Vay tiền qua mạng dễ bị "chém đẹp"

Sự kiện: Kinh Doanh

Thông qua công nghệ thông tin, các cá nhân và tổ chức thu thập nhu cầu vay vốn của nhiều người để phối hợp với đối tượng khác hoặc trực tiếp cho vay với lãi suất cao.

Tại TP HCM đã xuất hiện một số trang mạng cho vay trực tuyến. Chủ trang có thể là người cho vay hoặc chỉ đóng vai trò tìm kiếm khách hàng rồi chuyển giao cho đối tượng khác tiếp cận người vay.

Phí kết nối... trên trời

Để tìm hiểu cho vay qua mạng, ngày 6-9, chúng tôi truy cập wesite vaymuon.vn. Qua lời giới thiệu của vaymuon.vn, chúng tôi nhận thấy đây không phải là ngân hàng (NH) hay công ty tài chính, website này chỉ sử dụng công nghệ để kết nối người vay và người cho vay.

Theo đó, bên vay cài đặt ứng dụng "Vay mượn" trên điện thoại của mình, bên cho vay cài đặt ứng dụng "Nhà đầu tư". Chủ website vaymuon.vn xét duyệt, gửi thông tin người vay đến người cho vay để người này quyết định giải ngân khoản tiền từ 1 - 10 triệu đồng, thời hạn 7 - 45 ngày. Bên vay phải trả cho bên cho vay lãi suất 1%/tháng và phí kết nối ứng dụng "Vay mượn" cho một khoản vay là 25.000 đồng/10 triệu đồng/ngày, tính ra 750.000 đồng/tháng. Bên cho vay sẽ mở 1 tài khoản trung gian là ví điện tử V. rồi ủy quyền cho vaymuon.vn thu hộ tiền từ ví để chuyển sang tài khoản ngân hàng của người vay.

Vay tiền qua mạng dễ bị "chém đẹp" - 1

Trên mạng đã xuất hiện nhiều trang cho vay với lãi suất ngất ngưởng

Khi chúng tôi thắc mắc về việc người vay có thể trả nợ không đúng hạn hay "xù" nợ, đại diện vaymuon.vn cho biết chủ website này có trách nhiệm trả trước số tiền quá hạn cho bên cho vay. Sau đó, vaymuon.vn sẽ công bố thông tin trên các trang xã hội, liên lạc với bạn bè, người thân của người vay để yêu cầu thanh toán. Nếu người vay vẫn chây ì không trả nợ, vaymuon.vn và người cho vay sẽ bán nợ cho tổ chức thứ 3 hoặc kiện ra tòa. "Do đó, người cho vay có thể yên tâm bởi đơn vị chủ quản của vaymuon.vn là Công ty CP Vay mượn có trụ sở tại Hà Nội luôn thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký với người cho vay" - đại diện vaymuon.vn nói.

Theo luật sư - tiến sĩ Bùi Quang Tín (thành viên Đoàn Luật sư TP HCM), Công ty CP Vay mượn kết nối người vay và người cho vay là hình thức cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, hoạt động cấp tín dụng tiêu dùng hoặc cho vay tiền ngoài hệ thống NH của các doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ quy định của pháp luật. Thế nhưng, hiện nay, NH Nhà nước và các cơ quan liên quan chưa có quy định về cho vay ngang hàng.

Ông Tín cho rằng Công ty CP Vay mượn chưa thể hiện lĩnh vực kinh doanh cụ thể. Đồng thời, công ty này đang hoạt động tại 2 địa chỉ với 2 mã số thuế là một yếu tố cần phải xem xét kỹ. Riêng quy trình, thời gian thẩm định cho vay quá ngắn, cách thức thu hồi nợ… mà vaymuon.vn đặt ra có thể tạo ra nhiều cách ứng xử xấu, dẫn đến rủi ro cho các bên liên quan.

Lãi suất lên tới 39%/năm

Website vaytructuyen.net cũng chào mời vay tiền không cần tài sản thế chấp với hình thức cho vay theo lương, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hạn mức thẻ tín dụng. Chủ trang mạng này "chém" lãi suất từ 1% - 1,89%/tháng/dư nợ cố định trong suốt thời gian vay. Nếu người vay trả vốn và lãi theo dư nợ giảm dần thì lãi suất thấp nhất đối với số tiền vay từ 12 triệu đồng trở lên là 27,5%/năm, đặc biệt người vay 3 - 5 triệu đồng sẽ chi trả lãi suất lên tới 39%/năm.

Tiếp xúc chủ website vaytructuyen.net, chúng tôi than thở lãi suất quá cao, không đủ sức gồng gánh khi cần vay gấp 200 triệu đồng. Người này liền lý giải rằng lãi suất áp dụng linh hoạt đối với từng khách hàng. Về nguyên tắc, thu nhập càng cao thì rủi ro càng thấp, từ đó lãi suất cho vay sẽ ở mức thấp và ngược lại.

"Khách hàng làm việc tại các DN lớn, có thu nhập trên 18 triệu đồng/tháng, chuyển khoản qua NH, chúng tôi cho vay với lãi suất 12%/năm. Người vay chỉ cần đăng ký trên mạng rồi điền thông tin theo hướng dẫn, chúng tôi sẽ cử người liên hệ hoàn tất hồ sơ rồi tiến hành giải ngân" - chủ website này hứa hẹn.

Cho vay hay mua bán thông tin?

Thế nhưng, ở góc độ người cho vay, khi chúng tôi đề nghị góp vốn 500 triệu đồng thì chủ website vaytructuyen.net từ chối và cho biết mình chỉ làm môi giới. Theo vaytructuyen.net, mọi thông tin của người cần vay tiền được chủ trang web chuyển giao cho các công ty tài chính, NH, đơn vị chuyên làm dịch vụ tài chính… để các tổ chức, cá nhân này tiếp cận người cần vay.

Ông Nguyễn Văn Việt, một DN chuyên làm dịch vụ tài chính, thừa nhận đã nhiều lần mua thông tin từ các chủ trang web cho vay trực tuyến để mở rộng khách hàng. Theo ông Việt, chủ các trang cho vay trực tuyến có thể chỉ làm môi giới nhưng cũng có thể là người thân của các cán bộ NH hoặc là người trực tiếp cho vay. Thị trường có rất nhiều người cần vay tiền để tất toán nợ NH rồi tiếp tục vay lại (đảo nợ). Còn đối tượng cho vay nặng lãi thì thiếu phương tiện khai thác khách hàng nên cần mua thông tin từ các trang web cho vay qua mạng để nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động.

Trong khi đó, ông Lê Chánh Hiệp, một hộ kinh doanh ở TP HCM, cho biết sau khi đăng tải thông tin trên một kênh cho vay trực tuyến, ông được một người làm dịch vụ tài chính tiếp cận, đồng ý cho vay 300 triệu đồng trong 3 ngày để trả nợ NH. "Sau đó, một NH lại tiếp tục cho vay để người này thu hồi 300 triệu đồng đã tạm ứng cho tôi trước đó. Tuy nhiên, mức phí mà tôi phải trả là 1,2%, tính ra là 3,6 triệu đồng/3 ngày" - ông Hiệp lo ngại.

Một số người trong cuộc cho hay lâu nay, đối tượng làm dịch vụ tài chính, cho vay nặng lãi… thường tiếp nhận thông tin người cần đảo nợ NH từ các nhân viên tín dụng. Tuy nhiên, số lượng khách hàng mà đối tượng này tìm kiếm được rất ít. Vì thế, để có thêm khách hàng, người làm dịch vụ tài chính phải mua thông tin từ các trang cho vay trực tuyến. Thậm chí, có chủ trang vừa cho vay vừa làm dịch vụ đảo nợ lẫn bán thông tin người cần vay tiền cho người khác.

Cẩn trọng với nợ xấu

Một lãnh đạo NH Nhà nước cho rằng chủ trang cho vay trực tuyến bán thông tin người vay để các NH thương mại phát triển khách hàng là bình thường. Tuy nhiên, vấn đế mà vị này băn khoăn là tại sao người vay không trực tiếp liên hệ với NH mà phải thông qua các chủ trang cho vay trực tuyến? Hiện nay, các NH thương mại đều công bố những chương trình cho vay, lãi suất, điều kiện vay trên website. Thậm chí, một số NH còn triển khai kênh cho vay trực tuyến để thu thập thông tin ban đầu của người vay.

"Có lẽ người vay chưa đủ điều kiện vay vốn, năng lực trả nợ yếu, đồng thời cán bộ NH cũng muốn cho vay bằng mọi giá nhằm đạt chỉ tiêu tín dụng nên cả hai đều thể hiện nhu cầu của mình qua công nghệ thông tin, từ đó nhanh chóng gặp nhau. Như thế, người vay phải chấp nhận lãi suất cao, NH luôn đối mặt rủi ro. Điều này đòi hỏi các NH thương mại phải tăng cường kiểm soát nội bộ, theo dõi tư cách đạo đức của từng cán bộ tín dụng để kịp thời chấn chỉnh, nếu không thì nợ xấu sẽ gia tăng" - vị lãnh đạo NH Nhà nước cảnh báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN