Doanh nghiệp Trung Quốc "thò tay" thâu tóm các ông lớn bán lẻ trực tuyến VN

Sự kiện: Kinh Doanh

3 tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc là Alibaba, JD và Tencent đều đã có sự hiện diện tại thị trường Việt Nam qua hình thức M&A.

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, số người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam chiếm 84% trên tổng dân số 96 triệu người, cùng với tỷ lệ phổ cập internet trên 50%. Đây là “miếng bánh” béo bở cho các doanh nghiệp bán lẻ cả trong và ngoài nước.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng trưởng kép (CAGR) lên tới 33% trong giai đoạn 2017-2022. Hiện tại các nhà bán lẻ nội địa như Thế giới di động (MWG) hay FPT Shop vẫn có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường bán lẻ trực tuyến nhờ tính đồng nhất cao của các dòng sản phẩm điện tử cũng như mạng lưới phân phối rộng rãi khắp cả nước.

Doanh nghiệp Trung Quốc "thò tay" thâu tóm các ông lớn bán lẻ trực tuyến VN - 1

Tuy nhiên các doanh nghiệp ngoại, đặc biệt là những nhà đầu tư tới từ Trung Quốc đang đe dọa thị phần của hai “ông lớn” bán lẻ trực tuyến trong nước.

Hiện Lazada, Tiki, và Shopee là những doanh nghiệp bán lẻ đã “bán mình” cho các ông chủ Trung Quốc. Cụ thể, Lazada do Alibaba sở hữu 83%, Tiki do tập đoàn JD sở hữu 22%, và Shopee do Tencent nắm 40%.

Như vậy, 3 tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc là Alibaba, JD và Tencent đều đã có sự hiện diện tại thị trường Việt Nam qua hình thức M&A.

Bằng cách này các nhà đầu tư Trung Quốc đã nhanh chóng củng cố vị thế tại Việt Nam mà không cần trải qua bước xây dựng thương hiệu.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam còn khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2% tổng doanh thu bán lẻ năm 2017.

Người tiêu dùng vẫn thận trọng khi mua hàng qua mạng do những e ngại về chất lượng sản phẩm và dịch vụ sau mua hàng. Do đó các mặt hàng quần áo, giày dép và dụng cụ gia đình giá trị thấp vẫn chiếm đa số trong cơ cấu hàng mua qua mạng.

Ngoài ra, một trong những rào cản của thương mại điện tử Việt Nam là hệ thống thanh toán chưa được thuận lợi. Theo thống kê, 90% giao dịch thanh toán tại Việt Nam vẫn đang sử dụng tiền mặt, kể cả việc thanh toán những đơn hàng online cũng chủ yếu bằng hình thức COD (Cash on Delivery).

Doanh nghiệp Trung Quốc "thò tay" thâu tóm các ông lớn bán lẻ trực tuyến VN - 2

Về mặt này, các công ty Trung Quốc lại cho thấy sự nhanh nhạy qua việc Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent được đưa vào Việt Nam để phục vụ khách du lịch Trung Quốc thanh toán bằng công nghệ QR code.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng hình thức thanh toán điện tử sẽ cần thêm nhiều thời gian để có thể trở nên phổ biến tại Việt Nam.

Về chiến lược cạnh tranh, các doanh nghiệp nội như MWG và FPT Shop đang tìm cách gia tăng thị phần bán hàng online bằng cải thiện chất lượng dịch vụ giao hàng, lắp đặt và bảo hành nhờ lợi thế hệ thống cửa hàng vật lý có độ phủ cao.

Trong khi đó Lazada, Tiki và Shopee nhờ hậu thuẫn lớn về vốn từ nhà đầu tư ngoại, đã chọn cạnh tranh về giá bán cũng như đầu tư lớn cho marketing.

Tổng kết lại, “miếng bánh” thương mại điện tử Việt Nam tuy rất “ngon” nhưng không hề dễ ăn, mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt cùng với độ trưởng thành của thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiền Anh (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN