Ngân hàng loay hoay tìm đầu ra

Trong bối cảnh dư thừa vốn, các ngân hàng (NH) đã tung ra hàng loạt chính sách cho vay hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng.

Tấn công doanh nghiệp lớn

Động thái mới nhất là NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hợp tác chiến lược với Tập đoàn Cao su Việt Nam, cho doanh nghiệp (DN) này vay 800 tỉ đồng, thời hạn 5 năm, lãi suất 10,5%/năm để xây nhà máy chế biến gỗ. Tiếp đến, Vietcombank dồn vốn cho Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) bằng hợp đồng tín dụng 1.700 tỉ đồng để EVN NPC đầu tư, cải tạo các công trình nguồn và lưới điện. Ngoài việc cung ứng vốn, Vietcombank cũng bao thầu cho các công ty trực thuộc EVN NPC dịch vụ quản lý dòng tiền tập trung, thanh toán, bảo lãnh, ngoại hối…

Nhìn thấy tiềm năng xuất khẩu của các DN thuộc ngành dệt may, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng nhanh chân cho Tập đoàn Dệt may (Vinatex) vay 600 triệu USD trong giai đoạn 2014-2016 để Vinatex mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngân hàng loay hoay tìm đầu ra - 1

Một số NH khác lại “tấn công” cho vay tiêu dùng nhằm chiếm lĩnh thị phần DN nhỏ và nhóm khách hàng cá nhân.

Do thời hạn vay đầu tư dự án kéo dài trong nhiều năm nên các NH thường đưa ra mức lãi suất cho vay bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3%-3,5%. Một chuyên gia tài chính cho biết hiện nay lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các NH lớn là 7%/năm, tính ra lãi suất cho vay dài hạn phổ biến ở mức 10%-10,5%/năm. Đây là mức lãi suất mà DN có thể chấp nhận vì ngoài giá vốn ban đầu, NH còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh khoảng 3%.

Lãi suất hấp dẫn

Giới phân tích cho rằng khi đã tài trợ vốn cho các dự án của DN lớn, NH thường chiếm luôn thị phần cho vay vốn lưu động, vay mua nhà, vay tiêu dùng đến CB-CNV của DN thông qua các gói cho vay với lãi suất  thấp hơn lãi suất huy động vốn. Đơn cử, Vietcombank đưa ra thị trường gói cho vay DN xuất khẩu với lãi suất 5%-5,8%/năm, áp dụng trong thời gian từ 1-3 tháng. BIDV cũng tung ra gói 2.000 tỉ đồng cho vay mua nhà với lãi suất 5%/năm.

Một số NH khác lại “tấn công” cho vay tiêu dùng nhằm chiếm lĩnh thị phần DN nhỏ và nhóm khách hàng cá nhân.

NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai gói 1.500 tỉ đồng cho DN tham gia chương trình bình ổn thị trường vay với lãi suất ngắn hạn 6%/năm, lãi suất trung hạn 10%/năm. NH Tiên Phong cũng cố định lãi suất cho vay tiêu dùng 6,6%/năm  trong 6 tháng đầu. NH Phát triển TP HCM (HDBank) thì cho vay mua nhà, mua ô tô… lãi suất 6,8%/năm trong 6 tháng đầu tiên, các tháng tiếp theo lãi suất được áp dụng theo quy định của HDBank. Đặc biệt, NH Bảo Việt cho vay mua nhà, ô tô… thời hạn vay trên 4 năm, lãi suất 5%/năm trong 6 tháng đầu tiên…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN