Dự án BT đang mất dần sức hút với các nhà đầu tư?

Sự kiện: Kinh Doanh

Nếu như trước kia những dự án BT được nhiều nhà đầu tư quan tâm thì gần đây hình thức này đã giảm "sức hút" do phải đối mặt với nhiều rủi ro về tính thanh khoản và tỷ suất lợi nhuận không được như mong muốn.

Một trong những lý do quan trọng khiến sức hút của những dự án này giảm nhiệt là quỹ đất đối ứng của thành phố đang là vấn đề đáng lo ngại khi chủ yếu nằm ở các quận ngoại thành hoặc vùng xa trung tâm. Ở giai đoạn giá bất động sản đang bão hòa, sức mua giảm nhiệt, giá thành bất động sản giảm có thể là rủi ro khi nhà đầu tư sẽ phải chịu một gánh nặng trong việc chi trả lãi vay. Thậm chí, nếu không có sự tính toán và chuẩn bị hợp lý, những dự án này có thể mang đến cho nhà đầu tư những khoản lỗ nặng nề.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy trình thẩm định hồ sơ và phê duyệt các dự án rất chặt chẽ nên thường mất nhiều thời gian chuẩn bị, thậm chí kéo dài nhiều năm. Mặt khác, thời gian từ lúc phê duyệt đến khi phải hoàn thành dự án lại ngắn, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư phải có nguồn vốn lớn. Điều này không phải chủ đầu tư nào cũng đủ tiềm lực tài chính để thực hiện dự án. 

Dự án BT đang mất dần sức hút với các nhà đầu tư? - 1

Đối với các dự án BT, việc giao quỹ đất đối ứng cần phải đảm bảo nguyên tắc cân bằng giữa giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Ngoài ra, quá trình thẩm định xác định con số tổng mức đầu tư của dự án và việc tìm kiếm quỹ đất đối ứng phù hợp đều được thanh kiểm tra hết sức ngặt nghèo và có sự giám sát của các cơ quan chức năng liên quan. 

Trước văn bản của Bộ Tài chính yêu cầu xem xét việc đổi quỹ đất đối ứng cho các dự án BT, hiện rất nhiều dự án đang bị "bỏ ngỏ" chờ văn bản thi hành mới. Trong khi đó, việc thực hiện các dự án BT luôn cấp thiết bởi quy hoạch giao thông sẽ giải quyết vấn nạn tắc đường và giải phóng áp lực cho nhiều tuyến đường vốn đã quá tải với mật độ lưu thông dày đặc.

Quan sát các tuyến đường vào giờ cao điểm, có thể thấy lưu lượng người tham gia giao thông vô cùng lớn vào các khung giờ tan tầm, việc đi lại đã và đang trở thành áp lực với người dân. Một số tuyến đường trở thành "điểm nóng" như Nguyễn Trãi-Thanh Xuân, Trần Phú-Hà Đông, Lê Văn Lương-Tố Hữu. Bên cạnh đó, bất động sản khu Tây và khu Nam Hà Nội phát triển dẫn đến nhu cầu về nhà ở cao, mật độ dân số gia tăng chóng mặt.

Giải quyết "bài toán" này, UBND thành phố đã phê duyệt dự án đường vành đai 3, vành đai 2.5.

Theo bản đồ quy hoạch thành phố tính đến năm 2020, trong những năm tới, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục mở rộng các tuyến giao thông đường bộ khu vực phía Nam, áp lực giao thông được kỳ vọng sẽ giảm bớt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Dung ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN