Nóng trong tuần: Hé lộ về "chuyến bay mạo hiểm" của ông Trịnh Văn Quyết

Hãng máy bay thứ 5 của Việt Nam đã chính thức có chiếc máy bay đầu tiên và chuẩn bị cất cánh vào ngày 27/12. Giấc mơ bay của ông Trịnh Văn Quyết đã gần tới ngày thành hiện thực.

Máy bay Bamboo Airways đã về, chuẩn bị cất cánh tuần sau

Thông tin đáng chú ý tuần qua là đại diện Bamboo Airways xác nhận và cho biết máy bay đầu tiên của đơn vị này đã về đến sân bay Nội Bài.

Đây là chiếc Airbus A319 số hiệu 2568 mà Bamboo Airways thuê từ Công ty WWTAI AIROPCO II DAC với thời hạn 48 tháng.

Đại diện của phía Bamboo Airways cũng cho biết thêm, chuyến bay đầu tiên của hãng dự kiến sẽ cất cánh vào ngày 27/12 tới. Chuyến bay kỹ thuật này của hãng thực hiện để nhận chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (Aircraft Operator Certificate - AOC).

Như vậy ngày cất cánh này sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch trước đó được ông Trịnh Văn Quyết tiết lộ. Theo ông Quyết, các chặng bay đầu tiên của Bamboo Airways có thể là Hà Nội – Quy Nhơn, TP HCM  - Quy Nhơn, Hà Nội – TP HCM...

Ngoài chiếc A319 vừa tiếp nhận, phía Bamboo cho biết sẽ thuê của WWTAI AIROPCO II DAC một máy bay Airbus A320 và có thể về Việt Nam cuối tháng hoặc đầu tháng sau.

Bamboo Airways được Tập đoàn FLC thành lập giữa năm ngoái, với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Bamboo Airways hiện là hãng bay thứ 5 tại Việt Nam có giấy phép bay vận chuyển hành khách, bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.

Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết từng được báo chí nước ngoài đánh giá đang có những bước đi đầy rủi ro. Với việc đặt mua 20 máy bay Boeing dòng 787-9 Dreamliner với giá trị khổng lồ 5,6 tỷ USD trong khi chưa thử nghiệm, quyết định của ông Quyết bị cho là bất thường. 

Nóng trong tuần: Hé lộ về "chuyến bay mạo hiểm" của ông Trịnh Văn Quyết - 1

Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết từng được báo chí nước ngoài đánh giá đang có những bước đi đầy rủi ro.

Ô tô, xe máy có thể phải gánh thêm phí khí thải 

Tuần qua,  Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Đây chính là vấn đề được Hà Nội nêu lên trước đó. Trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định áp dụng mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện.

Hà Nội cũng đề xuất thu phí phương tiện xe cơ giới lưu thông tại một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe.

Trả lời trên báo chí sau đó, không ít ý kiến đã tỏ ra lo lắng bởi từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ chính thức tăng kịch trần. Khi sử dụng xăng dầu, người dân đã đóng thuế bảo vệ môi trường để xử lý khí thải đó bởi vậy việc thu thêm phụ thu với khí thải cần xem xét kỹ để tránh phí chồng phí,

Ngoài ra, xăng dầu hiện cũng phải chịu các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp. Thêm khoản phụ thu có thể tạo thêm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Chấm dứt hoàn toàn thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG

Nóng trong tuần: Hé lộ về "chuyến bay mạo hiểm" của ông Trịnh Văn Quyết - 2

 MobiFone đã thu lại toàn bộ số tiền liên quan đến dự án mua AVG, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 8.775 tỷ đồng.

Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán cổ phần của MobiFone tại AVG.

Hiện tại, MobiFone đã thu lại toàn bộ số tiền liên quan đến dự án, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 8.775 tỷ đồng.

Số tiền trên bao gồm tiền gốc mà MobiFone đã thanh toán cho việc mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.445 tỷ đồng và các chi phí khác.

MobiFone cũng đã trả lại 344.660.000 cổ phần cho các cổ đông của AVG.

Một trong những lý do hai bên đi đến quyết định huỷ hợp đồng là kể từ khi có yêu cầu thanh tra hợp đồng này, quá trình vận hành thương hiệu AVG phát sinh nhiều vấn đề gây tổn hại uy tín cho các bên liên quan. Theo cả hai bên, việc huỷ hợp đồng nhằm đảm bảo uy tín cho cả hai đơn vị.

Thương vụ trên được thực hiện từ cuối năm 2015 với giá gần 8.900 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ sau đó đã chỉ ra việc mua bán cổ phần này đã gây ra nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước.

Giá xăng giảm về mức thấp kỷ lục của gần 2 năm

Tuần qua, giá xăng dầu trong nước chính thức có đợt giảm thứ 5 liên tiếp.

Cụ thể, từ 15 giờ ngày 21/12, xăng E5 RON92 giảm 394 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 318 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 257 đồng/lít, trong khi dầu hỏa giảm 249 đồng/lít và dầu mazút 3.5S giảm 394 đồng/kg.

Xăng E5 RON92 sẽ có mức giá mới là 16.787 đồng/lít và xăng RON95-III là 18.141 đồng/lít. Như vậy, sau 5 lần giảm, giá mặt hàng này đã giảm tổng cộng hơn 4.000 đồng/lít.

Tương tự, hiện dầu diesel 0.05S có giá trần là 16.001 đồng/lít, dầu hỏa là 15.003 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 14.008 đồng/kg.

Đây là đợt điều chỉnh giá xăng dầu cuối cùng của năm 2018. Từ 1/1/2019, giá mặt hàng này sẽ chịu tác động lớn khi phải gánh mức thuế bảo vệ môi trường mới.

Theo đó, thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Dầu hỏa sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít, tăng 700 đồng so với hiện nay.

Nóng trong tuần: Hé lộ về "chuyến bay mạo hiểm" của ông Trịnh Văn Quyết - 3

Sau 5 lần giảm, giá xăng E5 Ron92  đã giảm tổng cộng hơn 4.000 đồng/lít.

Thực hư Agribank ép nhân viên mua trái phiếu

Một số nhân viên làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã gửi phản ánh tới các cơ quan báo chí cho rằng bị ép buộc mua trái phiếu.

Cụ thể, vừa qua Agribank phát hành 4.000 tỉ đồng trái phiếu ra công chúng và giao chỉ tiêu phát hành cụ thể về từng chi nhánh. Do vắng khách mua, một số chi nhánh đã bắt buộc nhân viên mua. Thậm chí, chi nhánh ngân hàng này cho biết, nếu nhân viên không có tiền thì ngân hàng sẽ cho vay để hoàn thành chỉ tiêu.

Nhiều người tại chi nhánh đã tỏ ra không hài lòng vì số tiền để mua trái phiếu không hề nhỏ.

Tuy nhiên, trao đổi sau đó, lãnh đạo Agribank khẳng định ngân hàng không có chủ trương ép nhân viên phải mua trái phiếu.

Ngân hàng chỉ giao chỉ tiêu về từng chi nhánh, sau đó lãnh đạo chi nhánh sẽ giao chỉ tiêu đến từng nhân viên để nhân viên vận động bà con, họ hàng, bạn bè mua. Ngoài ra, nếu nhân viên có khả năng thì có thể mua trái phiếu.

Theo lãnh đạo Agribank, sau khi nhận thông tin phản ánh trên, ngân hàng đã có công điện giải thích vấn đề này cho toàn hệ thống.

Nóng trong tuần: Tỷ phú Việt ăn chay, kín tiếng, gây sốc với siêu dự án ở Hà Nội

Vị đại gia đứng sau loạt dự án tâm linh nổi tiếng trước đó dự định bỏ ra số tiền lên tới 15.000 tỷ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN