ.

Cuba đã phải chịu lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt suốt hơn 60 năm qua. Cuba cũng là quốc gia đi đầu trong phong trào cánh tả Mỹ Latinh, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều quốc gia ở Trung và Nam Mỹ như Guatemala, Honduras, Nicaragua và Venezuela. Do đó, việc Cuba gia nhập BRICS sẽ có lợi cho hai bên, khi Cuba có thể tiếp cận sự hỗ trợ kinh tế - chính trị từ khối này, còn BRICS sẽ gia tăng được ảnh hưởng với quốc gia thân Cuba.

Giới chuyên gia nhận định nếu muốn việc mở rộng BRICS trở thành tác nhân thay đổi cục diện thế giới, nhóm này sẽ phải hành động thận trọng. Việc mở rộng khối một cách tính toán và có chiến lược nên được thực thi bằng cách chỉ trao tư cách thành viên theo từng giai đoạn và tư cách thành viên đầy đủ sẽ chỉ được cấp cho các quốc gia đáp ứng các tiêu chí của nhóm theo thời gian.

Ông Tập sẽ trực tiếp đến dự thượng đỉnh BRICS

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn thông báo ngày 18-8 của Bộ Ngoại giao TQ cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ trực tiếp đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 theo lời mời của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Trong thời gian ở thăm Nam Phi, ông Tập cũng sẽ đồng chủ trì Đối thoại các nhà lãnh đạo TQ - châu Phi cùng với ông Ramaphosa.

Trong khi đó, phía Nga đã thông báo hồi tháng trước rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ họp trực tuyến thông qua đường truyền video thay vì tham dự trực tiếp. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tham dự trực tiếp tại Nam Phi.

Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng sự vắng mặt của ông Putin là do ông không muốn đặt Nam Phi vào thế khó xử, vì Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt ông hồi tháng 3 với cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine. Theo Quy chế Rome, 123 nước thành viên của ICC, trong đó có Nam Phi, có nghĩa vụ bắt lãnh đạo Nga và chuyển đến The Hague (Hà Lan) để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bắc Kinh chê G7 không... đông dân bằng BRICS

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ ra rằng quy mô dân số của nhóm G7 không bằng khối các nền kinh tế mới nổi BRICS.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN