Hoa Sen "lao dốc", vợ cũ đại gia Lê Phước Vũ vẫn chi cả chục tỷ để tăng sở hữu

Bà Hoàng Thị Xuân Hương và công ty của mình đã từng thoái toàn bộ vốn tại Hoa Sen vào giữa năm 2018.

Bà Hoàng Thị Xuân Hương mới đây đã công bố thông tin về việc đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen. Thời gian giao dịch từ 28/9 đến 26/10 bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Tính theo giá thị trường hiện tại, ước tính bà Hương sẽ phải chi ra khoảng 20 tỷ đồng để mua đủ số cổ phần này. Nếu giao dịch thành công, bà Hương sẽ tăng sở hữu lên 6,5 triệu cổ phiếu HSG, tương đương tỷ lệ 1,69% vốn điều lệ của Hoa Sen.

Ngay trước đó trong thời gian từ 16/8 đến 13/9, bà Hương cũng đã hoàn tất mua 5 triệu cổ phiếu của Hoa Sen. Với giá thị trường của HSG trong khoảng thời gian này dao động quanh mức trên dưới 10.500 đồng/cổ phiếu, bà Hương đã chi ra khoảng 52,5 tỷ đồng cho lô cổ phiếu này.

Hoa Sen "lao dốc", vợ cũ đại gia Lê Phước Vũ vẫn chi cả chục tỷ để tăng sở hữu - 1

Sau khi cho công ty riêng thoái sạch vốn vào giữa năm nay, bà Xuân Hương đã tự mình gom thêm hàng triệu cổ phiếu HSG. Ảnh: HSG.

Bà Hương chính là em gái của ông Hoàng Đức Huy, Phó Tổng giám đốc Hoa Sen và từng là vợ của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT của Hoa Sen.

Đáng chú ý, vào cuối năm 2015, bà Hoàng Thị Xuân Hương đã hoàn tất bán toàn bộ 4,5 triệu cổ phiếu HSG. Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm do bà Hoàng Thị Xuân Hương làm đại diện pháp luật cũng đã bán toàn bộ 24,2 triệu cổ phiếu HSG vào tháng 4 và tháng 5 năm 2018.

Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Hoa Sen cũng mới đưa ra thông tin về vụ cháy ở Trung tâm thương mại, khách sạn Hoa Sen Yên Bái do công ty con của Hoa Sen làm chủ đầu tư. Vụ việc này không gây thiệt hại về người và vật chất cho Hoa Sen, nhưng ước tính gây thiệt hại cho đơn vị thi công khoảng 200 triệu đồng.

Về tình hình kinh doanh của Hoa Sen trong nửa đầu 2018 cũng không mấy sáng sủa. Trong niên độ tài chính quý III/2018, mặc dù doanh thu vẫn tăng khá, nhưng lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen đã rơi xuống mức thấp nhất cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây, chỉ còn 83 tỷ đồng.

Thêm vào đó, Hoa Sen đã tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng nợ vay so với đầu niên độ, riêng nợ ngắn hạn tăng tới 3.400 tỷ đồng. Tổng số nợ vay ngân hàng của tập đoàn này tăng nhanh lên 15.880 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bản Việt, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Hoa Sen lao dốc. Trong giai đoạn 2016-2018, mặc dù Hoa Sen tăng sản lượng sản xuất nhưng công suất của Nam Kim cũng tăng vọt. Ví dụ như, Nam Kim là tăng 800 nghìn tấn, tương đương tăng khoảng 190%. Bên cạnh đó, thị trường còn xuất hiện đối thủ mới, là Hòa Phát với sản lượng 400 nghìn tấn vào đầu năm 2018.

Chứng khoán Bản Việt đánh giá rằng đây vốn là ngành đã có tính nhạy cảm cao với biến động và chính sách bảo hộ thương mại toàn cầu, nên cho dù nhu cầu sản phẩm cả trong nước và quốc tế vẫn được duy trì lành mạnh, thì sản lượng và giá bán của các công ty trong ngành vẫn sẽ chịu áp lực lớn, do môi trường xuất khẩu đầy thách thức và tình hình trong nước cạnh tranh gay gắt. Thêm vào đó, chi phí đầu vào cao cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận Hoa Sen giảm sâu.

Chứng khoán Bản Việt cho rằng, Hoa Sen đang gặp nhiều thách thức để cải thiện khả năng sinh lời do áp lực vốn lưu động, dòng tiền hoạt động âm và tỷ lệ đòn bẩy cao đến từ tăng trưởng công suất lớn của Hoa Sen. Điểm sáng duy nhất là việc Hoa Sen đã hoàn thành chu kỳ vốn xây dựng cơ bản và đang chủ động tích cực cắt giảm chi phí nhằm hạn chế đà giảm lợi nhuận.

Ngập trong nợ nần, đại gia Lê Phước Vũ vẫn bị vận đen đeo bám

Không chỉ ngập ngụa trong nợ nần, lợi nhuận sụt giảm, đại gia Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, còn bị "sao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN