Lực lượng chống chuyển giá: Có cũng như không?

Thành lập từ lâu, nhưng lực lượng chống chuyển giá (Tổng cục Thuế) hoạt động như một ẩn số, dù đây là vấn đề nóng dư luận quan tâm, nhiều cơ quan ban ngành nhiều lần lên tiếng. Chuyên gia về luật cho rằng, việc thực thi của cán bộ thuế có vấn đề. Vậy lực lượng này hoạt động ra sao?

Gia tăng chuyển lợi nhuận về các thiên đường thuế

Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (DN FDI) giai đoạn 2011-2016 đạt mức trung bình xấp xỉ 23%, tốc độ tăng trưởng tài sản trên 19%. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, số lượng các DN FDI báo lỗ hằng năm từ 44-51%. “Những con số nói trên cho thấy thực trạng chuyển giá của DN FDI đang tồn tại và ngày càng nhức nhối”, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết.

Để làm được điều này, công ty đa quốc gia thường lợi dụng sự khác biệt trong chính sách thuế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ và lợi dụng chế độ ưu đãi thuế của các quốc gia, vùng, miền để xây dựng và áp dụng một chính sách về giá giao dịch nội bộ trong tập đoàn.

Theo các chuyên gia về thuế, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, hành vi tránh thuế thông qua chuyển giá của DN có phát sinh giao dịch liên kết, đặc biệt là tại các tập đoàn đa quốc gia ngày càng tinh vi, phức tạp. Để tối đa hoá lợi nhuận, các DN này ngày càng đưa ra nhiều biện pháp đối phó để tránh thuế. DN FDI đã gia tăng các hoạt động chuyển lợi nhuận về thiên đường thuế, thành lập công ty vỏ bọc, công ty không có hoạt động thực chất tại nơi này để che giấu nguồn thu nhập và tránh thuế, dẫn tới nguy cơ suy giảm nguồn thu của quốc gia nơi tạo ra lợi nhuận. Đây là thách thức lớn của các quốc gia cũng như ở Việt Nam.

Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không chỉ có những ông lớn Coca Cola, Metro... dính nghi án chuyển giá, hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khác cũng nằm trong diện nghi vấn chuyển giá.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ phó Vụ Thanh tra cho biết, những năm gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN có giao dịch liên kết với nước ngoài được đẩy mạnh. Đơn cử, năm 2017, ngành Thuế đã thanh, kiểm tra 734 DN có giao dịch liên kết, qua đó truy thu, truy hoàn và phạt hơn 2.270 tỷ đồng; giảm khấu trừ 92 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.625 tỷ đồng. Trong đó, ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với 186 DN, đã truy thu gần 720 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.134 tỷ đồng.

Lực lượng chống chuyển giá: Có cũng như không? - 1

Hiện tượng chuyển giá, trốn thuế trong nhập khẩu ô tô, linh kiện từ các quốc gia có thuế suất thấp hơn vào Việt Nam từng khiến một doanh nghiệp bị khởi tố, điều tra. Ảnh: T. Nguyễn

Hơn 2 năm thành lập, ngồi kêu lực lượng “mỏng”

Sau hơn nửa năm các PV Tiền Phong liên hệ, đại diện Vụ Thanh tra mới trả lời về chức phận của Vụ một cách chung chung. Vị này cho hay, để ngăn ngừa các hành vi chuyển giá, chuyển lợi nhuận, tránh thuế, Việt Nam cũng như các quốc gia đều đưa ra quy định yêu cầu người nộp thuế kê khai nộp thuế như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập. Vị này cũng kêu về nguồn thông tin, dữ liệu so sánh chưa thực sự đồng bộ, đang phải củng cố.

Bên cạnh đó, đại diện Vụ Thanh tra cho hay, các DN đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia phát sinh giao dịch liên kết có đội ngũ kế toán giàu kinh nghiệm và luôn được sự hỗ trợ của các công ty luật, công ty tư vấn, kiểm toán hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, công tác chống thất thu, đấu tranh đối với các hành vi tránh thuế của các DN này đòi hỏi cơ quan thuế phải có chuyên gia giỏi và giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Dù đã được chú trọng củng cố, song Tổng cục Thuế thừa nhận lực lượng thanh tra giá chuyển nhượng này còn mỏng.

“Năm 2015, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã ban hành các quyết định thành lập 5 phòng thanh tra giá chuyển nhượng (1 phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại Tổng cục Thuế và 4 phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại 4 Cục Thuế lớn là Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương). Sự ra đời của bộ phận chuyên trách này nhằm chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác thanh tra giá chuyển nhượng nói riêng và công tác quản lý giá chuyển nhượng nói chung để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên nghiệp và đạt hiệu quả trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và công tác thanh tra giá chuyển nhượng”, bà Lan Anh cho hay.

Ngoài ra, theo vị lãnh đạo này, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa ngành Thuế với một số bộ, ngành chưa được thực hiện thường xuyên nên đôi khi hiệu quả chưa cao. Nghị định về quản lý Thuế đối với DN có giao dịch liên kết và thông tư hướng dẫn hành lang pháp lý liên quan tới vấn đề chuyển giá của Việt Nam đã được hoàn thiện thêm. Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Basico, phải quy định ở luật mới đủ tính pháp lý.

Ông Đức cũng cho rằng, quá trình thực thi của các cán bộ ngành Thuế đang có vấn đề, chưa làm dứt điểm, kiên quyết, đến nơi đến chốn. Điều này phải được sửa đổi, trong đó, không loại trừ cả vấn đề tiêu cực, tham nhũng. Cuối cùng, việc xử phạt phải nặng và nghiêm, để đối tượng không dám tái phạm. Ví dụ, tại Singapore, dù không quy định mức phạt cụ thể dành riêng cho hành vi chuyển giá, mức phạt chung cho các vi phạm về thuế từ 100-400% khoản thuế phải trả. Án phạt sẽ được áp dụng nếu đơn vị đóng thuế không có hoặc không cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan việc điều tra chuyển giá.

TS Ðỗ Thiên Anh Tuấn, Ðại học Fulbright Việt Nam khẳng định, thiết chế pháp lý của Việt Nam còn yếu kém gây khó khăn cho chống chuyển giá. Ngoài các lỗ hổng của quy định pháp luật thì năng lực xử lý, chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế còn nhẹ, chưa đủ sức ngăn ngừa và răn đe. Nhiều DN nợ thuế kéo dài nhưng cơ quan chức năng không xử lý hình sự được. Các vụ kiện về thuế thường đi vào bế tắc, tốn kém nhưng không mang lại kết quả tích cực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV Kinh tế ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN