TQ: Trận lũ số 5 trên sông Dương Tử khiến nhiều người chết, ông Tập ra chỉ đạo mới cho quân đội

Hôm 20.8, đập Tam Hiệp đã chứng kiến lưu lượng nước lũ từ sông Dương Tử đổ về lên đến 75.000 m3/giây – cao nhất kể từ khi con đập được xây dựng. Giới chức Trung Quốc đã lên tiếng trấn an trên sóng truyền hình rằng, con đập chắc chắn sẽ không thể vỡ.

Đập Tam Hiệp mở cổng xả lũ hôm 20.8 (ảnh: Xinhua)

Đập Tam Hiệp mở cổng xả lũ hôm 20.8 (ảnh: Xinhua)

Sáng ngày 20.8, đập Tam Hiệp đã phải mở 11 cửa xả với tốc độ xả lũ lên tới 49.000 m3/giây – mức xả lớn nhất kể từ khi đi vào hoạt động.

Nếu không tiếp tục tăng tốc độ xả lũ, dự báo đến ngày 22.8, mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp sẽ ở mức 165,5 mét. Theo thiết kế, con đập có thể chịu nổi sức ép khi mực nước chạm ngưỡng 175 mét.

Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, 111 hồ chứa lớn ở thượng nguồn sông Dương Tử cùng một số đập thủy điện lớn khác sẽ tham gia kiểm soát đợt lũ số 5 và giảm áp lực cho đập Tam Hiệp.

Mặc dù đã được dự báo từ sớm, nhưng đợt lũ số 5 vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho một số tỉnh thành như Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Cam Túc, Vân Nam.

Mực nước sông Dương Tử đoạn chảy qua Trùng Khánh đã chạm mức cao nhất kể từ năm 1981 – thời điểm xảy ra trận lũ lịch sử khiến 1,5 triệu người Trung Quốc mất nhà cửa.

260.000 người dân Trùng Khánh bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhiều đường cao tốc, công trình bị ngập lụt và hư hại. Ít nhất 20.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bị thiệt hại và phải dừng hoạt động. Ghi nhận từ hiện trường cho thấy, nước lũ nhấn chìm cả những biển báo cao 3 mét tại một số con đường của thành phố.

Ở Tứ Xuyên, chính quyền và người dân vẫn nỗ lực bảo vệ di sản tượng Lạc Sơn Đại Phật khỏi hư hại do lũ lụt. Nước lũ đã ngập đến chân tượng phật khổng lồ có niên đại hơn 1.200 năm tuổi và bắt đầu rút dần. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1949, người dân Tứ Xuyên thấy hiện tượng này.

Lũ lụt ở Trùng Khánh (ảnh: Xinhua)

Lũ lụt ở Trùng Khánh (ảnh: Xinhua)

Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết, đợt lũ số 5 kèm thảm họa địa chất đã khiến 14 người thiệt mạng và 20 người khác mất tích ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Theo chính quyền Vân Nam, gần 40.000 người dân đã được sơ tán đến nơi an toàn trong khi 1,1 triệu người địa phương bị ảnh hưởng do lũ lụt. Thiệt hại ban đầu đối với Vân Nam ước tính là 453,7 triệu USD.

Chính quyền tỉnh Cam Túc cho hay, tỉnh này vẫn đang nỗ lực khôi phục lại hệ thống liên lạc, điện nước và giao thông trong khi tiếp tục cứu hộ người dân bị mắc kẹt.

Máy bay trực thăng cũng được triển khai để cứu hộ những người còn đang mắc kẹt trong nhà, không kịp đi sơ tán. Ít nhất 5 người thiệt mạng và 2 người còn đang mất tích. Mưa lũ ảnh hưởng đến hơn 400.000 người và khiến 72.000 người phải sơ tán, chính quyền Cam Túc thông báo.

Tại Trùng Khánh, vào khoảng 8 giờ sáng ngày 20.8, mực nước đo được tại trạm Thốn Than trên sông Dương Tử đạt 191,55 mét, cao hơn 0,14 mét so với mức kỷ lục và vẫn còn tăng lên.

“Trùng Khánh nằm trên khu vực hợp lưu của sông Dương Tử và sông Gia Lăng. Hệ thống sông ngòi trong thành phố dày đặc, trong khi đó, địa hình Trùng Khánh chủ yếu là đồi núi, rất khó thoát nước”, Wang Shiping – quan chức thuộc Trung tâm quản lý tình trạng khẩn cấp Trùng Khánh – nhận xét.

Lũ lụt khiến Trùng Khánh thiệt hại 354 triệu USD, hơn 260.000 người bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đợt lũ số 5 trên sông Dương Tử gây thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều tỉnh thành, Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình – đã có chỉ đạo mới, yêu cầu quân đội Trung Quốc nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát lũ lụt và khắc phục thiên tai.

Cảnh dọn dẹp ở một khu phố sau khi lũ rút (ảnh: Xinhua)

Cảnh dọn dẹp ở một khu phố sau khi lũ rút (ảnh: Xinhua)

Ông Tập nhấn mạnh, ứng phó với lũ lụt, thiên tai là một trong những nhiệm vụ chính của quân đội Trung Quốc.

“Tôi luôn quan tâm đến đời sống người dân ở những vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Trung Quốc đã chống chọi với thiên tai trong suốt hàng nghìn năm qua và giờ chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu”, ông Tập phát biểu.

Ông Tập cũng gửi lời cảm ơn vì những hy sinh, cố gắng của quân đội và cảnh sát Trung Quốc trong việc giúp đỡ người dân đối phó lũ lụt và cứu trợ thiên tai. Ông Tập nhấn mạnh, vai trò của quân đội Trung Quốc là rất cần thiết trong cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tổng cộng có hơn 1,2 triệu quân nhân và cảnh sát Trung Quốc đã tham gia vào công tác kiểm soát lũ lụt trên địa bàn 17 tỉnh thành.

“Quân đội phải trở thành mũi nhọn trong cuộc chiến chống lũ lụt. Trận lũ này là bài kiểm tra thực tế về hệ thống lãnh đạo, chỉ huy và khả năng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ của quân đội Trung Quốc”, ông Tập nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Lũ lớn chưa từng có đổ về đập Tam Hiệp: Vượt quá dự báo

Đợt lũ lớn đổ về đập Tam Hiệp sáng ngày 20.8 với lưu lượng nước đạt 75.000 m3/giây, mức cao nhất trong lịch sử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – China Daily, Tân Hoa Xã ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN