Vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ ở TP.HCM: Người mất tiền nên làm gì?

Sự kiện: Kinh doanh đa cấp

Thông tin vụ lừa đảo của Công ty Cổ phần Modern Tech tại TP.HCM làm 32.000 người "sập bẫy", tổng thiệt hại ước tính 15.000 tỷ đồng (theo phản ánh của một số nạn nhân) đặt ra nhiều vấn đề cần làm rõ về đầu tư tiền ảo và quản lý đầu tư.

Xung quanh vụ lừa đảo này là các câu hỏi về quyền lợi của người tham gia, trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước, xu hướng đầu tư tiền ảo tại Việt Nam...

Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ quan điểm về vụ việc này trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam.

Vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ ở TP.HCM: Người mất tiền nên làm gì? - 1

Người dân căng băng rôn tại trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tại TP.HCM phản ánh vụ việc.

Hiện nay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc sản xuất, lưu thông các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam, hoàn toàn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo. Chính vì vậy, việc huy động vốn bằng tiền ảo cũng là hành vi bị cấm theo quy định.

Trong vụ việc xảy ra tại TP.HCM, ở góc độ dân sự, những người tham gia góp vốn có thể đòi lại tiền của mình thông qua việc khởi kiện tại Toà án yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 123 - Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, sẽ khó xử lý khi mà hợp đồng hai bên ký kết lại “lách luật”, không đưa việc đầu tư “tiền ảo” vào hợp đồng mà thay đổi bằng một đối tượng khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp này, có thể kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền thưởng theo hợp đồng hai bên đã ký kết.

Mặc dù vậy, trên thực tế, với hàng chục nghìn nạn nhân như trong vụ án này thì việc những người tham gia góp vốn có thể đòi lại tiền đã góp của mình sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, qua việc cung cấp thông tin cho báo chí và xin tư vấn của các luật sư, nếu vụ án có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì người tham gia góp vốn có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để điều tra, xác minh”.

Vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ ở TP.HCM: Người mất tiền nên làm gì? - 2

Luật sư Trương Anh Tú trao đổi với PV Báo điện tử Infonet.

Theo luật sư Trương Anh Tú, qua các vụ lừa đảo trong hoạt động kinh doanh đa cấp đã bị phát hiện ở Việt Nam, chúng ta đều hiểu rằng các vụ án về kinh doanh đa cấp ở Việt Nam đều có đặc điểm chung là nạn nhân thông thường cũng chính là người có hành vi đồng phạm, họ bị lôi kéo vào đường dây đa cấp và chính họ lại lôi kéo người khác vào đường dây này.

Vụ huy động vốn bằng tiền ảo này cũng thế, đối chiếu quy định của pháp luật thì hành vi của họ có dấu hiệu của tội phạm tuy nhiên, rất khó để xử lý những trường hợp này bởi số lượng thành phần này rất đông; thứ hai, bản thân họ cũng là nạn nhân, bị thiệt hại.

Đối với các vụ án liên quan đến việc huy động vốn trái phép, Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các tình tiết vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu phạm tội. Tuỳ từng trường hợp Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với các đối tượng trong công ty về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Tội sử dụng mạng máy tính, mạng thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Khung xử phạt sẽ tuỳ thuộc vào tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

Trên thực tế, một doanh nghiệp, tổ chức hoạt động chịu sự điều chỉnh, quản lý của rất nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ UBND đến các cơ quan chuyên môn, cơ quan thanh tra… Chính vì vậy, nếu xét trách nhiệm cơ quan quản lý thì đó là tổng thể trách nhiệm của rất nhiều cơ quan.

"Tôi cho rằng, chúng ta có thể xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh chung cho các hoạt động như game online hay các hoạt động công nghệ thông tin, nhưng không thể thừa nhận pháp lý đối với tiền ảo. Chỉ có duy nhất “đồng Việt Nam” được thừa nhận và lưu thông với chức năng là công cụ thanh toán tại Việt Nam, kể cả trên đời sống thực tế và hay trên hoạt động công nghệ thông tin.

Các loại “tiền ảo” như bitcoin, mang danh “tiền ảo” nhưng thực tế đều phải dùng tiền thật để chuyển đổi, mua bán... như vậy rất dễ xảy ra các vụ việc lừa đảo, qua mắt người tiêu dùng", luật sư Trương Anh Tú nêu quan điểm.

Các nhà đầu tư nên cân nhắc khi lựa chọn đầu tư lĩnh vực tiền ảo, đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi mang tính chất “ảo”. Ngoài ra, khung pháp lý đối với hình thức tiền này chưa có và rất khó có cơ sở để Nhà nước công nhận pháp lý đối với hình thức tiền này. Chính vì lẽ đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc huy động vốn bằng tiền ảo này để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sông Mã (Infonet)
Kinh doanh đa cấp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN