Éo le chuyện hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong bối cảnh Mỹ nâng thuế với nhiều nhóm hàng của Trung Quốc, nếu không cẩn thận Việt Nam có thể trở thành điểm chuyển tải bất hợp pháp, gây ra nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế.

Hiện tại Việt Nam (VN) đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và phần lớn hàng hóa xuất xứ VN được hưởng miễn, giảm thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các nước có ký kết FTA. Do đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đang tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa VN để được ưu đãi, chiếm lợi thế thương mại một cách bất hợp pháp.

Đó là cảnh báo của các chuyên gia, đại biểu tại buổi hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại”. Hội thảo do Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và USAID VN phối hợp tổ chức ngày 14-11 tại Hà Nội.

Làm hàng “Made in Vietnam” từ… Trung Quốc

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết có nhiều phương thức, thủ đoạn để gian lận, giả mạo xuất xứ VN đối với hàng hóa nước ngoài để tiêu thụ tại VN. Đó là hàng hóa khi nhập khẩu về VN đã ghi sẵn dòng chữ Made in Vietnam hoặc trên sản phẩm, bao bì, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ, trụ sở tại VN.

Đáng chú ý, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì, sản phẩm được ghi sản xuất tại nước ngoài như “Made in China” nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa lại thay nhãn mới Made in Vietnam.

“Họ thành lập nhiều công ty. Mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Thế nhưng họ vẫn ghi sản xuất tại VN hoặc xuất xứ VN nhằm đánh lừa người tiêu dùng để tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu” - ông Tuấn thông tin.

Ông Tuấn cũng dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy có một số nhóm mặt hàng có mức tăng trưởng đột biến trong sáu tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng này có nguy cơ gian lận cao về nguồn gốc, xuất xứ, phải đưa vào diện giám sát chặt chẽ. Đó là các mặt hàng về máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, sắt thép, xe đạp, gỗ, dệt may, da giày, giấy, đinh vít...

“Năm 2019, Tổng cục Hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến gian lận về nguồn gốc, xuất xứ. Chẳng hạn Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV phát hiện trường hợp xuất khẩu cáp từ VN của một DN tại TP.HCM. Hàng hóa được DN tạm nhập từ Trung Quốc, tái xuất sang Mỹ theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất. Theo khai báo hàng là cáp Internet coaxial cable, video cable tám sợi làm từ sợi đồng nguyên chất... và cáp Internet network cable. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế thì lô hàng trên là các sợi cáp mang nhãn hiệu Monster, trên bao bì sản phẩm có in sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”” - ông Tuấn dẫn chứng.

Cơ quan chức năng vừa tạm giữ hàng ngàn sản phẩm thương hiệu thời trang Seven.Am để điều tra làm rõ nghi vấn cắt nhãn mác Trung Quốc, gắn mác hàng Việt Nam. Ảnh: QLTT

Cơ quan chức năng vừa tạm giữ hàng ngàn sản phẩm thương hiệu thời trang Seven.Am để điều tra làm rõ nghi vấn cắt nhãn mác Trung Quốc, gắn mác hàng Việt Nam. Ảnh: QLTT

Hồ sơ sạch vẫn có thể là hàng gian lận xuất xứ

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kể hiện nay có nhiều câu chuyện liên quan đến gian lận xuất xứ, gian lận thương mại rất… éo le. Theo đó, trên hồ sơ thì đáp ứng các tiêu chí về nguồn gốc, xuất xứ nhưng trên thực tế lại không biết có đáp ứng hay không.

Bà Hiền lấy dẫn chứng có công ty nhập khẩu những thanh nhôm hình dài về, sau đó bán trong nước để một công ty khác nấu chảy ra thành nhôm thỏi. Từ nhôm thỏi đó lại tiếp tục kéo ra sản xuất thành nhôm hình. “Câu chuyện đặt ra là liệu có công ty nào dở hơi tới mức độ đi mua một thanh nhôm dài về rồi nấu chảy ra, sau đó lại kéo thành nhôm dài, giống và gần giống với kích thước như vậy không?” - bà Hiền nói.

Bà Hiền nêu thêm một dẫn chứng khác về mặt hàng giày dép. Theo đó, có những hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ thì nguyên liệu đầu vào là vải, sản phẩm đầu ra là giày vải. Nhưng khi kiểm tra, phát hiện nguyên liệu đầu vào là bán thành phẩm giày vải, nghĩa là DN nhập nguyên mũ giày ở trên rồi, chỉ còn ghép vào với… đế ở dưới.

“Trường hợp này cũng không đáp ứng quy tắc về nguồn gốc, xuất xứ, tuy nhiên nếu chúng ta chỉ nhìn hồ sơ thì thấy rõ ràng có sự chuyển đổi cơ bản từ vải làm ra thành giày” - bà Hiền cho biết.

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo VN đang là điểm chuyển tải hàng của các nước. Ông Claudio Dordi, Giám đốc dự án tạo thuận lợi thương mại, phân tích: Việc chuyển tải không phải là một hiện tượng mới đối với thương mại của VN. Từ năm 2000 đến nay đã phát hiện một loạt sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc mượn danh VN xuất khẩu sang EU.

“Lý do khiến các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài chọn VN làm điểm chuyển tải là bởi VN là một đối tác thương mại và đầu tư lý tưởng. VN tham gia một số FTA với tất cả nền kinh tế chính và có tiềm năng trở thành trung tâm đầu tư. Ngoài ra VN cũng có chính sách hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như về giấy phép kinh doanh, ưu đãi thuế... VN là nguồn nhập khẩu lớn thứ năm của Mỹ tại châu Á” - ông Claudio Dordi phân tích.

Từ những thực tế trên, các chuyên gia đưa ra cảnh báo: Nếu VN không có sự kiểm soát hiệu quả thì sẽ tiếp tục bị các nước nhập khẩu khởi xướng các cuộc điều tra với hàng hóa xuất khẩu. Hệ lụy là thị trường xuất khẩu của VN bị thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trực tiếp của các DN, kể cả DN tuân thủ tốt và cả ngành hàng xuất khẩu.

Ngừng nhập gỗ dán “quá cảnh” Việt Nam xuất sang Mỹ

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Thông tư số 22 quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập vào VN để tái xuất sang Mỹ đối với mặt hàng gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12. Trước đó gỗ dán là mặt hàng được Bộ Công Thương ấn định cấp độ bốn - cấp độ nguy hiểm cao nhất về nguy cơ lẩn tránh thuế. 

Nguồn: [Link nguồn]

Cẩn thận ”hớ” với 5 loại nông sản Trung Quốc thường đội lốt hàng Việt

Nhiều thương lái nhập hàng kém chất lượng từ Trung Quốc, phù phép chúng thành hàng nội địa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo AN HIỀN ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN