TTCK sáng 16/4: Tín hiệu bắt đáy

Thị trường đã tránh được phiên giảm sâu nhờ lực cầu bắt đáy xuất hiện ở nhiều mã chứng khoán trong phiên giao dịch sáng nay, dù lực bán ra là khá mạnh.

Phiên giảm điểm mạnh ngày hôm qua (15/4), cùng diễn biến tiêu cực trên thị trường chứng khoán và hàng thế thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Viêt Nam.

Sau những phút ngập ngừng khi bắt đầu bước vào phiên giao dịch sáng nay (16/5), nhà đầu tư đã mạnh tay thoát hàng, kéo hàng trăm mã giảm giá và khiến thị trường giảm mỗi lúc một sâu.

Kết thúc đợt 1,VN-Index mất 4,95 điểm (-1,03%), xuống 475,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,64 triệu đơn vị, tương đương giá trị 46,24 tỷ đồng.

Đà giảm được nới rộng hơn khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục, bởi lực bán tăng mạnh. Trên bảng điện tử, sắc đỏ chiếm thế chủ đạo hoàn toàn với gần 150 mã giảm giá, trong khi số tăng giá chỉ khoảng 20 mã.

Đến 9h47, VN-Index giảm 10,39 điểm (-2,16%), xuống 469,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15 triệu đơn vi, trị giá 280,8 tỷ đồng. Trước đó, có thời điểm, VN-Index giảm xuống 466,56 điểm, mất 13,46 điểm. Trong nhóm VN30 không có mã nào tăng giá

Tuy nhiên, thị trường đang dần có những tín hiệu tích cực khi đà giảm mỗi lúc được hãm bớt một chút nhờ sức mua tăng dần ở các mã bluechip. Trong nhóm bluechip, CII đã lấy lại được sắc xanh, trong khi EIB và GAS cũng nhiều khả năng bước qua mốc tham chiếu.

Trên sàn HNX, tuy cũng giảm điểm ngay từ đầu phiên như HOSE, nhưng đà giảm của HNX-Index không lớn như VN-Index nhờ có sự hỗ trợ của một vài bluechip như LAS, TH1, VGS. Số mã giảm giá trên HNX cũng chỉ bằng 1 nửa so với trên HOSE do lực bán ra không mạnh.

Đến 9h54, HNX-Index giảm 0,28 điểm (-0,48%), xuống 58,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 12 triệu đơn vi, tương đương giá trị 92 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, VN-Index đứng ở 473,89 điểm, giảm 6,13 điểm (-1,28%). Tổng khối lượng giao dịch 17 triệu đơn vi, trị giá 325,9 tỷ đồng.

Đà phục hồi của VN-Index có thời điểm bị đe dọa bởi lực cung vẫn khá mạnh. Tuy nhiên, về cuối phiên, lực cầu hỗ trợ tốt giúp VN-Index tiếp tục đà hồi phục trở lại và có lúc lên sát mốc tham chiếu, trước khi đóng cửa giảm nhẹ 0,87%.

Diễn biến trên HNX cũng tương tự với HOSE, thậm chí có thời điểm HNX-index đã leo qua được mốc tham chiếu, nhưng cuối cùng, chỉ số này cũng phải chấp nhận trở lại dưới mốc tham chiếu lực hỗ trợ từ các mã bluechip là không đáng kể.

Cụ thể, kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 4,16 điểm (-0,87%), xuống 475,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.063,26 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với gần 7,4 triệu đơn vi, trị giá 428,08 tỷ đồng. GAS và DHG chính là 2 mã đóng góp lớn nhất trong phiên thỏa thuận với 4 triệu đơn vị GAS được chuyển nhượng, tương đương giá trị 216 tỷ đồng, trong khi DHG cũng có gần 1,6 triệu đơn vị được sang tên, với giá trị hơn 128 tỷ đồng. Ngoài ra, VNM cũng đóng góp hơn 58 tỷ đồng khi có hơn 0,455 triệu đơn vị được chuyể nhượng.

Kết thúc phiên, số mã tăng giá trên HOSE đã được nâng lên thành 63 mã, nhiều gấp 3 lần so với nửa đầu phiên. Trong khi số mã giảm giá hạ xuống còn 117 mã, so vơi 150 mã lúc nửa đầu phiên.

Với 6 mã tăng là CII, CSM, DRC, VNM, SSIVCB, trong khi số mã giảm lên tới 21 mã, VN30-Index mất điểm nhiều hơn VN-Index với mức giảm 5,79 điểm (-1,07%), xuống 535,04 điểm.

Trong nhóm bluechip, CII có mức tăng mạnh nhất sau thông tin có kết quả kinh doanh tốt trong quý I, với mức tăng 4,25%, lên 22.100 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, GMD mất 3,87%, xuống 32.300 đồng/cổ phiếu.

ITA vẫn là mã được khớp lớn nhất với gần 3 triệu đơn vị, đứng phiên sáng ở mức tham chiếu 6.100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu đáng chú ý về giao dịch trong phiên sáng là VIP khi lúc đầu bị bán tháo mạnh, đưa xuống mức sàn 6.900 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó được lực mua tốt hỗ trợ nên đã hãm bớt đà giảm, đứng phiên sáng ở mức 7.200 đồng/cổ phiếu với khối lượng được khớp hơn 1,56 triệu đơn vị, đứng sau ITA.

Đà phục hồi của VCB sáng nay nhờ lực cầu hỗ trợ lớn từ nhà đầu tư nước ngoài, khi họ mua vào 230.710 cổ phiếu VCB, mức cao nhất thị trường và chiếm hơn 50% tổng khối lượng khớp của VCB.

Còn tính chung cả sàn, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 60 mã, với tổng khối lượng mua vào gần 2 triệu đơn vị.

Dù không được hỗ trợ mạnh, nhưng với sự cân bằng hơn của nhóm HNX30, nên HNX-Index giảm ít hơn VN-Index, thậm chí có lúc tăng như đã đề cập ở trên.

Kết thúc phiên sáng, HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,2%), xuống 58,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,88 triệu đơn vị, trị giá 189,1 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, có 7 mã tăng, 12 mã giảm, 10 mã đưng giá và OCH không có giao dịch. Kết thúc phiên, HNX30-Index giảm 0,23 điểm (-0,21%), xuống 110,25 điểm.

SHB, SCR và PVX vẫn là 3 cái tên đứng đầu về thanh khoản với hơn 5,13 triệu đơn vị, hơn 3,41 triệu đơn vị và hơn 2,13 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, khối ngoại giao dịch khá khiêm tốn với lượng mua vào là 379.100 đơn vị và bán ra 124.900 đơn vị.

Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này giảm 4,38 điểm xuống còn 464,65 điểm (-0,91%). Trong đó có 8 mã tăng giá, 32 mã giảm và 10 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như CII (4,2%), PVX (2,3%), VCB (1,1%), CSM (1,0%) và VNM (0,8%). Giảm mạnh nhất là các mã như GMD (-3,9%), MSN (-3,5%), VIC (-3,2%), STB (-2,9%) và VCF (-2,2%).  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T. Lê (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN