Công ty Kim khí TP.HCM thu lợi từ các dự án nguồn gốc đất công như thế nào?

Ngoài việc chuyển nhượng khu đất hơn 9.000m2 ở quận 7 cho Tập đoàn Đất Xanh, Công ty cổ phần Kim khí TP.HCM còn liên quan đến hai thương vụ mua bán đất có nguồn gốc của nhà nước tại TP.HCM.

Những ngày qua, Công ty cổ phần Kim khí TP.HCM (mã chứng khoán: HMC) gây chú ý dư luận không vì kết quả kinh doanh mà từ lùm xùm thương vụ chuyển nhượng hơn 9.000m2 đất nguồn gốc đất công cho Công ty cổ phần dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (Tập đoàn Đất Xanh).

Vụ chuyển nhượng khu đất nói trên đang được Văn phòng UBND TP.HCM giao cho các cơ quan chức năng xem xét.

Chưa hết, HMC còn liên quan đến hai vụ chuyển nhượng đất được cho là có nguồn gốc đất công khác tại TP.HCM, trong đó có một dự án “đất vàng” bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi.

Đó là dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ và căn hộ cho thuê tại địa chỉ số 8 – 12 Lê Duẩn, quận 1. Dự án có diện tích gần 5.000m2 này ban đầu được giao cho Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM (Công ty quản lý nhà TP.HCM) quản lý, cho thuê.

Công ty cổ phần Kim khí TP.HCM là 1 trong 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương thuê khu đất trên để làm trụ sở. Năm 2010, để thực hiện dự án, UBND TP.HCM chấp thuận thành lập Công ty cổ phần đầu tư Lavenue, trong đó Công ty quản lý nhà TP.HCM góp 50% vốn, 50% còn lại chia đều cho 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương.  

Công ty Kim khí TP.HCM thu lợi từ các dự án nguồn gốc đất công như thế nào? - 1

Công ty cổ phần Kim Khí TP.HCM "bỏ túi" 50 tỷ đồng khi thoái vốn khỏi dự án "đất vàng" 8 - 12 Lê Duẩn.

Sau đó, trong khi Công ty quản lý nhà “nhả” 30% vốn góp của mình tại dự án trên cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm thì 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương đồng loạt chuyển nhượng phần vốn góp cho Công ty TNHH đầu tư Kinh Đô, nay là Công ty TNHH đầu tư Kido, để thu về 250 tỷ đồng.  

Như vậy, với 12,5 tỷ đồng vốn góp vào Công ty cổ phần đầu tư Lavenue để thực hiện dự án 8 – 12 Lê Duẩn, HMC đã thu về khoản lợi nhuận 50 tỷ đồng sau khi bán phần vốn góp này.  

Quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc giao và cho thuê đất tại dự án 8 – 12 Lê Duẩn. Cơ quan này khẳng định, việc UBND TP.HCM giao, cho thuê đất tại dự án này không qua đấu thầu, đấu giá là vi phạm luật đầu tư và luật quản lý tài sản nhà nước.

Thanh tra Chính phủ còn kết luận, khu đất được giao và cho thuê không đúng đối tượng, doanh nghiệp được giao thực hiện dự án không đủ năng lực tài chính… Qua đó, cơ quan này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thu hồi dự án.

Ngoài thương vụ thoái vốn khỏi dự án “đất vàng” 8 – 12 Lê Duẩn, HMC còn chuyển nhượng khu đất số 5 Quốc Hương, phường Thảo Điền, quận 2 cho Công ty cổ phần xây dựng Phước Thành vào năm 2015.

Khu đất tại số 5 Quốc Hương có diện tích hơn 1.600m2 được UBND TP.HCM quyết định giao cho HMC sử dụng đất vào năm 2014. Theo quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng nhà ở kinh doanh của HMC tại đây có 1.400m2 dùng xây dựng nhà ở, phần còn lại là diện tích đường giao thông, công viên cây xanh.

HMC chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần xây dựng Phước Thành thu về 23 tỷ đồng, trong đó gồm 17 tỷ đồng tiền thuê đất công ty trả 1 lần và 6 tỷ đồng lợi nhuận chuyển nhượng và thuế GTGT.

Theo bản cáo bạch tài chính năm 2015, HMC ghi nhận lợi nhuận chênh lệch từ thương vụ chuyển nhượng dự án số 5 Quốc Hương là 4,3 tỷ đồng. Năm tiếp theo, việc chuyển nhượng hơn 9.000m2 đất tại phường Phú Thuận, quận 7 cho Tập đoàn Đất Xanh đã mang về cho HMC khoản lợi nhuận gần 17 tỷ đồng.

HMC là 1 trong số 14 công ty con của Tổng Công ty Thép Việt Nam. Kết thúc năm tài chính 2016, tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp này tại HMC là 55,67%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Anh Linh ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN