Doanh nghiệp khó khăn đi đòi lại nhãn hiệu

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã xuất hiện dấu hiệu bị vi phạm sở hữu trí tuệ, nhưng lại chưa thể đòi lại được nhãn hiệu, khiến bị mất thị trường và doanh thu.

Năm 2006, Công ty TNHH gạch men Hoàng Gia đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa gạch men ốp lát với tên "ROYAL". Thế nhưng cách đây 2 năm, trên thị trường bỗng dưng xuất hiện thêm loại gạch men ốp lát cũng mang nhãn hiệu "ROYAL" do công ty ROYAl Việt Nam sản xuất tại tỉnh Hưng Yên.

Ngay sau đó, sản phẩm gạch này đã được Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận là yếu tố xâm phạm nhãn hiệu ROYAL của Công ty Hoàng Gia. Thậm chí, Phân viện khoa học hình sự TP.HCM đã giám định đây là sản phẩm giả mạo.

Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, sản phẩm giả, xâm phạm nhãn hiệu này vẫn ngang nhiên lưu hành trên thị trường. Khảo sát tại thị trấn Đông Anh, Hà Nội, nhiều cửa hàng gạch vẫn bày bán công khai loại gạch giả này, với giá chỉ bằng một nửa so với hàng thật.

Công ty TNHH gạch men Hoàng Gia đã gửi đơn kiến nghị tới Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Cảnh sát kinh tế, thậm chí có văn bản gửi tới công ty ROYAl Việt Nam, yêu cầu doanh nghiệp này chấm dứt việc xâm phạm nhãn hiệu, nhưng không mang lại kết quả.

Tương tự, năm 2003, Công ty Du lịch Hành Trình Việt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu "Hành Trình Việt". Thế nhưng, hiện nay có tới 40 doanh nghiệp khác cũng mang tên này cùng trong lĩnh vực du lịch. Thậm chí, khi công ty kiến nghị tới Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, Sở này lại cho rằng không có chuyện trùng nhãn hiệu gây nhầm lẫn.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, 2 trường hợp doanh nghiệp trên đều xuất hiện dấu hiệu bị vi phạm sở hữu trí tuệ, nhưng lại chưa thể đòi lại được nhãn hiệu. Ngoài nguyên nhân từ việc không nhận được sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng, một phần là do doanh nghiệp chưa biết sử dụng hết quyền năng mà pháp luật đã trao cho doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VTV
Bản tin tài chính kinh doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN