Giải mật đề xuất thống nhất bán đảo Triều Tiên

Gần 40 năm trước, Triều Tiên từng đưa ra đề xuất thống nhất hai miền bán đảo một cách hòa bình.

Đề xuất táo bạo của Triều Tiên

Giải mật đề xuất thống nhất bán đảo Triều Tiên - 1

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (trái) tiếp lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tại Washington, D.C. năm 1987.

Đó là vào những năm cuối cùng của cuộc Chiến tranh lạnh. Ngày 9-12-1987, trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington, D.C. nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã chuyển tận tay cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đề xuất bí mật của Triều Tiên, tờ Korea Herald cho biết. Theo đó, chính quyền Bình Nhưỡng đề nghị thành lập một nhà nước cộng hòa liên bang trên bán đảo Triều Tiên, có hai chính quyền khác nhau đại diện cho hai miền và sẽ là một nước trung lập đóng vai trò vùng đệm tại khu vực.

Triều Tiên cũng đề nghị chính quyền hai miền bán đảo ký kết một hiệp định bất tương xâm và thay thế hiệp định đình chiến thời điểm đó bằng một hiệp định hòa bình thực chất. Đề xuất táo bạo này của Triều Tiên còn bày tỏ mong muốn chính thể mới này sẽ gia nhập Liên Hiệp Quốc dưới một tên chung duy nhất cho cả hai miền.

Song song đó, Bình Nhưỡng cũng đề nghị cùng Seoul hủy bỏ tất cả thỏa thuận và hiệp định nào đi ngược lại nỗ lực tái thống nhất bán đảo mà hai chính quyền đã ký với các bên thứ ba. Triều Tiên cũng đề xuất cho rút tất cả vũ khí hạt nhân và quân đội nước ngoài khỏi bán đảo.

Nỗ lực bất thành

Theo một điện tín ngày 14-12-1987, gửi từ đại sứ quán Hàn Quốc tại Mỹ về Seoul, ông Gorbachev đã liên hệ lại với ông Colin Powell, khi đó là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, về các đề xuất của Bình Nhưỡng. Ông Powell hứa hẹn sẽ sớm nghiên cứu các đề xuất kể trên và đề nghị các bên giữ bí mật về diễn biến này. Không lâu sau, Washington phản hồi rằng nên để Seoul tự giải quyết vấn đề này.

Chính phủ Mỹ cũng đánh giá các đề xuất của Triều Tiên là phi thực tế, trừ khi chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành có các bước đi thể hiện thiện chí xây dựng niềm tin giữa các bên. Mỹ cho rằng tổ chức các đối thoại liên Triều sẽ là điều kiện tiên quyết để mở đường cho sự “chung sống” hòa bình giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Choi Kwang-soo khi đó cũng phê phán đề xuất của phía Triều Tiên là “viển vông và phi thực tế”, tờ Korea Herald dẫn các thông tin được giải mật.

Trước thái độ hoài nghi của Mỹ và Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Eduard Shevardnadze đã đưa ra đề xuất giảm căng thẳng liên Triều mới với nội dung ít tham vọng hơn những gì Bình Nhưỡng đề nghị. Theo đó, Moscow và Washington sẽ thúc đẩy cho hai miền Triều Tiên cùng lúc gia nhập Liên Hiệp Quốc dưới cùng một tên gọi, theo Korea Herald. Tuy nhiên, những dự tính này cuối cùng vẫn không thành hiện thực. Hai miền bán đảo Triều Tiên đều được cho gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1991, tuy nhiên dưới hai tên gọi chính thức khác nhau.

Triều Tiên từng cậy nhờ kỹ sư Nhật Bản

Cũng trong đợt giải mật tài liệu ngoại giao ngày 30-3, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên vào năm 1983 đã mời một nhóm kỹ sư người Nhật Bản đến tư vấn cách đào hầm ngầm xâm nhập lãnh thổ Hàn Quốc.

Thông tin này được tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Nagoya phát hiện vào năm 1987. Trả lời phỏng vấn thị thực, công dân Nhật tên Tetsu Hayashi cho biết đã từng cùng bảy kỹ sư Nhật theo yêu cầu của chính phủ Nhật Bản đến dự một buổi tập huấn “kỹ sư dân sự” ở Bình Nhưỡng vào tháng 7-1983. Trong dịp đó, chính quyền Triều Tiên đã tổ chức khảo sát thực địa tại một đường hầm gần biên giới liên Triều và yêu cầu các kỹ sư Nhật góp ý về thiết kế kỹ thuật.

Theo đề xuất của Triều Tiên vào năm 1987, hai miền bán đảo sẽ cắt giảm quân số thường trực xuống dưới 100.000 người như một bước đệm để xây dựng bầu không khí hòa bình.

Triều Tiên xem Trung Quốc là ”quân bài trong tay áo”

Chuyến thăm bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Trung Quốc trong tuần này do chính ông chủ động đề xướng,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Nhân ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN