Tháp đôi 1.000 tỷ: Sẽ kiện chủ đầu tư
Hai tòa tháp 19 tầng và 13 tầng - Công trình đầu tư cho ngành Giáo dục thuộc dự án nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng nhưng đang dở dang, phơi mình cùng mưa nắng. Mới đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra giải pháp, “úp nóc” cho phần đã xây thô rồi đưa vào sử dụng.
Nhà thầu: Sẽ kiện chủ đầu tư ra Tòa
Nằm ở khu đất vàng, công trình tháp đôi của dự án Nhà Trung tâm đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) được phê duyệt năm 2003, khởi công năm 2006 luôn gây chú ý cho nhiều người. Thế nên, khi công trình này “đắp chiếu”, mặc cho mưa nắng làm hoen rỉ giàn giáo, cọc sắt bị ô xi hóa, lưới bảo vệ tơi tả... càng làm cho những người qua đường xót xa.
Ngày 16/6, có mặt tại công trường này, chúng tôi chứng kiến hai khối nhà được xây dựng trên nền đất rộng, kết cấu kiên cố nhưng tất cả đều đang dở dang. Nước mưa ngập sàn, vật tư hỏng hóc, máy móc, thiết bị xây dựng không được vận hành gây lãng phí.
Nhìn hai trạm trộn bê tông đang “nằm ngủ” cho thấy, nhà thầu đã đầu tư lớn cho hệ thống trang thiết bị phục vụ việc thi công. Không hiểu căn cớ gì, công trình hoành tráng này lại bị đình trệ. Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã tiếp cận với nhà thầu là Tổng Công ty 36, Bộ Quốc phòng.
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36 cho biết, “nếu chúng tôi tiếp tục thi công sẽ phạm luật vì hợp đồng hết hiệu lực. Có nhiều hạng mục, chúng tôi đã xây dựng xong nhưng chủ đầu tư vẫn không chịu nghiệm thu”. Sao lại có chuyện vô lý đến vậy? Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhà thầu đã hoàn thành phần móng, phần thân.
Nhà thầu cũng đầu tư 179,6 tỷ; được thanh toán 115 tỷ. Giá trị đã đầu tư cho thi công dự án chưa được chủ đầu tư thanh toán 64,6 tỷ đồng, mỗi tháng phải chịu lãi suất 1,7 tỷ đồng. Đấy còn chưa kể, 60 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị máy móc thi công phải chịu khấu hao và lãi vay ngân hàng hàng tháng 1,4 tỷ đồng.
Không nghiệm thu hạng mục đã thi công, không trả lời nhà thầu dù Tổng Công ty 36 đã nhiều lần gửi công văn về việc xử lý các nội dung liên quan. Trong khi đó, chất lượng các cấu kiện đã thi công xuống cấp; tầng hầm không có mái che làm ứ đọng nước mưa gây hỏng kết cấu bê tông cốt thép; cốt thép chờ cột vách không được thi công ghép cốt pha đổ bê tông tiếp làm han rỉ, giảm cường độ thép, ảnh hưởng đến chất lượng công trình...
Thực trạng này khiến ngày 5/6/2012, nhà thầu gửi công văn đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị: Có văn bản trả lời các kiến nghị của Tổng Công ty 36; có cơ chế vốn để giải quyết các nợ đọng cũ với nhà thầu thi công và đủ đáp ứng tiến độ dự án; ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh tiến độ, ký hợp đồng phụ lục điều chỉnh khối lượng, điều chỉnh giá trị hợp đồng; thanh toán các khối lượng xây lắp hoàn thành đã được nghiệm thu và các khối lượng phát sinh; đề nghị Đại học KTQD bồi thường thiệt hại do nhà thầu phải đầu tư lớn trang thiết bị hiện đang tồn tại trên công trường; bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Tổng Công ty 36 vì không kịp thời có ý kiến giải quyết các kiến nghị, chậm thanh toán, tạm ngừng thi công theo Hợp đồng đã ký kết với nhà thầu theo quy định của pháp luật...
Ngày 16/6/2012, trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cho biết, đang hoàn tất thủ tục để khởi kiện chủ đầu tư là Trường Đại học KTQD ra Tòa kinh tế vì vi phạm điều khoản trong hợp đồng.
Dự án nhà Trung tâm đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội
Bộ Giáo dục - Đào tạo: Đại học KTQD quá ỷ lại vào vốn ngân sách
Ngày 18/6, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và Đồ chơi trẻ em, Bộ Giáo dục - Đào tạo. Ông Tạo đánh giá, nguyên nhân khiến công trình tháp đôi của Trường Đại học KTQD bị đình trệ như hiện nay là do: Thiếu tiền; Đại học KTQD không tích cực, năng động; giá vật tư, nhân lực tăng. Còn trách nhiệm của Bộ GD&ĐT thì chỉ dừng lại ở việc, không chỉ đạo sát sao nhà trường để thực hiện dự án nhanh hơn.
Ông Tạo đưa ra hai giải pháp để tháo gỡ. Thứ nhất: Hoàn thiện phần đã xây dựng và đưa vào sử dụng. Thứ hai: Tìm nguồn vốn đầu tư để tiếp tục thi công trong 4 năm để hoàn thiện công trình.
Việc tìm nguồn vốn đầu tư sẽ do Trường Đại học KTQD đảm nhiệm. Khi có nguồn vốn này rồi, mỗi năm Bộ GD&ĐT sẽ cấp kinh phí tối đa là 100 tỷ. Ông Tạo cũng cho rằng, là một trong những trường đại học lớn, có doanh thu từ học phí mỗi năm từ 300 đến 400 tỷ đồng, Trường Đại học KTQD có đủ khả năng đóng góp vốn xây dựng công trình này.
Còn với giải pháp, tự “cưa ngọn” hai khối nhà 19 và 13 tầng như hiện nay, ông Tạo đánh giá là khả thi. Khi nào có vốn, tiếp tục thi công theo thiết kế ban đầu. Ông Tạo cũng nêu ra, việc làm phê duyệt lại thiết kế, hoàn thiện phần đã xây dựng là không mấy khó khăn.
Đợi cơ chế đặc thù
Tiếp tục đến Trường Đại học KTQD, chủ đầu tư dự án, chúng tôi có cuộc trao đổi với GS.TS Phan Công Nghĩa, Phó Hiệu trưởng của nhà trường. Ý kiến cá nhân của ông Nghĩa cho rằng, giải pháp “cưa ngọn” không khả thi.
Lý do: Việc điều chỉnh dự án rất mất thời gian và tốn kém; bỏ ra chi phí hoàn thiện phần đã xây thô cũng cần kinh phí cả trăm tỷ đồng. “Trong tuần này, chúng tôi sẽ có cuộc họp giữa nhà trường với đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn quản lý và đơn vị thi công để giải quyết những vấn đề liên quan”, ông Nghĩa nói. Cũng theo ông Nghĩa, đề ra hướng xử lý những cái đã làm, gia hạn hợp đồng với tư vấn quản lý, tư vấn giám sát cũng là việc cần làm ngay vì thực tế, hợp đồng giữa hai bên đã hết hạn từ năm 2010.
Phải có cơ chế đặc biệt bởi, nếu mỗi năm Bộ GD&ĐT chỉ cấp 30 tỷ đồng vốn thì không biết đến bao giờ dự án mới làm xong cũng là ý kiến cá nhân của ông Nghĩa. Còn về nội lực, Trường Đại học KTQD đã đề ra giải pháp, nhà trường góp 10% kinh phí là nỗ lực tối đa. Còn giải pháp huy động vốn, ông này cho rằng, do đây là dự án công, lại thuộc nhóm giáo dục nên việc kêu gọi liên kết xây dựng không phải dễ dàng.
Nói về lý do, tính đến hiện tại, chủ đầu tư mới bỏ ra 4,8 tỷ đồng cho dự án này thì ông Nghĩa cho biết, khi phê duyệt dự án không ghi rõ là vốn đối ứng. Số tiền 4,8 tỷ đồng là do nhà trường tự đóng chứ không theo quy định nào cả.
Bộ GD&ĐT cho rằng, Trường Đại học KTQD có đủ khả năng và phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí để xây dựng dự án. Nhà trường thì cho rằng, do là một trong năm trường đại học tự túc kinh phí hoạt động nên khả năng này ngoài tầm tay. Trong khi đó, khi phê duyệt dự án, nguồn kinh phí được nêu ra là: Ngân sách; nhà trường; xã hội hóa. Do không đưa ra tỷ lệ nhất định nên các bên chẳng ai chịu trách nhiệm.
- Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định đầu tư xây dựng Nhà Trung tâm Đào tạo Trường KTQD với tổng mức đầu tư 518,1 tỷ đồng. -Năm 2005, Bộ GD&ĐT có Quyết định điều chỉnh bổ sung dự án với tổng mức đầu tư 792,5 tỷ đồng. Nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước, vốn tự bổ sung của nhà trường và các nguồn vốn hợp tác khác; tiến độ thực hiện: 2003 – 2010. - Năm 2010, Đại học KTQD có tờ trình xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1.160 tỷ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2003-2012. Bộ GD&ĐT hiện chưa phê duyệt điều chỉnh mức đầu tư này. |