Vàng chênh lệch hơn 8 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Từng được coi là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng trước biến động của giá thời gian gần đây, đầu tư vàng đang bị coi là đầy rủi ro với những người mới tham gia ở thời điểm này.

Thời điểm 8h30 ngày 10/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.713 USD/ounce, tương đương mỗi lượng vàng quy đổi sẽ có giá khoảng 48 triệu đồng (theo tỷ giá tự do).

Lý giải về việc giá vàng thế giới liên tục giảm sâu, chuyên gia kinh tế tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết giá vàng thế giới liên tục giảm trong những ngày qua là do thời điểm này tình hình thế giới ổn định hơn năm 2020.

Chênh lệch giá vàng cao đã ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư và tích trữ của người dân

Chênh lệch giá vàng cao đã ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư và tích trữ của người dân

Trong đó, nhiều nước đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân, một số nước cũng đã đưa ra các gói cứu trợ lớn để hồi phục nền kinh tế. Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dù chưa được giải quyết nhưng cũng không còn căng thẳng… ở thời điểm này tâm lý nhà đầu tư an tâm hơn, không tìm nơi trú ẩn an toàn là vàng như những năm trước khiến giá vàng đi xuống.

Dù giá vàng thế giới giảm sâu thời gian gần đây nhưng tại thị trường trong nước, các đơn vị kinh doanh vàng tiếp tục neo giá ở mức cao. Điều này đã tạo nên sự chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.

Trong sáng 10/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 54,95-55,37 triệu đồng/lượng.

Vàng Doji niêm yết giá ở mức 54,9-55,3 triệu đồng/lượng.

Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 54,9-55,3 triệu đồng/lượng.

Đây không phải lần đầu tiên giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới 8 triệu đồng/lượng. Thực tế, câu chuyện này đã diễn ra trong suốt hơn 1 tháng trở lại đây khi giá vàng trong nước luôn duy trì đắt hơn thế giới từ 5-8 triệu đồng/lượng.

Trước sự chênh lệch giá lớn này, các chuyên gia khuyến cáo đây không phải thời điểm thích hợp để người dân chọn vàng là kênh đầu tư để cất giữ với số lượng lớn. Nguyên nhân do người dân đang phải trả giá quá đắt để sở hữu cùng khối lượng vàng như giá thế giới.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định vàng trong nước giữ ở mức cao là do số kênh đầu tư của người dân bị hạn chế do lãi suất ngân hàng giảm, chứng khoán nhiều biến động khó lường nên nhiều người e ngại trong khi nhiều người vẫn có ý định mua vàng để tích lũy.

Hiểu tâm lý đó nên các doanh nghiệp giữ vàng ở mức giá cao và đẩy rủi ro sang người mua. Không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao, do đó người cuối bị thiệt hại vẫn là khách hàng.

“Với người dân phải ý thức được thời điểm này nếu mua vào sẽ rất rủi ro cho chính mình, nếu có nhu cầu mua vàng thì chỉ mua những món nhỏ chứ không nên đầu tư và cũng không nên bỏ hết trứng vào một giỏ, đầu tư vào các kênh khác nhau”, ông Hiếu phân tích.

Không chỉ đưa ra những lời khuyên bổ ích cho những nhà đầu tư, vị chuyên gia tài chính ngân hàng này cũng nhắn nhủ thêm, khách hàng nếu có đầu tư thì cũng không nên lấy thu nhập thường xuyên của mình để “chơi” vàng mà phải lấy tiền tiết kiệm, nếu như có rủi ro thì sẽ không bị ảnh hưởng đến nguồn chi tiêu hàng tháng của gia đình.

Trong khi đó, đại diện một hệ thống vàng lớn tại Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên những nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

Phải có 4 cây vàng mới được mua cổ phiếu?

Các nhà đầu tư đang dở khóc dở cười vì tới đây có thể bị gạt ra khỏi thị trường chứng khoán vì với vốn đầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN