VN-Index đạt đỉnh, nhà đầu tư vẫn lỗ

Với những nhà đầu tư nhạy bén và mạo hiểm, thời điểm này có thể tận dụng "cơn sóng" để mua theo và hưởng lợi.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23-11, VN-Index tăng 1,04 điểm, lên 933,7 điểm; HNX-Index tăng 0,89 điểm, lên 110,18 điểm. Trong phiên có lúc VN-Index tăng mạnh lên gần đến 940 điểm, mức cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây.

VN-Index đạt đỉnh, nhà đầu tư vẫn lỗ - 1

Thị trường tăng điểm mạnh nhưng rất nhiều nhà đầu tư không được hưởng lợi Ảnh: Hoàng Triều

Thống kê cho thấy mặc dù VN-Index đã tăng mạnh từ đầu năm với tỉ lệ hơn 40%, đặc biệt trong 3 tháng trở lại đây, chỉ số này đã tăng hơn 21%, mức tăng hiếm có của bất cứ thị trường chứng khoán nào trên thế giới. Cụ thể, vào ngày 22-8, VN-Index đạt mức 769 điểm, nay đã đạt gần 934 điểm, tăng gần 165 điểm. Khối lượng giao dịch của thị trường những phiên gần đây cũng tăng đột biến lên 5.000 - 7.000 tỉ đồng/phiên, thậm chí có phiên đạt hơn 20.000 tỉ đồng - kỷ lục chưa từng có của thị trường kể từ khi thành lập.

Tuy nhiên, điều mà những ai theo dõi thị trường đều có thể dễ dàng nhận ra là "sóng" tăng của các chỉ số không đến từ tất cả cổ phiếu mà được "điều khiển" bởi một nhóm nhỏ những cổ phiếu vốn hóa lớn (blue-chips) như ROS, VNM, SAB, VIC, GAS… và gần đây là VRE. Điển hình như cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros đã tăng gấp đôi trong vòng 3 tháng qua, từ 95.000 đồng lên 185.000 đồng/cổ phiếu, có thời điểm mã này đã vượt mốc 200.000 đồng trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư. Gần đây, cổ phiếu VNM (Vinamilk) đã tăng vọt theo hiệu ứng thoái vốn nhà nước, từ mức 148.000 đồng lên 184.000 đồng/cổ phiếu; mã SAB của Sabeco cũng tăng từ 246.000 đồng lên 308.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, rất nhiều mã chứng khoán thuộc dòng giá thấp và trung bình lại thụt lùi một cách khó hiểu dù không ít doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh khá tốt so với những năm về trước. Điển hình như mã HQC của Công ty Địa ốc Hoàng Quân đã đi từ mức 3.200 đồng/cổ phiếu xuống còn chỉ 2.600 đồng/cổ phiếu sau 3 tháng, bất chấp đà tăng mạnh của chỉ số; hay mã SBT của Công ty CP Mía đường Thành Thành Công giảm từ mức 29.000 đồng xuống còn 20.300 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu SCR của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín cũng từ 10.600 đồng xuống còn chỉ hơn 9.000 đồng/cổ phiếu…

Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cho rằng tỉ lệ nhà đầu tư tham gia trên thị trường trong 3 tháng vừa qua chủ yếu lỗ nhiều hơn tỉ lệ nhà đầu tư thắng. Vì thị trường đa phần bị "thống trị" bởi các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các mã nằm trong rổ chỉ số VN30. Điều này có thể lý giải một phần là do các nhà đầu tư đang quan tâm đến các cổ phiếu lớn mà nhà nước đang tích cực thoái vốn như Vinamilk, Sabeco, FPT…

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, cho rằng từ đầu năm tiền vào thị trường chủ yếu là dòng tiền dài hạn của các nhà đầu tư lớn nên họ thường tập trung vào các cổ phiếu lớn, có hoạt động kinh doanh tốt, nhiều triển vọng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN