Vàng đã hết thời "vàng son"?

Việc chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng quốc gia được xem là giải pháp nhằm chấm dứt mọi hiện tượng đầu cơ trên thị trường vàng. Tuy nhiên, có thể thấy thị trường vàng đã và đang tỏ ra “cứng đầu” hơn sự tính toán của cơ quan quản lý.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế ở mức từ 1,5-2 triệu đồng/lượng là khoảng cách chênh lệch thường xuyên và quá xa, mà người tiêu dùng không thể chấp nhận.

Không còn sức hấp dẫn

Nếu như trước đây, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới ở ngưỡng nói trên sẽ khiến cho thị trường vàng vật chất nóng ran, thì nay việc này không thúc đẩy giới đầu tư quay lại với vàng miếng. Mua, bán trên thị trường vẫn hết sức èo uột. Trên thị trường vàng vật chất, theo một số công ty kinh doanh vàng nhận xét, thời gian gần đây lượng vàng giao dịch giảm còn chưa tới 1/3 so với trước, chỉ khoảng vài trăm lạng mỗi ngày. Lượng giao dịch giảm ít nhiều do những tác động từ Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang khiến nhà đầu tư vàng e ngại. Một DN vàng từng có lượng giao dịch vài ngàn lượng mỗi ngày ở TPHCM cho biết, ngay cả với vàng SJC sức mua bán cũng giảm mạnh.

Trong khi đó, mặc dù có thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hoàn thiện đề án chuyển đổi vàng “phi” SJC sang vàng SJC theo tinh thần không làm người dân thiệt thòi, nhưng diễn biến trên thị trường gần đây cho thấy người dân vẫn có tâm lý không muốn giữ vàng “phi” SJC. Cũng chính từ đây nảy sinh hiện tượng bắt ép khách hàng với những luận giải chẳng giống ai là “vàng cong vênh, méo mó” nên mất giá của nhiều chủ tiệm kinh doanh vàng.

Anh Hoàng ở quận Tân Phú cho biết, mới đây anh mang vàng miếng hiệu SBJ ra bán ở một tiệm vàng đường Nguyễn Hồng Đào, quận Tân Bình, chủ tiệm chỉ mua vào với giá 40,8 triệu đồng/lạng, thấp hơn gần 2 triệu đồng so với giá vàng SJC cùng thời điểm. Nếu mang ra ngân hàng bán thì phần lớn họ chỉ mua vàng SJC hoặc SBJ. Nhưng dù là gì thì cũng không có chuyện mua theo đúng giá vàng SJC trên thị trường.

Thực tế, tình trạng vàng “phi” SJC bị ép giá không mới và đã xảy ra từ nhiều tháng qua từ khi có thông tin SJC trở thành vàng thương hiệu quốc gia, dù NHNN khẳng định các thương hiệu vàng miếng được bảo đảm quyền lợi ngang nhau. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế, nhiều tiệm vàng trên địa bàn TPHCM đã từ chối mua vàng “phi” SJC hoặc mua giá thấp hơn, với lý do vàng làm nguyên liệu sản xuất nữ trang.

Một số doanh nghiệp (DN) vàng lớn cũng hạ giá vàng của thương hiệu mình thấp hơn vàng SJC. Đến nay, vàng miếng Rồng Thăng Long, AAA… vẫn thấp hơn vàng SJC khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng. Nếu người dân bán vàng miếng các loại để đổi sang SJC sẽ bị thiệt trên 1 triệu đồng/lượng. Với việc hạ giá này, các DN đang gom vàng miếng các loại giá thấp sẽ thu được lợi nhuận khá lớn từ chênh lệch khi chuyển sang vàng SJC. Ngay cả những người giữ vàng miếng SJC cũng đang có những vấn đề riêng. Không thể kiếm lời từ thị trường vàng miếng, nhiều ngân hàng nhanh tay hạ lãi suất huy động vàng, thậm chí là không huy động vàng, giữ hộ vàng thì có tính phí.

Bên cạnh đó, đi kèm với quyết định vàng SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia là việc nhiều DN sở hữu thương hiệu vàng miếng riêng không giữ được thương hiệu của mình. Đây đã trở thành vấn đề nóng hổi, gây nhiều tranh cãi trong suốt thời gian qua. Chọn SJC, điều đó đồng nghĩa với việc các thương hiệu vàng miếng của nhiều công ty lớn như vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, vàng Phượng hoàng PNJ-DAB của Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Ngân hàng Đông Á (DAB), vàng ACB của Ngân hàng Á Châu, vàng Thần tài Sacombank-SBJ của Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín-SBJ sẽ không còn tồn tại. Đánh giá về thị trường vàng miếng, một chuyên gia vàng bạc tại SJC cũng thừa nhận “đã hết thời”. Bởi vì sau khi NHNN lấy thương hiệu vàng miếng SJC, người mua vẫn có quyền mua, nhưng giá sẽ do NHNN quy định và công bố mỗi ngày. Còn muốn bán, không phải đi đâu cũng bán được vàng miếng.

Lối thoát của doanh nghiệp

Chuyển sang vàng nữ trang đang là “lối thoát” duy nhất cho các DN kinh doanh vàng sau “thời vàng son” của vàng miếng. Tuy nhiên, con đường này cũng không dễ. Anh Nguyễn Hùng, chủ một tiệm vàng lớn tại chợ Bến Thành, TPHCM cho biết, hoạt động chủ yếu của tiệm hiện này là bán nữ trang, còn thu nhập từ vàng miếng chỉ đóng góp 5% trong tổng doanh thu. Nhưng với tình hình hiện nay, nữ trang cũng ế ẩm hơn lúc trước nhiều. Ông chủ tiệm vàng này đã phải thay đổi địa điểm cửa hàng, lấy mặt bằng cho thuê lại vì thu nhập này còn nhiều hơn là kinh doanh vàng. “Hoạt động mang lại nguồn thu cho cửa hàng là bán vàng miếng coi như đã chấm dứt từ cuối năm ngoái đến nay, khiến cửa hàng lâm vào tình trạng khó khăn. Chỉ bán nữ trang thôi thì không đủ để có lời”, ông chủ tiệm vàng trên nói.

Vàng đã hết thời "vàng son"? - 1

Thời “vàng son” của kinh doanh vàng miếng đã qua

Chị Trang, tiệm vàng trên đường Nguyễn Hồng Đào, quận Tân Bình cho biết, đã nhiều năm kinh doanh vàng miếng, nhưng nay việc kinh doanh của cửa hàng chịu ảnh hưởng ngay sau khi bản dự thảo trên được công bố. Người dân giảm hẳn hoạt động mua bán vàng, và đến nay thì hoạt động của cửa hàng chị chỉ ở mức độ cầm chừng. “Trước đây bán cả vàng miếng, vàng nữ trang, hai cái bù qua sớt lại cho nhau, nhưng mấy tháng nay vàng miếng ế quá, giờ phải chú trọng vào nữ trang để tìm lối thoát…. Tuy nhiên, hiện giờ tôi cũng đang tính toán xem có nên tiếp tục kinh doanh vàng miếng trong thời gian chờ chuyển đổi (6 tháng) hay chuyển sang lĩnh vực khác”.

Ngay cả với SJC, từ tháng 4 đến nay, tình hình mua bán vàng miếng cũng hết sức ảm đạm, sức mua đã giảm khoảng 50% so với trước. SJC đã dọn đường sẵn cho việc chuyển hướng sang kinh doanh nữ trang, coi đây là khâu kinh doanh then chốt. Ngoài mở rộng thị phần nữ trang trong nước, SJC cũng đang tìm hướng xuất ngoại cho các sản phẩm của mình sang Thái Lan, Campuchia và một số nước trong khu vực. Nhưng theo như nhận xét của một vị lãnh đạo của SJC, thị trường mới không phải dễ dàng chinh phục. Bên cạnh đó, trong những tháng gần đây, việc buôn bán nữ trang cũng chậm, nếu không muốn nói là yếu, mãi lực không bằng mọi năm.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc - đá quý Phú Nhuận (PNJ) thì cho biết, thời gian qua, PNJ đã mua vào một lượng lớn vàng PNJ và tăng bán ra SJC để phục vụ nhu cầu người dân. Hệ quả là, đến nay, PNJ bị ứ đọng một khối lượng khá lớn vàng miếng. Trong khi đó, dây chuyền máy móc dập vàng miếng, đã niêm phong từ tháng 10.2011, vẫn chưa khai thác được vào sản xuất trang sức do tính chất đặc thù của thiết bị.

Về đề án huy động vàng

Theo thống kê thì VN nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu người dân có thói quen giữ vàng, và theo tính toán sơ bộ, lượng vàng SJC nằm trong dân hiện đang có từ 400- 500 tấn. Nguồn lực đó rõ ràng là rất lớn. Hiện nay, NHNN đang xây dựng Đề án huy động vàng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tỏ ra khá lo lắng về đề án này, nhất là qua hệ thống ngân hàng trong bối cảnh tràn đầy “rủi ro” đạo đức hiện nay. Trước hết, khối lượng vàng đó có thể tương đương với khoảng 50-60 tỉ USD, tức là bằng một nửa GDP VN.

Nếu huy động được khối lượng vàng giá trị khổng lồ ấy, các nhà quản lý đã suy nghĩ đến việc làm thế nào để phát huy được giá trị nguồn lực này giúp tăng trưởng kinh tế. Và quan trọng là làm thế nào để bảo đảm an toàn cho khối lượng tài sản khổng lồ ấy. Câu hỏi lớn nhất cho phía cơ quan quản lý là huy động được rồi thì có bán đi để tạo vốn cho nền kinh tế? Nếu bán thì trường hợp giá vàng tăng cao lấy đâu bù lỗ? Nguồn nào sẽ trả lãi suất cho số vàng này? Bởi vì không ai dám đưa ra một dự báo chính xác về giá vàng hiện nay, có thể là rất lâu nhưng cũng có thể chỉ là một đêm sau một biến động nào đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Miêu (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN