Vàng: Cuộc chơi mới chỉ bắt đầu?

"Cáo buộc" NHNN về việc vàng phi SJC bị "hắt hủi" là không công bằng. Nhưng nói NHNN là cơ quan chịu trách nhiệm về tất cả sự lộn xộn của thị trường này cũng không oan.

Giá vàng thế giới loanh quanh ở mốc 1.600 USD/ounce đến 1.620 USD/ounce đã khiến giá vàng trong nước cũng chỉ xoay quanh mức 42 triệu đồng/lượng trong suốt tháng qua. Song điều đáng nói lúc này không phải giá vàng ở mức nào, cách giá vàng thế giới bao nhiêu mà là phải ứng xử thế nào với vàng.

Giá nào cho sự chờ đợi

Kể từ ngày 25/5/2012 - ngày Nghị định Quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, thị trường không ghi nhận thay đổi đáng kể nào. Phải chăng NHNN đã "hết vở"? Điều này khiến có kẻ đã sử dụng mánh cũ là tung tin đồn để "khuấy" thị trường lên. Chiều muộn ngày 3/7, hàng trăm người dân đứng xếp hàng chờ để được bán vàng lại cho tiệm vàng Kim Sơn (ấp Tân Mỹ, xã Thái Hoà, huyện Tân Uyên, Bình Dương) vì có nhiều tin đồn cho rằng, cửa hàng này bán vàng giả. Chỉ trong một ngày, cửa hàng này đã phải bỏ ra 2 tỷ đồng để thu mua vàng.

Để chặn những tin đồn tương tự, ngày 4/7/2012, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã phải lên mặt báo khẳng định: SJC được chọn là thương hiệu vàng quốc gia. NHNN sẽ tiến hành cho phép gia công lại các loại vàng miếng SJC không đủ tiêu chuẩn để đảm bảo quyền lợi cho tổ chức và cá nhân. NHNN sẽ ban hành các quyết định này trong thời gian sớm nhất… Thực tế, tuyên bố của Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng không có gì mới, nhưng cần thiết để làm yên thị trường sau tin đồn thất thiệt nói trên. Nói không có gì mới, vì điều người kinh doanh nắm giữ vàng miếng đang mong đợi là thời điểm chính thức chuyển SJC thành SBV- thương hiệu vàng miếng quốc gia duy nhất, như Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố (từ kỳ họp Quốc hội tháng 11/2011) thì vẫn chưa được ấn định. Theo như những gì Thống đốc đã thể hiện từ khi nhậm chức là "nói đi đôi với làm", người kinh doanh nắm giữ vàng miếng đã có nhiều thời gian để chuẩn bị tinh thần cho vàng thương hiệu SBV. Vì thế, khó có thể "cáo buộc" NHNN có lỗi trong việc các thương hiệu vàng miếng không phải SJC bị định giá thấp hơn hay việc SJC dừng sản xuất vàng miếng, hạn chế luôn cả việc thu mua vàng cong vênh.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, tại sao đến giờ NHNN vẫn chưa dứt khoát trong việc cho ra đời vàng miếng SBV? Với hơn 80% thị phần, việc chuyển từ SJC sang SBV về mặt cơ học là không khó, không tốn nhiều chi phí (thu hồi, dập lại SJC thành SBV). Cái khó ở đây là giải quyết vấn đề của 7 thương hiệu vàng khác như: AAA (Agribank), Phượng Hoàng (DongA Bank và PNJ), SBJ (Sacombak), ACB (Ngân hàng Á Châu), PNJ, Bảo tín Minh Châu như thế nào? Khi Thống đốc tuyên bố chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng miếng đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch này, nhưng có lẽ họ đã phải chờ đợi quá lâu. Chừng đó thương hiệu vàng miếng, với máy móc thiết bị, nhân công và với khoảng 300 đến 500 tấn vàng trong dân… đã, đang phải chờ đợi quyết định này từ NHNN. Mỗi ngày qua đi sẽ là sự lãng phí nguồn lực, làm nhân lên sự bất ổn của thị trường và nguy hiểm hơn là sự xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ quan quản lý.

Sự chờ đợi của doanh nghiệp, người dân có được đền đáp xứng đáng hay là sự trả giá (dù họ không có lỗi) thì chưa biết. Nhưng vấn đề thứ hai đặt ra là khi vàng SBV chính thức ra đời thì vàng là gì - một loại hàng hóa hay tiền tệ (phương tiện thanh toán)?

Vàng: Cuộc chơi mới chỉ bắt đầu? - 1

Tại sao đến giờ NHNN vẫn chưa dứt khoát trong việc cho ra đời vàng miếng SBV?

Nên tạo đất diễn cho vàng

Những năm gần đây, vàng thế giới có chu kỳ tăng giá vào tháng 7 hàng năm. Và dù thời kỳ bản vị vàng đã chấm dứt từ lâu, nhưng vàng vẫn được coi là vịnh tránh bão của cả thế giới khi có biến động, đặc biệt khi lạm phát có nguy cơ bùng phát. Xét trên điều kiện thị trường thế giới hiện nay, sự bất ổn về kinh tế ở châu Âu đang hiện hữu và chưa có hồi kết. Những hành động khiêu khích trên biển Đông của Trung Quốc cũng là mối lo ngại lớn về sự bất ổn trong khu vực… Và mới đây, quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của 3 ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới (Trung Quốc, khối eurozone và Anh) đang được coi là cảnh báo rõ nét nhất bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, vẫn còn những lý do để vàng được ưa chuộng về phương diện là tài sản tích trữ, "tiền" trong thanh toán, chưa kể thói quen dùng vàng làm đồ trang sức ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, năm 2010, khi giá vàng nhảy vọt lên mức trên 40 triệu đồng/lượng, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đã rất băn khoăn với vấn đề làm thế nào để huy động được vàng trong dân - nguồn lực tài chính lớn đang bị cất trong két, thậm chí trong hũ, trong vách tường? Và giờ, nền kinh tế đang chững lại, chi tiêu toàn xã hội giảm… Nếu người dân tiếp tục mua vàng, cất vào két thì tình trạng nền kinh tế đình đốn sẽ càng nặng nề hơn.

Thông tư số 11/2011/TT-NHNN yêu cầu, kể từ ngày 1/5/2011, tổ chức tín dụng chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng. Thế nhưng, sau đó các tổ chức tín dụng thi nhau triển khai dịch vụ "giữ hộ vàng". Người gửi vàng không mất phí mà còn được hưởng lãi đến hơn 4%/năm. NHNN đành lùi một bước là gia hạn việc huy động và cho vay bằng vàng đến hết ngày 25/11/2012. Nhưng hiện một số NHTM đã bắt đầu thu phí giữ hộ vàng. Từ tháng 7/2012, Ngân hàng Đông Á đã ngừng huy động vàng và thu phí 0,05% số vàng dân gửi. Còn từ ngày 5/7/2012, Ngân hàng Á Châu thông báo tạm ngưng phát hành chứng chỉ huy động vàng có kỳ hạn. Những khoản đến hạn sau ngày 4/7/2012 nhưng khách hàng không đến rút, ACB sẽ chuyển sang giữ hộ vàng và không trả lãi… Như vậy, các tổ chức tín dụng đã có cách ứng xử mới đối với vàng. Thế nhưng, với hàng chục triệu người dân đang nắm giữ vàng thì sao?

Nghị định về quản lý và kinh doanh vàng đã có. Sẽ là quá muộn nếu NHNN vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn cho thị trường vàng. Hãy tạo cơ hội để vàng là một loại hàng hóa cho người dân đầu tư, kinh doanh. Nếu vàng không có đất diễn thì một nguồn lực tài chính lớn vẫn sẽ bị bỏ phí.

Sàn vàng bị xóa bỏ năm 2010 là quyết định của nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu. Giờ sẽ là khó khăn khi đương kim Thống đốc Nguyễn Văn Bình quyết định cho mở cửa trở lại. Nhưng vì lợi ích chung, và nếu tự tin về khả năng quản lý của mình, Thống đốc Bình hoàn toàn có thể cho phép ra đời một sàn giao dịch vàng, như sàn giao dịch chứng khoán - nơi nhà đầu tư có thể kinh doanh, tăng luân chuyển của dòng tiền, tăng tiềm lực tài chính của nền kinh tế… Nếu như vậy, cuộc chơi với vàng mới chỉ là bắt đầu!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Thanh (Doanh nhân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN