Ngân hàng đang đứng trước nhiều rủi ro
Thanh khoản dư trong khi tín dụng giậm chân tại chỗ, thị trường ngân hàng đang mất cân bằng giữa cung và cầu. Theo cảnh báo của một số chuyên gia kinh tế, các ngân hàng đang đứng trước nhiều rủi ro.
Nguồn vốn dư thừa, ngân hàng đua nhau hạ lãi suất xuống hơn trần quy định nhưng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 1,66% so với cuối năm 2013 trong đó, tín dụng bằng VND giảm 1,94%. Các chuyên gia tài chính cảnh báo về ba rủ ro lớn mà các ngân hàng có thể gặp phải.
Dễ hình thành tín dụng ảo
Hiện các ngân hàng đang đẩy mạng hạ lãi suất để đạt được mức tăng trưởng tín dụng là 12-14% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Để đạt mục tiêu đó, hàng loạt các ngân hàng cổ phần hạ lãi suất từ 0,1-0,3 %, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất huy động kỳ hạn một tháng ở ngân hàng V, ngân hàng S, E, T cao nhất chỉ dừng lại mức 6,55%/năm.
Việc đẩy mạnh hạ lãi suất dưới mức trần quy định để thúc đẩy tín dụng, chống lỗi trong ngắn hạn dễ dẫn đến hình thành tình trạng tín dụng ảo, vốn cho vay ra nhưng không thoát ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Nguyên nhân do các ngân hàng cho doanh nghiệp vay giá rẻ, trong khi chưa có cơ hội đầu tư sinh lời nên doanh nghiệp lại gửi tiền vào ngân hàng khác để hưởng lãi suất chênh lệch do đó tiền chạy lòng vòng vẫn giữ nguyên trong hệ thống ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm: “Cách đầu tư này sẽ hình thành hiện tượng bong bóng tài chính, khi bong bóng này xẹp đi, các vấn đề về thanh khoản, biến động về lãi suất sẽ khó kiểm soát được”.
Khó tìm được khách hàng
Rủi ro thứ hai khiến các ngân hàng thương mại rất dễ mắc phải là tình trạng khó tìm được khách hàng tiềm năng vì vướng nợ xấu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nội địa có “lý lịch không tốt”, mức độ tín nhiệm không cao sẽ không tiếp cận nguồn vốn dù lãi suất khá thấp, các ngân hàng ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh cho vay ở các doanh nghiệp xuất khẩu như tập đoàn, tổng công ty lớn.
Nói một cách cụ thể, lãi suất cho vay “hạ” nhưng điều kiện cho vay vẫn “cao” vì thế ngân hàng vẫn khó tìm cho vay.
Lãi suất cho vay các ngân hàng dễ phát sinh tình trạng chồng nợ xấu.
Theo đại diện một ngân hàng thương mại cho biết: “Ngân hàng đưa ra mức lãi suất thấp, nhưng vẫn không kiếm được khách hàng để cho vay. Mức lãi cho vay 5%/năm, chỉ cần điều kiện là doanh nghiệp xuất khẩu và phải chuyển 50 - 70% dòng tiền mua bán hàng hóa thông qua ngân hàng, cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng”.
Bên cạnh đó, một vấn đề được đặt ra nữa là khi lãi suất cho vay giữa các ngân hàng có sự chênh lệch lớn sẽ làm cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng phân hóa theo.
Doanh nghiệp nhận được khoản vay với lãi suất thấp đương nhiên sẽ có chi phí thấp và có sức cạnh tranh cao hơn, hoạt động tốt hơn. Ngược lại, những doanh nghiệp nhận khoản vay với lãi suất cao, sẽ có chi phí cao, làm cho khả năng cạnh tranh giảm và rủi ro cũng gia tăng. Vì thế việc chạy đua lãi suất, chạy đua tìm khách hàng tiềm năng để tăng trưởng tín dụng là bài toán nhiều ngân hàng đặt ra hiện nay.
Nguy cơ tăng nợ xấu
Hạ lãi suất trong điều kiện kinh doanh đang khó khăn, kinh tế phục hồi chậm nếu không tính toán cẩn thận, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên.
Năm 2011, dư luận chưa quên trường hợp 5 ngân hàng cùng nhau cho một doang nghiệp vay vốn đến khi doanh nghiệp phá sản với số nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng thì các ngân hàng cùng đến tranh nhau một khối tài sản thế chấp mất giá.
Vốn dư thừa đứng trước áp lực của việc phát triển tín dụng nhưng các ngân hàng vẫn rất thận trọng việc xét duyệt cho vay để tránh nguy cơ rủi ro, tránh phát sinh nguy cơ nợ xấu chồng nợ xấu.
Theo đại diện Ngân hàng Eximbank chia sẻ: “Đầu năm 2014, các chi nhánh đang mời doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi 6%/năm nhằm khai thông đầu ra nhưng vẫn ít doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn. Nếu có, các hồ sơ này lại không đáp ứng được điều kiện đưa ra của ngân hàng”.
Về phía doanh nghiệp Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn, cho rằng: “Lãi suất bao nhiêu không phải là vấn đề chính, quan trọng là doanh nghiệp có tìm thấy cơ hội làm ăn và đảm bảo khả năng trả lãi cho ngân hàng”. Hiện nhiều doanh nghiệp cũng cho biết là không nghĩ tới chuyện vay vốn vì lo làm không đủ trả lãi.