Không loại trừ xử lý hình sự người gây ra nợ xấu

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều ý kiến lo ngại, Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu là ưu ái các TCTD, giúp người vi phạm thoát trách nhiệm? Song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định, Nghị quyết không loại trừ trách nhiệm hình sự các cá nhân sai phạm, gây ra nợ xấu.

Tại Hội thảo, “Xử lý nợ xấu: Từ góc độ chính sách và pháp luật” diễn ra chiều 23/5, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhìn nhận số lượng nợ xấu lớn đang đe dọa nghiêm trọng không chỉ với hệ thống tài chính mà còn toàn bộ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia. Trong bối cảnh này, chúng ta buộc phải có những quyết định rất đặc thù. Do đó việc xây dựng một Nghị quyết về vấn đề nợ xấu là điều cấp bách. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và kết thúc vào 1/7/2022, tùy theo Quốc hội quyết định.

Không loại trừ xử lý hình sự người gây ra nợ xấu - 1

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Theo ông Kiên, điểm chú ý trong dự thảo Nghị quyết này là không phân biệt nợ xấu của ngân hàng nhà nước hay ngân hàng cổ phần. Nghị quyết này chỉ xử lý số nợ xấu đến ngày 31/12/2016. Với các khoản nợ xấu hình thành từ ngày 1/1/2017, các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng hiện hành, và cần thiết sẽ phải sửa đổi một số điều trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng mà Quốc hội sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Quan điểm khi xây dựng Nghị quyết là không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ; không trái Hiến pháp. Nghị quyết không kéo dài tránh tình trạng ỉ lại ở các tổ chức tín dụng; tinh thần Nghị quyết là đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, giá cả bán có cao, thấp.

Đặc biệt, không loại trừ trách nhiệm hình sự các cá nhân sai phạm, gây ra nợ xấu. Theo ông, 6 quan điểm chỉ đạo này đã được triển khai rất chặt chẽ.

Một điểm mới khác được ông Kiên nêu ra là Nghị quyết rút gọn quy trình xử lý tài sản đảm bảo của nợ xấu còn 2 bước. Các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo đăng kí giao dịch đảm bảo sẽ thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người vay nợ; Nếu có tranh chấp, tổ chức tín dụng có quyền kiện ra tòa và tòa sẽ xử theo quy trình rút gọn và có hiệu lực ngay. Nghị quyết cũng đưa ra quy trình thủ tục trình tự thi hành án dân sự khi người vay cố tình chây ì không chịu thực hiện cam kết hợp đồng dân sự.

Không loại trừ xử lý hình sự người gây ra nợ xấu - 2

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Cố vấn cao cấp LienVietPostBank

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Cố vấn cao cấp LienVietPostBank nhấn mạnh: “Hiện nay có nhiều ý kiến lo ngại có phải ra Nghị quyết để ưu ái ngân hàng và chạy tội cho cán bộ gây ra nợ xấu. Tôi khẳng định không có chuyện này vì Nghị quyết xử lý cho cả nền kinh tế chứ không riêng hệ thống ngân hàng. NHNN đã chỉ đạo rất khắt khe, trong quá trình xử lý nợ xấu nếu phát hiện sai trái sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật".

Theo ông, nợ xấu như cục máu đông, vốn của người gửi tiền tiết kiệm nên phải thu hồi vốn trả cho người gửi, khơi thông vốn cho nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế đang thiếu vốn, nợ xấu vẫn như thế này thì không thể tăng trưởng.

Ông cho biết, trong 100% nợ xấu, ngân hàng đã xử lý được 53%, trong đó có 43% vướng mắc với người vay tiền. Nếu có Nghị quyết khơi thông trong thời điểm này, lúc bất động sản đang hồi phục như hiện nay thì nợ xấu sẽ được san phẳng.

“Việc ra Nghị quyết này là quá muộn bởi nợ xấu đang đóng băng 6 năm nay. Muộn còn hơn không, việc ra Nghị quyết hơi gấp nhưng lại tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản bất động sản khi giá trị bất động sản đang tăng trở lại. Nghị quyết ra thời điểm này sẽ phá tan cục máu đông bất động sản để có vốn cho nền kinh tế”, ông Hưởng nói.

Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu: Sự ưu ái các tổ chức tín dụng? Trả lời câu hỏi này, TS Võ Trí Thành cho rằng, bất kỳ quá trình ứng phó, xử lý các vấn đề lớn liên quan đến nhiều bên, đến dòng tiền lớn… mà chúng ta lại muốn làm rất quyết liệt (vì tính chất cấp bách để giảm thiểu phí tổn không cần thiết cho nền kinh tế cả hiện tại và trong thời gian tới), thì một sự hoàn hảo đầy đủ là rất khó. Tuy nhiên, riêng vấn đề này, phải đặt lợi ích chung lên cao nhất, gắn với sự ổn định, phân bổ hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng chống đỡ các cú sốc của cả nền kinh tế, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Việc thông qua một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho ngành Ngân hàng, mà là sự “ưu ái” cần thiết cho cả nền kinh tế. Nguyên tắc ở đây là quyền hạn, cách làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch. Những người gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh, chứ không có sự bao che hay dung túng bất kỳ ai ở đây.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN