TQ: Chính thức công bố thiệt hại do lũ trên sông Dương Tử, tồi tệ nhất kể từ năm 1998

Hơn 70 triệu người ở 28 tỉnh thành Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi mùa lũ năm nay trên sông Dương Tử. Đây được đánh giá là mùa lũ tồi tệ nhất đối với quốc gia tỷ dân kể từ sau trận lũ lịch sử năm 1998.

Lũ lụt năm nay trên sông Dương Tử được cho là nghiêm trọng nhất kể từ năm 1998 (ảnh: Xinhua)

Lũ lụt năm nay trên sông Dương Tử được cho là nghiêm trọng nhất kể từ năm 1998 (ảnh: Xinhua)

Thời báo Hoàn cầu đưa tin, thiệt hại về kinh tế trong mùa lũ năm nay trên sông Dương Tử là hơn 200 tỷ nhân dân tệ (29 tỷ USD).

“Tổng cộng mực nước ở 751 con sông của Trung Quốc đã vượt mức cảnh báo lũ. Lũ lụt xảy ra đồng thời ở cả sông Dương Tử, sông Hoàng Hà và Thái Hồ. Tuy nhiên, khu vực thuộc lưu vực sông Dương Tử là nơi hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nhất”, Li Kungang – quan chức tại Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc (MEM) – thông báo hôm 3.9.

Theo MEM, mùa lũ năm nay trên sông Dương Tử được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ năm 1998.

Tổng cộng có 271 người chết và mất tích do lũ lụt ở Trung Quốc, bằng 49,8% mức trung bình của tổng cộng 5 năm trở lại đây. Lũ lụt cũng khiến khoảng 4,69 triệu người phải sơ tán khẩn cấp.

Lũ lụt trên sông Dương Tử năm nay cũng tạo áp lực nghiêm trọng cho đập Tam Hiệp.

Trong đợt lũ số 5 trên sông Dương Tử, mực nước trong hồ chứa của con đập đạt 167,65 mét – cách 10 mét so với giới hạn thiết kế 175 mét. Đây cũng là mực nước cao nhất đo được trong hồ chứa của đập Tam Hiệp kể từ khi xây dựng.

Đợt lũ này cũng chứng kiến lưu lượng nước lũ đổ về hồ chứa của con đập ở mức kỷ lục - 75.000 m3/giây. Đập Tam Hiệp sau đó được cho phép xả lũ ở mức 49.400 m3/giây để giảm áp lực.

Theo MEM, mặc dù mùa lũ trên sông Dương Tử năm nay được coi như đã kết thúc, nhưng khu vực phía Tây Nam, Tây Bắc Trung Quốc vẫn phải cảnh giác với những trận mưa lớn có thể xảy ra vào mùa thu.

Theo chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình – công tác phòng chống lũ lụt của nước này vẫn sẽ được tiếp tục với 5 mục tiêu: Ngăn ngừa thảm họa địa chất có thể xảy ra, hỗ trợ khôi phục sản xuất cho các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng như Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, giúp người dân tái định cư, ổn định nhà cửa, tăng cường cứu trợ thiên tai và cuối cùng là nâng cao khả năng dự báo, phòng chống lũ.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Kế hoạch giải cứu giúp sông Hoàng Hà không còn là ”nỗi thống khổ”

Là con sông dài thứ hai Trung Quốc nhưng tiềm năng của sông Hoàng Hà – con sông quanh năm một màu nước vàng – đang bị hạn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – Hoàn cầu ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN