Không đòi được thuế Sabeco, Unilever: Cục Thuế TP.HCM làm gì?

Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM đưa ra một số kiến nghị để cải thiện, nâng cao chất lượng ngành thuế, trong đó có việc chỉ đạo một số vụ việc

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổng cục Thuế sáng 10-1, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm đã có nhiều ý kiến tham luận quan trọng.

Sau khi báo cáo những kết quả, thành tựu trong năm 2018, Cục trưởng Tâm cho hay, năm 2019, Cục Thuế TP.HCM sẽ phấn đấu vượt chỉ tiêu trong nhiệm vụ thu ngân sách được giao 5%. Nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thuế cũng sẽ được chú trọng và phấn đấu giảm nợ thuế không vượt quá 50% số thu.

Song song đó, Cục thuế TP.HCM cũng sẽ triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

“Cục Thuế TP.HCM sẽ thực hiện nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để cụ thể hoá chương trình mục tiêu nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2019”, Cục trưởng Tâm nói.

Không đòi được thuế Sabeco, Unilever: Cục Thuế TP.HCM làm gì? - 1

Hình minh họa

Để hoàn thành mục tiêu này, Cục trưởng Tâm thay mặt Cục thuế TP.HCM đưa ra nhiều kiến nghị.

Trước hết, ông Tâm đề nghị Tổng cục Thuế sớm nghiên cứu xây dựng phương án đối với cá nhân kinh doanh vận tải và hợp tác xã vận tải để thống nhất trong toàn quốc. Ông Tâm cũng đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu về tài khoản ngân hàng và tài sản các cá nhân, tổ chức bất động sản, cho phép cơ quan thuế truy cập vào cơ sở dữ liệu này.

Với một số nhiệm vụ hoặc vấn đề vượt quá thẩm quyền, Cục trưởng Tâm đề nghị Tổng cục Thuế có chỉ đạo cụ thể. “Xung quanh vấn đề nợ thuế của Sabeco và Unilever, Cục thuế TP.HCM kiến nghị Tổng cục Thuế có ý kiến chỉ đạo cụ thể vì vấn đề này nằm ngoài tầm quản lý của Cục”, ông Tâm phát biểu.

Trong phát biểu khi các Cục thuế địa phương tham luận, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam không trả lời cụ thể các kiến nghị này. Ông Nam phát biểu những vấn đề có tính nguyên tắc. Theo đó, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Tổng cục Thuế thì Tổng cục sẽ có chỉ đạo cụ thể. Còn những vấn đề gì vượt phạm vi, Tổng cục sẽ xin ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Cục thuế TP.HCM đã thông báo về số tiền chậm nộp thuế và tiền nộp vi phạm hành chính của Sabeco là hơn 3.140 tỷ đồng, bao gồm tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 đến 2015 hơn 2.645 tỷ đồng, tiền phạt vi phạm hành chính hơn 494 tỷ đồng.

Do Sabeco không nộp thuế theo thông báo nên Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định cưỡng chế nộp phạt những ngày cuối tháng 12-2018. Tuy vậy sau đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và UBND TP.HCM chỉ đạo Cục thuế TPHCM chưa thực hiện cưỡng chế Sabeco. Trên cơ sở này, Cục Thuế TPHCM đã ra quyết định dừng thực hiện cưỡng chế thuế đối với Sabeco.

Còn trường hợp của Unilever Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng. Cục thuế TPHCM cũng lấy báo cáo của Kiểm toán Nhà nước làm cơ sở để gửi công văn nhiều lần cho Unilever yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản theo quy định.

Sau đó, phía Unilever đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng xin không thực hiện cưỡng chế doanh nghiệp để chờ kết luận của các cấp có thẩm quyền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN