Bóng chuyền Việt Nam trước bước ngoặt lịch sử: Đừng đi vào vết xe đổ của V.League

Bóng chuyền Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử và người hâm mộ bộ môn này hy vọng các giải đấu sẽ không đi vào vết xe đổ của V.League.

10 năm sau ngày bầu Kiên cướp diễn đàn tại Hội nghị tổng kết mùa giải V.League, đến lượt một ông bầu khác làm dậy sóng nền thể thao chuyên nghiệp Việt Nam. Lần này là ông Đào Hữu Huyền tại Đại hội đại biểu của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV), với rất nhiều tâm tư giống bầu Kiên trước đây, cho dù hai môn thể thao hoàn toàn khác biệt. Bây giờ, bóng chuyền Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử và người hâm mộ bộ môn này hy vọng các giải đấu sẽ không đi vào vết xe đổ của V.League.

Tâm tư của ông Đào Hữu Huyền

Tại Đại hội đại biểu Toàn quốc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ VII (2021-2025) diễn ra ngày 12-12, ông Đào Hữu Huyền đại diện cho CLB Hóa chất Đức Giang là người đầu tiên đứng lên phát biểu. Ông đã khiến khán phòng dậy sóng đúng nghĩa với 15 phút đi sâu vào các vấn đề kinh niên của bóng chuyền nước nhà.

Chủ tịch CLB hóa chất Đức Giang Đào Hữu Huyền.

Chủ tịch CLB hóa chất Đức Giang Đào Hữu Huyền.

Trước hết là câu chuyện nổi cộm của bóng chuyền Việt Nam trong năm 2021: chuyển nhượng cầu thủ và HLV giữa các đội bóng. Ngay cả những người không thực sự yêu thích bóng chuyền cũng biết đến thương vụ kỳ lạ của “hoa khôi” HLV Phạm Thị Kim Huệ và Bamboo Airways Vĩnh Phúc hồi đầu năm nay. Khi đó, Kim Huệ cùng 3 học trò Ninh Anh, Phương Anh, Thu Hoài vẫn còn hợp đồng với Ngân hàng Công thương (NHCT) nhưng nhận lời chuyển đến Vĩnh Phúc với số tiền lót tay hấp dẫn. Tuy nhiên, NHCT không cho phép các thành viên này ra đi và gửi đơn kiện lên VFV, dẫn đến án phạt xôn xao dư luận với Kim Huệ.

Sau đó, trước sức ép của dư luận, VFV đồng ý giơ cao đánh khẽ, bỏ qua các hành động kỷ luật Kim Huệ cùng các học trò. Thực tế, VFV không có đầy đủ cơ sở pháp lý để đưa ra án kỷ luật, bởi lẽ bản quy chế chuyển nhượng bóng chuyền quá sơ sài và không được cập nhật suốt 10 năm qua.

Cho dù không nhắc cụ thể đến vụ việc nói trên, nhưng ông Đào Hữu Huyền cũng ngầm ủng hộ Vĩnh Phúc trong phương thức chuyển nhượng. Trước khi Vĩnh Phúc nổi lên với sự đầu tư từ Bamboo Airways và Tập đoàn FLC, Hóa chất Đức Giang Hà Nội của ông Huyền đã là hiện tượng của bóng chuyền Việt Nam nhờ việc bạo chi chiêu mộ ngôi sao.

Theo ông Huyền, đã đến lúc bóng chuyền xây dựng lại cơ chế chuyển nhượng, tạo điều kiện cho các CLB muốn đầu tư vào đội bóng có chỗ… tiêu tiền vừa hợp lý, vừa hợp tình. “Vì sao bóng chuyền Việt Nam ngày càng kém hấp dẫn? Vì quay đi Ngọc Hoa, Kim Huệ, quanh lại Thanh Thúy, Bích Tuyền, không có nhiều vận động viên để lựa chọn. Hóa chất Đức Giang chúng tôi phải đi khắp nơi chiêu mộ nhân tài thì bị người ta ghẻ lạnh, chê bai là trọc phú đi giành vận động viên. Vấn đề ở chỗ, chúng tôi luôn làm đúng điều lệ của Liên đoàn chứ không làm sai. Chuyển nhượng thông suốt sẽ giúp giá trị các vận động viên Việt Nam tăng lên 2 tỷ, 3 tỷ, thậm chí là 4 tỷ. Đó mới là giá trị đúng của các vận động viên, họ là những tài năng hàng đầu của bóng chuyền nước nhà và xứng đáng hưởng thu nhập cao”, ông Huyền nói.

Cũng liên quan đến chuyển nhượng vận động viên, ông Huyền cho rằng đã đến lúc bóng chuyền Việt Nam mở cửa trở lại với các ngoại binh. Cách đây hơn 10 năm, làn sóng ngoại binh đã giúp giải Vô địch quốc gia Việt Nam gây tiếng vang lớn, không chỉ với người hâm mộ trong nước mà với các cộng đồng đam mê bóng chuyền ở nước ngoài. Đỉnh cao của ngoại binh là mùa giải năm 2011, với tổng cộng 22 ngôi sao đến từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Thái Lan. Năm 2012 cũng có 20 ngoại binh thi đấu trên khắp cả nước. Đáng tiếc, đó cũng là năm cuối cùng các CLB bóng chuyền được sử dụng vận động viên quốc tế.

Bóng chuyền Việt Nam cần hướng đi mới.

Bóng chuyền Việt Nam cần hướng đi mới.

Ở thời điểm đó, VFV đưa ra lệnh cấm vì cho rằng các đội bóng trông chờ quá nhiều vào ngoại binh mà không đầu tư phát triển, trao cơ hội cho các vận động viên trẻ. Chưa kể, làn sóng ngoại binh kéo theo các vấn nạn như đi đêm, thổi giá trong chuyển nhượng. Lệnh cấm này đã bị giới chuyên môn phản đối ngay từ khi xuất hiện, bởi lẽ nó đi ngược với kế hoạch lên chuyên của bóng chuyền. Thế nhưng, nó vẫn tồn tại 10 năm qua và kéo lùi giải vô địch quốc gia. Không dùng ngoại binh, nhiều đội bóng vẫn rơi vào cảnh “tre già nhưng măng chưa kịp mọc”, dẫn đến sức mạnh toàn đội giảm sút.

Trước kỳ Đại hội vừa qua, nhiều ý kiến đã kêu gọi VFV đưa ngoại binh trở lại. Vì vậy, người hâm mộ có thể kỳ vọng tiếng nói góp thêm của ông Huyền đủ trọng lượng để biến điều này trở thành hiện thực ngay trong mùa giải 2022.

Cuối cùng, ông Huyền không quên nhắc đến vấn đề muôn thủa của thể thao chuyên nghiệp Việt Nam: tài chính. Cũng khó trách VFV và các CLB, bởi lẽ ngay cả ở môn “thể thao vua” bóng đá, câu chuyện tiền bạc cũng luôn khiến các nhà quản lý đau đầu. Tuy nhiên, mức tiền thưởng của các giải quốc gia hiện tại thực sự quá thấp và đương nhiên kém hấp dẫn.

“Cần phải tăng mức thưởng các giải đấu VĐQG và giải trẻ lên gấp đôi, gấp ba. Không ai đánh giải cả năm trời chỉ để nhận thưởng 150 triệu cho toàn đội. Tôi đề nghị thưởng đội vô địch ít nhất 500 triệu, nhì 300 triệu, ba 200 triệu. Nếu thiếu, tôi cam kết tài trợ 1 tỷ cho giải VĐQG năm nay”, ông Huyền khẳng định.

Đừng đi vào vết xe đổ của V.League

Rất có thể bóng chuyền Việt Nam sẽ bước vào cuộc cải tổ lớn sau bài tham luận của ông bầu Hóa chất Đức Giang.

Tân Chủ tịch VFV Hoàng Ngọc Huấn đưa ra 4 giải pháp để phát triển bóng chuyền Việt Nam.

Tân Chủ tịch VFV Hoàng Ngọc Huấn đưa ra 4 giải pháp để phát triển bóng chuyền Việt Nam.

Đáng chú ý, ông Huyền đã tự ứng cử vào Ban Chấp hành VFV và được chấp thuận. Bên cạnh đó, ông cũng nhắc đến việc thành lập Công ty cổ phần Bóng chuyền Việt Nam (VPV) như VPF của bóng đá để điều hành giải đấu một cách chuyên nghiệp. Nếu điều này xảy ra, VPV sẽ ra đời. Tuy nhiên, VPV liệu có trở thành cánh tay nối dài của VFV hay không, hay lại đẩy bóng chuyền Việt Nam đi vào vết xe đổ của V.League? Không ai có thể dám chắc vào thời điểm này, nhưng các tranh cãi mà VPF tạo ra trong suốt 10 năm qua sẽ là bài học lớn cho VPV tránh mắc phải sai lầm tương tự.

Về lý thuyết, người hâm mộ bóng chuyền có thể kỳ vọng vào VPV nếu đơn vị này ra đời. Đầu tiên, số lượng CLB bóng chuyền chuyên nghiệp ít hơn bóng đá. Giải vô địch quốc gia hứa hẹn sẽ rút gọn xuống 6 đến 8 đội trong những năm tới để gia tăng chất lượng và sức cạnh tranh. Ngoài ra, bóng chuyền cũng chưa có cảnh một ông bầu liên quan đến nhiều đội bóng. Điều này sẽ giúp VPV quản lý thuận lợi hơn.

Thứ hai, số lượng vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp cũng ít hơn bóng đá nhiều lần. Cơ chế chuyển nhượng, đăng ký vận động viên vì thế dễ dàng sửa đổi, cập nhật nếu cần. Thời gian từ đây cho đến khi mùa giải 2022 khởi tranh đủ để VFV và VPV làm mới quy chế, tránh lặp lại các vụ việc như với Kim Huệ và các học trò. Hơn nữa, đây là thời cơ vàng để bóng chuyền làm mẫu cho các môn thể thao khác tại Việt Nam, bao gồm cả bóng đá. Có thể, bóng chuyền chứ không phải bóng đá sẽ môn thể thao đầu tiên được vận hành theo nguyên tắc thương mại quốc tế, bằng việc bãi bỏ luật đền bù đào tạo trẻ để thay vào đó bằng phí giải phóng hợp đồng, tạo ra các giao dịch dân sự giữa các CLB - tiền lệ chưa từng có trong lịch sử thể thao Việt Nam.

Chỉ có như vậy, dòng tiền giữa các CLB mới luân chuyển, tạo ra sức bật cho đào tạo, phát triển vận động viên. Các CLB mạnh vì gạo, bạo vì tiền có thể chiêu mộ các vận động viên như ý, trong khi các CLB khác có nguồn thu để tái đầu tư, tìm kiếm các tài năng trẻ mới.

Sau cùng, VPV có thể làm tốt hơn VFV trong việc kêu gọi tài trợ. Trong những năm gần đây, các nhà tài trợ chính cho các giải đấu trong nước cũng là các nhà tài trợ cho các CLB. Để phát triển bền vững đồng thời tránh tiêu cực không đáng có, bóng chuyền cần được “xã hội hóa” mạnh mẽ hơn và thu hút đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau.

4 giải pháp giúp phát triển nền bóng chuyền

Ở kỳ Đại hội đại biểu Toàn quốc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ VII (2021-2025), ông Hoàng Ngọc Huấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam đã được bầu làm tân Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.

Ngay trong lễ nhận chức, ông Huấn đã đưa ra 4 giải pháp giúp phát triển bóng chuyền nước nhà. Tất cả đều hứa hẹn sẽ tạo ra sự thay đổi lớn cho bộ môn thể thao được yêu thích này.

Cụ thể, ông Huấn cho biết: “Để bóng chuyền Việt Nam phát triển đúng hướng, cần xây dựng được khung pháp lý, hoạt động minh bạch, giúp bóng chuyền Việt Nam hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. Tiếp đến, VFV sẽ xem xét, cân nhắc, cải tiến và thay đổi thể chế các giải đấu trong nước, hướng tới các giải đấu chuyên nghiệp nhất. Đặc biệt mở rộng và phát triển bộ môn bóng chuyền bãi biển, qua đó thúc đẩy cùng du lịch bãi biển. Thứ ba, cần xây dựng thương hiệu bóng chuyền thành một thương hiệu uy tín thông qua việc phát triển truyền thông. Trong thời gian tới, VFV sẽ đẩy nhanh kế hoạch xây dựng thương hiệu của các CLB, các vận động viên để bóng chuyền từng bước đến gần hơn với người hâm mộ. Cuối cùng, VFV tiếp tục đẩy mạnh phong trào chơi bóng chuyền vào đời sống, từ cấp học sinh, sinh viên cho đến các cơ quan, đoàn thể. Bóng chuyền phong trào sẽ là cái nôi quan trọng cho các tài năng trẻ lộ diện và phát triển bước đầu”.

Nguồn: [Link nguồn]

Dàn “chân dài” cao nhất giải bóng chuyền VĐQG vượt qua Kim Huệ và học trò

(Tin thể thao, tin bóng chuyền) Phải đối đầu với đối thủ hiểu rõ về đội bóng, Ngân Hàng Công Thương nhận thêm thất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đơn Ca ([Tên nguồn])
Bóng chuyền Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN