Djokovic lập kỷ lục 311 tuần số 1: Khởi đầu cho giấc mơ vĩ đại nhất

Thiết lập kỷ lục 311 tuần trên ngôi vị số 1 thế giới là minh chứng chuẩn xác nhất cho một thập kỷ thống trị của Djokovic.

  

Video những pha bóng hay nhất của Djokovic trong trận chung kết Australian Open 2021: 

Kỷ lục 310 tuần Federer thiết lập từ tháng 6/2018 đã bị xô đổ. Kỷ lục mới của Djokovic là 311 tuần, và vào mỗi ngày thứ Hai, bảng xếp hạng tennis thế giới sẽ còn tiếp tục cộng thêm cho tay vợt vĩ đại người Serbia nhiều tuần nữa.

Djokovic đang ở đỉnh cao sự nghiệp

Djokovic đang ở đỉnh cao sự nghiệp

Djokovic hiện có 12.030 điểm, với một khoảng cách an toàn cho tới mùa Hè này, khi người đứng thứ hai và ba lần lươt là Nadal và Medvedev kém anh 2180 và 2195 điểm.

Nếu như Federer mất 14 năm để có 310 tuần, Djokovic chỉ mất chưa đầy 10 năm để chạm tới cột mốc ấy, rồi vượt qua.

Federer lần đầu lên ngôi số 1 vào tháng 2/2004. Djokvic lần đầu lên ngôi vào tháng 7/2011. Khoảng cách thời điểm là 7 năm. Còn khoảng cách về đẳng cấp và tầm mức vĩ đại vẫn chưa có điểm dừng chính thức để có lời phân định sau cuối.

Số 1 thế giới là đỉnh cao, là bền bỉ, là tất cả

Federer, Djokovic, Nadal và cả Murray, hay còn gọi BIG4 của tennis (nhóm Tứ đại này đã giảm còn Tam đại sau khi Murray tụt lại quá xa) đều giành được Grand Slam rồi mới bước lên ngôi số 1 thế giới.

Nó ngược lại với tennis nữ từng có 7 tay vợt lên số 1 thế giới khi trong tay họ không có chiếc cúp Grand Slam nào, rồi sau đó vẫn còn 3 người đến nay tiếp tục được gọi là Nữ hoàng không vương miện (Safina, Jankovic và Pliskova).

Bản thân Djokovic cần tới hơn 3 năm kể từ sau ngày chiến thắng Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp (2/2008) để chinh phục được ngôi vị số 1. Thời gian này của Nadal cũng là 3 năm. Và Murray dĩ nhiên lâu hơn, 4 năm rưỡi. Chỉ có Federer là nhanh hơn, hơn nửa năm.

Kể từ cái ngày BIG4 áp đặt sự thống trị ấy tới nay là 17 năm, có 5 tay vợt “tranh thủ” lần đầu vô địch Grand Slam, nhưng chẳng có ai trong số họ vươn lên ngôi số 1, dù đó là Gaston Gaudio, Cilic, Del Potro, Thiem hay Wawrinka (3 lần).

Khi Federer lên ngôi số 1 thế giới trong ngày anh đánh bại Marat Safin ở chung kết Australian Open 2004, anh nói “đây là giấc mơ trở thành hiện thực”, và “con người ta chỉ có thể 1 lần trong đời được lần đầu là người đứng ngôi cao nhất nên tôi sẽ nhớ mãi”.

Khi Djokovic lên ngôi số 1 thế giới kèm với danh hiệu đầu tiên ở Wimbledon 2011, anh cũng nói “giấc mơ khi còn là tấm bé trở thành hiện thực”.

Gần một tháng trước đó, Djokovic bước hụt trong nỗ lực lên ngôi số 1 và chinh phục Roland Garros (thua Federer ở bán kết 2011), anh thừa nhận, chinh phục vị trí số 1 cần hội tụ rất nhiều phẩm chất, cần phải chiến thắng liên tục khi thành tích của anh trước đó đã là 40 trận thắng liên tiếp trên mọi mặt sân mà vẫn chưa đủ.

Khi Nadal lên ngôi số 1 thế giới, tay vợt người Tây Ban Nha nói rằng đó là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đã chơi nhiều năm liên tiếp ở mức độ không tưởng. Thực tế đúng vậy: Nadal đã phải “ngồi yên” ở vị trí số 2 thế giới trong 160 tuần liên tiếp trước cái ngày “mơ thành sự thật” ấy.

Khi thử thách chỉ là để tôn vinh

Bảng xếp hạng ATP của tennis thế giới ra đời năm 1973 để chấm dứt một giai đoạn kéo dài đầy tranh cãi sau nhiều năm tồn tại đồng thời nhiều cách tính từ nhiều cá nhân được uỷ thác khác nhau. Máy tính từ đó thực hiện công năng cơ bản nhất lúc ban đầu con người sáng tạo ra nó: Thống kê và tính toán. 

Gần 20 năm sau, bảng xếp hạng ấy trở thành chuẩn mực để đánh giá, xếp hạng hạt giống các tay vợt. Nhưng giới hạn số giải đấu tối đa để sàng lọc điểm vào năm 1990 mới chỉ là 14 giải.

10 năm tiếp trôi qua, ATP đưa ra một quyết định mang tính thử thách khắc nghiệt hơn với quyết định nâng số giải tính điểm tối đa lên là 18.

Djokovic lập kỷ lục 311 tuần số 1: Khởi đầu cho giấc mơ vĩ đại nhất - 2

Nó thúc đẩy, thậm chí bắt buộc các tay vợt phải bước ra sân nhiều hơn, thi đấu tận cùng sức lực hơn nếu muốn vươn lên cao trên bảng xếp hạng.

Danh sách 18 giải đấu ưu tiên cho những giải đấu cao nhất, bao gồm bắt buộc 4 Grand Slam, 9 Masters 1000 (hoặc 8 Masters + 1 ATP Finals).

Và không chỉ chọn người chỉ giỏi trong 1 năm. Mà phải liên tục. Cách tính điểm này được gọi là “Hệ thống 52 tuần”, hay hiểu nôm na nhất là phải bảo vệ điểm số đã giành được ở giải năm trước.

Nhưng thử thách này không gây khó khăn cho Djokovic. Trái lại, nó tôn vinh vận động viên thể thao vĩ đại nhất của dân tộc Serbia, tay vợt vĩ đại nhất đến từ một đất nước ở Đông Âu bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh.

Trong 1 thập kỷ lên ngôi và thống trị tennis thế giới, thời gian Djokovic đứng ở vị trí số 1 chiếm tới hơn 62%, dù mỗi năm qua đi có khoảng 7000 tay vợt nam chuyên nghiệp thi đấu cũng với ước mơ lần lượt chinh phục từng bậc thang đỉnh cao. 

Cụ thể hơn, trong quãng thời gian 484 tuần kể từ ngày 4-7-2011 tới nay, có 311 tuần Djokovic là số 1.

Trong 173 tuần tạm rời xa vị trí đỉnh cao ấy, 103 tuần Nole không đi đâu quá xa với vị trí thứ hai (trước sự xuất sắc của Andy Murray và Nadal, cùng sự loé sáng trở lại của Federer).

Chỉ có chấn thương mới đẩy Djokovic có 70 tuần đứng ngoài 2 vị trí hàng đầu. Năm 2017 là lần duy nhất Djokovic bị văng ra khỏi Top 10 (thứ 12).  

Thi đấu 610 trận (9 trận năm 2021) là một con số khác chứng tỏ sự bền bỉ của Djokovic. Tỉ lệ chiến thắng tới 85.74% trong 10 năm qua (523 trận thắng – 87 trận thua) chứng tỏ sức mạnh áp đảo của Nole.

Những con số trên là không quá lời để nói, rằng một thập kỷ vừa qua, Djokovic đã đua tranh là hầu như không thua ai cả với 6 năm kết thúc ở vị trí số 1 Thế giới, kỷ lục kỳ diệu.

Sau số 1 thế giới là kỷ lục Grand Slam?

Đánh bại kỷ lục 310 tuần số 1 của Federer đã trở thành động lực cho Djokovic trong những ngày tháng gần đây. Đặc biệt là kể từ sau ngày 21/9/2020, thời điểm Djokovic chính thức vượt qua cột mốc 286 tuần của huyền thoại Pete Sampras.

Như trên đã nói, Djokovic sẽ tự mình phá kỷ lục của chính mình qua mỗi thứ Hai từ nay cho tới ít nhất là Roland Garros 2021. Anh có 2315 điểm để bảo vệ qua 4 giải Masters 1000 (Miami, Indian Wells, Rome và Madrid Masters).

Djokovic cũng có 1200 điểm để bảo vệ ở Roland Garros (nhờ thành tích vào tới chung kết). Nhưng đó có thể là sự khởi đầu cho một chặng đường mới như chính tay vợt bắt đầu bước sang tuổi 34 đã vạch ra sau lần đăng quang thứ 9 lịch sử ở Australian Open mới đây: “Tôi sẽ chỉ tập trung cho mục tiêu chinh phục các giải Grand Slam”.

Federer cũng đã thực hiện cách tiếp cận này kể từ sau khi xô đổ kỷ lục của Pete Sampras vào ngày 17/7/2012 khi anh mới 31 tuổi.

Nadal với tổng cộng 209 tuần đứng ở ngôi số 1 đã hướng tới những giải đấu lớn, hay nói đúng hơn là những giải đấu phù hợp với lối đánh và thể trạng (tiền sử chấn thương gối) kể từ 2019 khi 33 tuổi.

Con đường này giúp cho khả năng thi đấu đỉnh cao của Djokovic vốn dĩ ít chấn thương, khôn ngoan và lão luyện, có thể được kéo dài hơn nữa.

Đây là sự đảm bảo đầu tiên cho Nole trong cuộc chinh phục cột mốc 20 (và có thể nhiều hơn) Grand Slam của Federer và Nadal.   

Vĩ đại nhất mọi thời đại, và cũng là giấc mơ lớn nhất đang ngày một độc chiếm trong con người Djokovic như chính anh nói: Số tuần trên ngôi vương nhiều nhất rồi giờ chỉ còn danh hiệu Grand Slam nữa thôi.

  Tay vợt  Số tuần Ngày đầu lên ngôi
Novak Djokovic 311 4/7/2011
Roger Federer 310 2/2/2004
Pete Sampras 286 12/4/1993
Ivan Lendl 270 28/2/1983
Jimmy Connors 268 29/7/1974
Rafael Nadal 209 18/8/2008

Nguồn: [Link nguồn]

Djokovic như “Ronaldo của tennis”, giúp Federer trở thành tay vợt hoàn hảo

(Tin thể thao, tin tennis) Djokovic được ví như "Ronaldo của tennis", tay vợt này tạo ảnh hưởng lớn tới Federer trên hành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Novak Djokovic Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN