Đại gia tuần qua: Mẹ ruột Cường Đô la liên tiếp dính "ma trận nghìn tỷ"

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai đã phải lên tiếng thừa nhận sai sót giữa bão thông tin về việc công ty giấu nhiều giao dịch nghìn tỷ.

Quốc Cường Gia Lai thừa nhận "giấu" 14 giao dịch chuyển nhượng trị giá 3.200 tỷ

Đại gia tuần qua: Mẹ ruột Cường Đô la liên tiếp dính "ma trận nghìn tỷ" - 1

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai lên tiếng giữa tâm bão.

Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) giải trình về việc không công bố thông tin về "những giao dịch bất thường".

Theo đó, từ tháng 1/2013 đến cuối tháng 8/2017, công ty có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng vốn với tổng giá trị xấp xỉ 3.280 tỷ đồng nhưng không thông báo đến Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM và nhà đầu tư.

Trong số này có không ít vụ chuyển nhượng lớn như chuyển nhượng 94% vốn Công ty TNHH Phú Việt Tín cho Công ty cổ phần Bất động sản Thịnh Vượng và Công ty cổ phần Biệt thự Thành phố với tổng giá trị gần 800 tỷ đồng. Hay, vụ chuyển nhượng 70% vốn Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phú cho Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phú Land với giá 588 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho biết, do công ty liên tục có sự thay đổi nhân sự thư ký quản trị doanh nghiệp nên quá trình cập nhật các quy định quản trị còn hạn chế, hiểu chưa đúng về nội dung và thời hạn công bố thông tin.

Bà thừa nhận công ty đã thiếu sót khi không công bố thông tin kịp thời, chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch tại báo cáo tài chính

Trước đó, bà Loan cũng đã phải lên tiếng về khoản nợ mà nhiều người vẫn gọi là “ma trận khối nghìn tỷ” tại Quốc Cường Gia Lai. Bà khẳng định, mục tiêu cuối cùng của QCGL là để đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận, mang đến kết quả tốt nhất cho công ty và cổ đông.

CEO Bùi Xuân Huy bạo tay chi 2.300 tỷ đồng mua vào cổ phiếu Novaland

Ông Bùi Xuân Huy – Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) đã hoàn tất việc mua vào hơn 36 triệu cổ phiếu NVL. Thời gian giao dịch được diễn ra từ ngày 7/12/2018 đến ngày 24/12/2018.

Trong khoảng thời gian giao dịch trên, cổ phiếu NVL dao động quanh mức 65.000-68.500 đồng/cp. Như vậy, tổng số tiền chi ra cho 36 triệu cổ phiếu nói trên vào khoảng 2.356 tỷ đồng.

Sau giao dịch ông Huy nâng lượng sở hữu cổ phiếu NVL từ 88.862 cổ phiếu lên gần 36,19 triệu cổ phiếu tương ứng 3,957% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.

Trước đó, thông tin đáng lưu ý liên quan tới Novaland là công ty này đã thông qua góp thêm vốn vào Công ty TNHH No Va Thảo Điền với giá trị 1.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất việc góp vốn nêu trên, NVL sẽ sở hữu gần 2.103 tỷ đồng, tương đương chiếm 99,989% vốn điều lệ của No Va Thảo Điền.

Lũy kế 9 tháng của năm, doanh thu thuần của Novaland đạt hơn 6.773 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1.412 tỉ đồng, tăng tương ứng 18% và 5% so với cùng kì.

Đại gia tuần qua: Mẹ ruột Cường Đô la liên tiếp dính "ma trận nghìn tỷ" - 2

Ông Bùi Xuân Huy – Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đã hoàn tất mua vào hơn 36 triệu cổ phiếu NVL.

Ông lớn ô tô lao đao vì nghi án sếp bỏ trốn ra nước ngoài

Tuần qua, thị trường bất ngờ rộ lên thông tin ông Ngô Văn Tuyển, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) tự ý ra nước ngoài khi chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng.

Theo công văn: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xem xét giải quyết việc xin nghỉ phép đi nước ngoài của ông Ngô Văn Tuyển. Trong thời gian Vụ Tổ chức cán bộ đang xin ý kiến tham gia của các đơn vị thuộc Bộ thì được biết ông Ngô Văn Tuyển đã đi nước ngoài từ 11/12 trong khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ.

Bộ Công Thương qua đó yêu cầu VEAM báo cáo giải trình cụ thể về việc đi nước ngoài của ông Ngô Văn Tuyển.

Lên tiếng sau đó, phía VEAM khẳng định: "Việc ông Tuyển đi Singapore để khám và điều trị bệnh tim là đúng sự thật". Tuy nhiên, những tin đồn về nghi án bỏ trốn ra nước ngoài của ông Ngô Văn Tuyển hoàn toàn là bịa đặt.

Theo đó, ông Tuyển đã sang Singapore chữa bệnh gấp vì tình trạng nguy cấp. Ông Tuyển cho biết ông sang Singapore chữa bệnh ngày 10/12 và đã trở về nước từ tuần trước và làm việc bình thường, dẫu bệnh tình vẫn chưa thực sự khỏi.

Bamboo Airways "delay" chuyến bay đầu tiên đến tháng 1/2019

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) sẽ cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 1 năm sau thay vì 27/12/2018 như tuyên bố trước đó.

Cụ thể, ông Đặng Tất Thắng – Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết kế hoạch khai thác thương mại bằng máy bay A321 NEO dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 1-2019 nhằm chuẩn hóa mọi công tác khai thác và phục vụ hành khách.

Theo ông, hiện Bamboo Airways đang trải qua quá trình thẩm định chặt chẽ từ phía các nhà chức trách liên quan đến các công đoạn cuối cùng trước khi cất cánh.

Trước đó, hồi giữa tháng 12, đại diện Bamboo Airways đã xác nhận việc máy bay đầu tiên của đơn vị này đã về đến sân bay Nội Bài và sẽ khởi hành chuyến bay đầu tiên được dự kiến vào ngày 27-12.

Bamboo Airways hiện là hãng bay thứ 5 tại Việt Nam có giấy phép bay vận chuyển hành khách, bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.

Đại gia tuần qua: Mẹ ruột Cường Đô la liên tiếp dính "ma trận nghìn tỷ" - 3

 Bamboo Airways sẽ cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 1 năm sau thay vì 27/12/2018.

Bầu Đức lên tiếng vụ nợ thuế, bị phong tỏa tài khoản?

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) tuần qua đã có văn bản giải trình về việc tập đoàn bị phong tỏa tài khoản năm 2017.

Cụ thể, ngày 28/9/2017, HAG đã nhận được quyết định của Cục thuế Tỉnh Gia Lai về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp cưỡng chế trích tiền gửi tại các ngân hàng để nộp vào Ngân sách Nhà nước.

HAG bị cưỡng chế 55 tỷ đồng do nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày đã hết hạn nộp thuế

Tới 30/11/2018, tập đoàn đã nộp đầy đủ khoản tiền trên vào ngân sách nhà nước và đã nhận được quyết định của Cục thuế Gia Lai về việc ngừng phong toả tài khoản của công ty.

Tuy nhiên, phía HAG cho rằng, do sơ suất, công ty đã bỏ sót không công bố thông tin đúng theo quy định.

Trước đó, báo cáo 9 tháng cho thấy, tập đoàn này đạt doanh thu thuần 4.435 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của HAG đạt 478 tỷ, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

”Ém” 14 giao dịch giá trị ngàn tỷ, Quốc Cường Gia Lai bị nhà đầu tư “quay lưng”?

Nhà đầu tư có động thái bán mạnh cổ phiếu này trong thời gian gần đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN