Tăng trưởng quá mạnh, Grab, Uber lại “gây phiền”?

Sự kiện: Kinh Doanh

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới đây cho hay, lượng đăng ký Grab, Uber đã tăng “vượt quá mong muốn”. Dường như, sự tăng trưởng quá nhanh, quá mạnh của loại hình vận tải này đang “gây phiền” cho không ít cơ quan, đơn vị?

Ảnh hưởng đến đề án vận tải công cộng

Báo cáo về công tác thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải trên địa bàn Thủ đô, Sở GTVT Hà Nội cho rằng: “Kể từ khi mô hình ứng dụng công nghệ hợp đồng vận chuyển của Grab, Uber được Bộ GTVT cho phép tham gia thí điểm, số lượng xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi tại Hà Nội gia tăng nhanh chóng, vượt quá yêu cầu mà thành phố mong muốn, ảnh hưởng đến đề án phát triển vận tải hành khách công cộng của thành phố, đặc biệt là việc quản lý, hạn chế xe taxi và phương tiện giao thông cá nhân".

Theo số liệu từ Vụ Vận tải, Bộ GTVT, hiện tại, cả nước đã có 29.810 xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký tham gia thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vào kinh doanh vận tải hành khách. Đa số xe tham gia thí điểm kết nối với 2 ứng dụng Uber và Grab; chỉ có khoảng hơn 1.000 xe là kết nối với các ứng dụng nội địa.

Trên địa bàn TP. Hà Nội có 7 đơn vị được Bộ GTVT phê duyệt đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm: Công ty cổ phần hợp tác đầu tư và phát triển; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang; Công ty cổ phân vận tải 57 Hà Nội; Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh; Công ty cổ phần Phát triển thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao; Công ty TNHH GrabTaxi; Công ty TNHH Uber Việt Nam.

Về số lượng xe, tính đến hết tháng 9/2017, toàn TP. Hà Nội có 14.495 xe tham gia thí điểm, thuộc 242 đơn vị vận tải. Trong đó, Công ty Uber Việt Nam có 2.282 xe (chiếm 15% xe tham gia), Công ty GrabTaxi chiếm nhiều nhất khi có tới 11.116 xe tham gia (chiếm 76%).

Tăng trưởng quá mạnh, Grab, Uber lại “gây phiền”? - 1

Uber, Grab bị kiến nghị làm ảnh hưởng đến đề án phát triển giao thông công cộng. ảnh: TL

Sở GTVT Hà Nội cũng chỉ ra một loạt hạn chế của xe thí điểm hợp đồng điện tử, như số phương tiện tham gia thí điểm không niêm yết logo, phù hiệu xe hợp đồng và các thông tin theo quy định của Bộ GTVT, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng.

Sở cũng kiến nghị bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu về ID gắn với biển kiểm soát xe và lái xe để cơ quan quản lý kiểm soát. Hệ thống dữ liệu về hóa đơn tính tiền phải được lưu trữ đầy đủ tại đơn vị và phải cung cấp khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng. Yêu cầu các xe hợp đồng công khai giá cước vận chuyển, chế độ bồi hoàn, điều khoản giao kết bằng hợp đồng điện tử.

Thất thu ngân sách

Một trong những vấn đề được cho là “bất bình đẳng” là việc hai loại hình vận tải công nghệ này đặt máy chủ và tên miền nước ngoài. Kiến nghị về việc yêu cầu Uber, Grab đặt máy chủ tại Việt Nam đã được Hiệp hội taxi Hà Nội đưa ra nhiều lần. Theo Hiệp hội, việc đặt máy chủ và sử dụng tên miền Việt Nam là quy định của pháp luật và Uber, Grab phải chấp hành như các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh ngành nghề tương tự.

“Công ty công nghệ cung cấp phần mềm ứng dụng cho hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam và không trái với thông lệ quốc tế: Phải có đủ trang thiết bị xử lý số liệu thông tin; phải đặt máy chủ (Server) vật lý tại Việt Nam sử dụng tên miền Internet của Việt Nam; dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT và các Sở GTVT”, Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết.

Về vấn đề này, tại hội thảo “Bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế” do Học viện Cảnh sát Nhân dân phối hợp với Ban Tuyên giáo TP.HCM tổ chức mới đây, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Mai Linh, lấy ví dụ, TP.HCM với khoảng 10 triệu dân chỉ cần khoảng 20.000 - 25.000 taxi nhưng trong vòng 2 năm Uber, Grab đã phát triển tới hơn 50.000 xe. Trong khi trước đó doanh nghiệp taxi phát triển 15.000 xe trong vòng 20 năm. Đó là một phần lý do góp phần kẹt xe và hàng năm làm thất thoát cho nhà nước hàng ngàn tỉ đồng. “Nếu lực lượng khủng bố sử dụng xe Uber và Grab thì rất khó kiểm soát. Doanh nghiệp trong nước muốn chuyển tiền ra nước ngoài phải tới ngân hàng và phải chấp hành đầy đủ quy định nhưng một ngày Uber, Grab chuyển ra nước ngoài hàng triệu USD sẽ không ai kiểm soát được. Một doanh nghiệp vận tải nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải có văn phòng, server (máy chủ) nằm ở Việt Nam mới kiểm soát được”, ông Huy phát biểu tại Hội thảo.

Theo đúng quy định của Bộ GTVT, các xe Uber, Grab phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe. Bên cạnh đó, đơn vị cung cấp phần mềm thiết kế, in ấn, cấp logo cho các xe. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, rất nhiều ô tô sử dụng dịch vụ Uber, Grab vẫn không dán logo đơn vị kinh doanh. Điều nữa, đề xuất lái xe phải được tập huấn nghiệp vụ, có chứng chỉ hành nghề, mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên. Vấn đề này còn chưa được chốt cụ thể khi Bộ GTVT cho biết sẽ nghiên cứu nội dung này để đưa vào Nghị định 86 sửa đổi.

Trước những phản ánh trên, anh Dương Việt Nam, một lái xe sử dụng dịch vụ Uber khu vực phường Bạch Đằng quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Xe mình sắm vừa đi làm ca ở nhà máy in, vừa tranh thủ chạy Uber nên không tiện dán logo. Nếu có quy định thì cũng ít lái xe đồng ý. Mình biết, rất nhiều anh em xem việc chạy xe Uber hay Grab là nghề tay trái như mình”.

Về các kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội, anh Nam cho rằng dịch vụ Uber hay Grab mới làm giảm ùn tắc giao thông bởi trạng thái xe lưu không trên đường được hạn chế tối đa, không như hoạt động taxi. “Một khi giao thông công cộng phát triển, thấy có lợi thì khách tự chọn loại hình đó. Còn bây giờ Uber, Grab đang tạo công ăn việc làm cho chúng tôi, hạ giá cước cho khách thì cơ quan quản lý phải ủng hộ”, anh Nam nói.

Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị cơ quan quản lý cần tạm dừng hoặc dừng vĩnh viễn việc cung cấp ứng dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động vận tải đối với lái xe vi phạm quy định hiện hành. Kết quả, từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã phát hiện, xử lý 41 trường hợp xe tham gia thí điểm vi phạm các quy định trong quản lý vận tải. Tất cả các xe vi phạm đều sử dụng phần mềm ứng dụng của Grab, Uber, trong đó Grab có 25 xe vi phạm, Uber có 16 xe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN