Lo ngại "vỡ bóng" từ chứng khoán, bất động sản

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều ĐBQH tỏ ra lo ngại khi các ngành sản xuất kinh doanh trì trệ, nhưng thị trường bất động sản lại “sốt nóng” và số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trên sàn chứng khoán liên tục tăng cao,…

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỏ ra lo ngại bởi một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai.

ĐBQH lo lắng khi thu ngân sách tăng trưởng đột biến, chủ yếu là hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai

ĐBQH lo lắng khi thu ngân sách tăng trưởng đột biến, chủ yếu là hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đặt vấn đề, về cơ cấu thu ngân sách nhà nước, dù đã có điều chỉnh giảm dự toán so với dự toán năm 2020, nhưng ngân sách Trung ương tiếp tục hụt thu 29.346 tỷ; trong khi tổng thu ngân sách vẫn có tăng trưởng. Bà Thơ đặt câu hỏi ngân sách tăng trưởng ở đâu?

“Thực tế cho thấy một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai. Có hay không nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp. Vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Theo ĐB Thơ, việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao. Do đó, bà đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này.

Tương tự, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bổ lại chuỗi cung ứng.

Các ĐBQH cho rằng cần có cơ chế kiểm soát, không để tiền vay ngân hàng "chạy vòng quanh"

Các ĐBQH cho rằng cần có cơ chế kiểm soát, không để tiền vay ngân hàng "chạy vòng quanh"

Kèm theo đó, theo ĐB Hoàng Văn Cường, cần phải có cơ chế kiểm soát để tất cả doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh phải được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ.

“Không để tiền vay ngân hàng "chạy vòng quanh", trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất. Hoặc không để tiền vốn giá rẻ sẽ đổ vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán”- ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Gần đây, thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện các phiên đạt thanh khoản tỷ USD, cơn sốt mua bán cổ phiếu trong thời dịch ngày càng lan rộng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký cho thấy, chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2021 số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt hơn 1,085 triệu tài khoản, gấp 2,8 lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại.

Trong khi đó, thị trường bất động sản Hà Nội cũng liên tục chứng kiến những cơn sốt đất tại nhiều địa phương từ Bắc vào Nam.

Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng lo ngại, cảnh báo rằng, trong khi các ngành sản xuất kinh doanh trì trệ, thì việc thị trường bất động sản “sốt nóng” là tín hiệu không tốt. Cái gốc của nền kinh tế vẫn là sản xuất kinh doanh, chứ không phải bất động sản. Dòng tiền đổ vào lĩnh vực này quá lớn sẽ làm giảm nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh. Dù bất động sản có vai trò nhất định trong nền kinh tế, giúp cho tăng trưởng trong thời gian ngắn nhưng đây không phải là ngành cơ bản mà nền kinh tế có thể dựa vào để phát triển lâu dài.

Nguồn: [Link nguồn]

Sống ở Hà Nội cần bao nhiêu tiền?

“Để sống ổn ở thành phố thì cần rất rất nhiều tiền. Vậy, theo bạn, để có cuộc sống đảm bảo và sống ổn ở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN