Tăng nguy cơ nhập lậu vàng

Sự kiện: Giá vàng

Vàng trong nước đắt hơn gần 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới làm dấy lên lo ngại gia tăng tình trạng nhập lậu vàng.

Tăng nguy cơ nhập lậu vàng - 1

Nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất nữ trang rất lớn nên khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch, nhập lậu vàng sẽ gia tăng - Ảnh: Khánh Linh

Nhu cầu vàng nguyên liệu 40 tấn/năm

Ngày 15/11, giá vàng miếng SJC bán ra giá 36 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.225 USD/ounce, tương đương 33.07 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong nước đang đắt hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ tăng nguy cơ nhập lậu vàng nguyên liệu qua đường biên giới.

Theo Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM (SJA), thống kê cho thấy, bốn năm gần đây, khối lượng sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp (DN) tăng qua các năm, từ mức 1.244 kg vào năm 2012, lên 4.967,05 kg vào năm 2013, 12.425,11 kg vào năm 2014, 13.295,48 kg vào năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 là 6.962,09 kg.

Cho nhập khẩu vàng để thu về ngoại tệ

Trên thị trường vàng thế giới có nguyên tắc chung là khi có chênh lệch khoảng 2% giữa giá “nội” và “ngoại” là có hiện tượng nhập lậu vàng. Chẳng hạn, Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu vàng lên 10% trong khi thuế nhập khẩu vàng ở Thái Lan bằng 0, nên trong năm 2013 và 2014, hàng trăm tấn vàng nữ trang từ Thái Lan được xuất sang Ấn Độ theo tinh thần Hiệp ước Tự do mậu dịch giữa hai bên khiến Ấn Độ thất thu về thuế nhập khẩu. Trong trường hợp của Việt Nam, nếu chúng ta cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu bằng con đường chính thức thì chúng ta thu được một khoản thuế nhập khẩu không nhỏ. Chẳng hạn, nếu thuế suất nhập khẩu 1-2% thì với tổng giá trị vàng nhập khẩu hàng năm khoảng 2,7 tỉ USD, chúng ta sẽ thu về được 30-50 triệu USD/năm, tương đương 600-1.000 tỉ đồng.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Chuyên gia ngành vàng Quốc tế

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM cho hay, những năm trước, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa độc quyền sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu vàng, mỗi năm nhu cầu nhập vàng của các DN cũng vào khoảng 50-70 tấn. Mấy năm trở lại đây, DN dường như không quan tâm đến vàng miếng, nhưng nhu cầu của người dân về vàng nữ trangvẫn không thay đổi. “Tôi có làm một cuộc khảo sát ở các DN kinh doanh vàng nữ trang thì số lượng vàng nguyên liệu cần trong năm 2015 và 2016 khoảng 40 tấn/năm. Và hàng năm có khoảng 20 triệu sản phẩm tung ra thị trường. Đấy là chưa kể rất nhiều DN kinh doanh vàng nhỏ và vừa đã buộc phải đóng cửa trong mấy năm qua”, ông Dưng nói.

Cũng theo ông Dưng, chỉ cần nhìn vào số lượng nhân công trong ngành vàng là biết nhu cầu của vàng nguyên liệu. Những DN lớn như PNJ (Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận) có tới 4.000 người, những DN vừa cũng tới 1.000 hay DN nhỏ vài trăm nhân công vô cùng nhiều.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho biết, những tiệm vàng nữ trang lớn một ngày có khi phải “ngốn” đến cả chục lượng vàng là bình thường. Vậy, với hàng nghìn DN ở Hà Nội và TP HCM nhân lên thì số vàng tiêu thụ mỗi ngày không nhỏ.

Như vậy, với 40 tấn vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp chế tác lấy từ đâu? Ông Trần Thanh Hải cho rằng, vàng nguyên liệu để sản xuất cho vàng nữ trang là vàng bóng, chủ yếu mua từ con đường mậu dịch, nghĩa là qua biên giới. Giá vàng nguyên liệu tuy không chênh với giá thế giới tới 3 triệu đồng/lượng như vàng miếng SJC, nhưng giá trị sản phẩm này rất cao, nên chỉ cần chênh lệch một vài triệu đồng/lượng, lợi nhuận thu được từ vận chuyển lậu đã rất lớn.

Mua vàng trôi nổi nhiều rủi ro

Ông Dưng cho biết, nhu cầu người dân mua vàng trang sức không chỉ là làm đẹp mà còn là giữ của. Vì khi cần thiết vẫn có thể mang vàng trang sức bán. Các DN nhỏ, lẻ mua vàng nguyên liệu chủ yếu là hàng trôi nổi được cắt nhỏ và vàng đã qua sử dụng. Chính vì vàng không rõ nguồn gốc nên rủi ro cho các DN rất cao. Song, dù muốn hay không họ vẫn phải mua vì đâu còn nguồn nào khác. “Mà mua hàng trôi nổi thì chất lượng vàng cũng không ổn định, chưa kể những lo ngại về việc mua vàng cắt nhỏ không có nhãn mác, chất lượng không được kiểm định, nên nếu cơ quan quản lý kiểm tra cũng rất khó khăn. Đó là lý do hiệp hội mới đây đã kiến nghị NHNN nghiên cứu để sớm thành lập Sở Giao dịch Vàng Quốc gia”, ông Dưng nói và phân tích, thông qua Sở Giao dịch Vàng Quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân. Ngoài ra, Sở Giao dịch Vàng Quốc gia cũng góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, loại bỏ những loại hình giao dịch vàng chui. Ngoài ra, còn giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới… Thông qua sở giao dịch vàng, các DN cũng có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu”, ông Dưng nói.

Ông Dưng cũng cho hay, nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang quá lớn. NHNN không cấm các tổ chức tín dụng cho DN vay vốn để mua vàng nguyên liệu cho mục đích sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, nhưng phải được sự chấp thuận của Thống đốc NHNN đối với từng trường hợp cụ thể. Song, chưa có DN nào vay được vốn trong bốn năm nay.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã gửi công văn đến NHNN đưa ra một số đề xuất nhằm thu hút lượng vàng tồn trữ trong nhân dân. Theo đó, NHNN nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các trung tâm, sàn giao dịch vàng vật chất do Nhà nước quản lý. Ngoài ra, phải có quy định cụ thể chứng từ hợp pháp của các nguồn vàng nguyên liệu khác như vàng nữ trang mua lại của khách hàng, nguồn vàng nguyên liệu khác... Song song đó, UBND TPHCM cũng đề xuất NHNN tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm việc nhập khẩu vàng từ các cửa khẩu biên giới và xem xét cho các tổ chức tín dụng được cho vay vốn bằng tiền đồng (VND) cho các DN có nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Pháp luật TPHCM)
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN