Khai tử vàng phi SJC, đại gia lên tiếng

Chỉ còn vài tháng nữa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, vàng miếng SJC sẽ được lựa chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Nhiều ông chủ doanh nghiệp vàng phi SJC có lẽ đã nghĩ đến cái kết cục thương hiệu vàng của mình...

Mấy ngày gần đây, người dân và giới kinh doanh vàng xôn xao trước thông tin những người phụ trách việc kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu cho biết thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của doanh nghiệp này có thể sẽ sớm “đi vào lịch sử” khi SJC chính thức trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu cho hay: “Doanh nghiệp đang làm thủ tục xin được cấp phép kinh doanh vàng miếng mang thương hiệu quốc gia và sẽ gửi cho cơ quan quản lý trong tháng 7 này. Nhiều khả năng thương hiệu vàng miếng Rồng Thăng Long cũng như nhiều thương hiệu vàng khác không phải chuẩn quốc gia sắp tới sẽ bị khai tử, chúng tôi cũng đã xác định tâm lý để đón nhận tin này. Vì thế, chúng tôi mới làm thủ tục để xin phép được kinh doanh vàng miếng mang thương hiệu quốc gia, nghĩa là chỉ làm đại lý mua bán vàng miếng song song với việc kinh doanh vàng trang sức, chứ không được sản xuất, chế tác loại vàng này, mà chỉ sản xuất gia công vàng trang sức”.

Khai tử vàng phi SJC, đại gia lên tiếng - 1

Ông chủ Bảo Tín Minh Châu đã mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc để thuê những nghệ nhân giỏi nhất của Hà Thành sáng tạo nên hình ảnh con rồng trên miếng vàng Rồng Thăng Long.

Cũng theo ông Châu, với vàng miếng mang thương hiệu Rồng Thăng Long đang lưu hành trong dân, khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chính thức có hiệu lực thì người dân cũng sẽ biết đâu là thương hiệu vàng chuẩn quốc gia, nếu ai đang sở hữu thương hiệu vàng không phải chuẩn quốc gia thì họ sẽ mang đi bán hết trước thời điểm đó. Bảo Tín Minh Châu sẽ mua lại hết số lượng vàng mang thương hiệu Rồng Thăng Long mà người dân bán ra. Theo quy định sẽ có chính sách để các doanh nghiệp và khách hàng chuyển đổi từ vàng miếng các thương hiệu khác sang loại vàng chuẩn quốc gia. “Thông điệp mới đây của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, cơ quan này sẽ triển khai đề án bình ổn thị trường vàng thông qua nguồn vàng trong nước, có nghĩa là không nhập khẩu mà mua vào các thương hiệu vàng khác để chuẩn hóa thành vàng thương hiệu quốc gia”, ông Châu nói.

Ông Châu cho biết, doanh nghiệp Bảo Tín Minh Châu thành lập đã hơn 20 năm nay, từ năm 1989 – năm đầu tiên Nhà nước cho phép kinh doanh vàng. Tiền thân của thương hiệu vàng Rồng Thăng Long có tên là vàng Bảo Tín 1, sau đó đến năm 2007 thì đổi tên thành vàng Rồng Thăng Long. Như vậy, vàng Rồng Thăng Long cũng đã tồn tại hơn 20 năm nay, ông chủ thương hiệu vàng này tâm sự, “nếu Rồng Thăng Long bị khai tử, tôi sẽ rất buồn, song vẫn chấp nhận vì luật chơi là thế. Tuy nhiên tôi tin rằng cái tên Rồng Thăng Long sẽ không mất đi, nhiều năm sau người ta vẫn nhớ đã từng có một thương hiệu vàng như thế”.

Theo tiết lộ của ông Châu, ông đã mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc để thuê những nghệ nhân giỏi nhất của Hà Thành sáng tạo nên hình ảnh con rồng trên miếng vàng Rồng Thăng Long. Nhiều chuyên gia vàng cũng đánh giá cao logo và sự sắc sảo trong điêu khắc của thương hiệu vàng miếng của Bảo Tín Minh Châu. Hình rồng trên miếng vàng là sự kết tinh hội tụ của các thế hệ rồng Việt Nam qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Các nét phù điêu rồng chính xác đến từng milimet, đặc biệt hình đầu rồng và những chiếc vảy.

Việc lựa chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia khiến cho người dân và nhà đầu tư đang nắm giữ vàng không phải của thương hiệu SJC (vàng phi SJC) hoang mang, lo lắng, không biết số vàng này sẽ được xử lý như thế nào.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, người dân nên yên tâm bởi Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo vệ quyền lợi của người nắm giữ vàng phi SJC. Thời gian tới, khi Ngân hàng Nhà nước giao cho SJC thực hiện gia công sản xuất vàng miếng thì sẽ thực hiện luôn phương án này. Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng Nhà nước chưa giao hạn mức sản xuất vàng miếng cho SJC do đó SJC chưa thể gia công lại để chuyển vàng phi SJC thành vàng SJC cho người dân.

Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương cho chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC và chắc chắn phí chuyển đổi cũng không lớn. Do đó, người dân không nên hoang mang, lo lắng vội bán vàng phi SJC gây xáo trộn thị trường và bị một số đối tượng lợi dụng ép giá.

Đồng thời, người dân nên thực hiện việc mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để được đảm bảo quyền lợi.

Bên cạnh đó, các loại vàng miếng phi SJC được sản xuất trước đây vẫn được mua bán, trao đổi tại các đơn vị kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Cả vàng SJC và phi SJC đều được pháp luật công nhận nên việc có chuyển đổi từ vàng phi SJC sang SJC hay không là tùy vào sự lựa chọn của người dân, còn quyền lợi của người dân vẫn được đảm bảo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Nhiên (Báo Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN