Đối phó lũ lụt tồi tệ nhất nhiều thập kỷ: TQ thành công hay thất bại?

Mùa hè năm nay, Trung Quốc ghi nhận lượng mưa lớn nhất ở lưu vực sông Dương Tử kể từ năm 1961 và trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đổ bộ vào khu vực rộng lớn từ phía tây nam đến bờ biển phía đông đất nước.

Video: Trung Quốc hứng chịu lũ lụt tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Nguồn: CGTN

Theo CGTN, vào giữa tháng 8 - thời điểm tồi tệ nhất của đợt mưa lũ lịch sử, mực nước ở 610 con sông đã tăng tới mức độ nguy hiểm.

Bộ Ứng phó khẩn cấp Trung Quốc ước tính hơn 63 triệu người chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy và hơn 200 người chết, mất tích.

Trung Quốc đang ở mùa mưa. Không giống các khu vực khác trên thế giới, điều kiện thời tiết trong mùa khô và mùa mưa ở Trung Quốc có sự khác biệt rõ rệt. Lượng mưa trong tháng 6 và tháng 8 năm nay, chiếm 40 - 70% tổng lượng mưa hàng năm.

Nhắc đến thảm họa lũ lụt, Trung Quốc từng hứng chịu trận lụt kinh hoàng năm 1998 trên sông Dương Tử, cướp sinh mạng của 1.500 người và gây thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 255 tỷ nhân dân tệ (tương đương 37,3 tỷ USD).

Thực tế, đợt lũ năm nay còn tệ hơn nhiều so với trận lũ năm lịch sử năm 1998.

Trong khoảng thời gian tương tự, lượng mưa ở hầu hết các khu vực thuộc lưu vực sông Dương Tử cao hơn 100 mm so với năm 1998. Một số khu vực thậm chí còn cao hơn 800 mm.

Wei Ke, phó giáo sư tại Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết, năm 1998, có 8 đỉnh lũ xảy ra trong 2 tháng nhưng mãi tới giữa tháng 8 đỉnh lũ mới gây hậu quả nghiêm trọng. Năm 2020, đỉnh lũ đầu tiên vào đầu tháng 7 đã đẩy mực nước của các con kênh kiểm soát lũ ở hạ lưu sông Dương Tử vượt cảnh báo, gây ra lũ lớn ngay lập tức.

Dù lũ lụt năm nay thực sự nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ nhưng Trung Quốc lại khá thành công khi số thương vong và thiệt hại về kinh tế nhỏ hơn nhiều lần. Tất cả là nhờ vào công nghệ.

Sau trận lũ năm 1998, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào các dự án bảo tồn nước quy mô lớn dọc sông Dương Tử và các nhánh của sông này, nổi tiếng nhất là đập thủy điện lớn nhất thế giới - đập Tam Hiệp.

Dung tích của hồ chứa đập Tam Hiệp là hơn 22 tỷ mét khối. Các trạm thủy điện ở thượng nguồn sông Dương Tử cũng góp phần thay đổi cục diện công tác phòng chống lũ lụt toàn vùng.

Việc xây dựng các đập thủy điện Hướng Gia Bá, Khê Lạc Độ, Ô Đông Đức, Nhị Than và hơn 100 hồ chứa lớn đã mang lại cho Trung Quốc tổng dung tích kiểm soát lũ lụt lên tới 80 tỷ mét khối nước, gần bằng tổng lượng nước hàng năm của sông Nile.

Các con đê dọc sông Dương Tử và hệ thống hồ gần sông cũng được nâng cấp, cao hơn 2 mét so với mực nước lũ cao nhất ghi nhận trong lịch sử.

Đặc biệt, hơn 2 thập kỷ qua, các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu để lắp đặt một "bộ não" kiểm soát các cơ sở này để chúng hoạt động tối ưu. Dự báo thời tiết chính xác trong 5 đến 7 ngày cũng như mô hình thủy văn được cải thiện đều góp phần vào việc dự đoán thời điểm lũ xảy ra chính xác hơn.

Trung Quốc đã sử dụng hiệu quả "hạ tầng xám" (Gray Infrastructure) là các công trình hạ tầng kiểm soát lũ lụt, bao gồm hồ chứa, đập thủy điện và đường ống. Ngoài ra, "hạ tầng xanh" cũng được áp dụng. Đây là các công trình kiểm soát lũ lụt nhưng thân thiện với môi trường như hồ, vùng đất ngập nước và các công viên.

Năm 2014, Trung Quốc ban hành hướng dẫn quốc gia cho các thành phố để tối đa hoá các kỹ thuật thoát nước tự nhiên, một dự án với tên gọi "các thành phố bọt biển" được triển khai nhằm đưa 20% diện tích đất ở 658 thành phố đạt tiêu chuẩn thoát nước vào cuối năm nay. Chi phí ước tính cho dự án là khoảng 400 tỷ nhân dân tệ (57,5 tỷ USD).

Lưu vực sông Dương Tử hiện là một trong những khu vực đông dân và phát triển nhất thế giới. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến ​​tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng từ 33,4% (năm 1998) lên hơn 60% (năm 2020).

Giáo sư Ouyang Chaojun, tới từ Viện Khoa học Trung Quốc, cho rằng sự phát triển này đang dẫn đến tình trạng nhiều sông, hồ và vùng đất ngập nước bị xâm lấn, làm giảm diện tích các khu vực hỗ trợ quá trình kiểm soát lũ.

Trung Quốc đã thực hiện một loạt chính sách khẩn cấp về thân thiện với môi trường như "trả lại đất cho các hồ", nhưng ngay cả những biện pháp này vẫn được xem là chưa kịp thời và đủ cứng rắn.

Từ những năm 1970, 112 hồ ở lưu vực sông Dương Tử, đóng vai trò là "vùng đệm" và xả lũ tự nhiên, đã mất 40% tổng diện tích và 30% dung tích hồ. Điều đó có nghĩa là trung bình, toàn bộ lưu vực đã mất khả năng hấp thụ 100 mm lượng mưa.

Các nhà khoa học cho rằng ngoài các yếu tố kể trên, lũ lụt năm nay còn là minh chứng mạnh mẽ về vai trò của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.

Chia sẻ với CGTN, ông Wei cho rằng, quan điểm chung hiện nay là việc nhiệt độ toàn cầu tăng sẽ làm tăng lượng mưa toàn cầu. Những nơi vốn nhiều mưa, nay lại nhiều mưa hơn, trong khi nơi ít mưa lại càng ít mưa hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Chính thức công bố thiệt hại do lũ trên sông Dương Tử, tồi tệ nhất kể từ năm 1998

Hơn 70 triệu người ở 28 tỉnh thành Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi mùa lũ năm nay trên sông Dương Tử. Đây được đánh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - CGTN ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN