Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN: Vẫn chờ minh bạch

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội, để có thể tối đa hóa doanh thu từ cổ phần hóa và tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư, cần thiết phải cho họ thấy được một quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN minh bạch.

Ông Adam Sitkoff chia sẻ ý kiến trên tại hội thảo "Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 8/9 ở Hà Nội.

Báo cáo về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN), ông Nguyễn Duy Long, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chỉ rõ, giai đoạn 2011 – 2016 và 8 tháng đầu năm 2017, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các DNNN đã tích cực thực hiện, đẩy mạnh CPH DNNN và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã CPH 508 DN với giá trị thực tế phần vốn nhà nước hơn 189 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2016, có 58 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, trong đó có 6 tổng công ty Nhà nước.

Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN: Vẫn chờ minh bạch - 1

Ông Vương Toàn, Phó Tổng giám đốc Habeco trăn trở lý do tổng công ty chậm thoái vốn. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Hệ thống doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã và đang được đổi mới, sắp xếp, từ gần 1.500 DNNNnăm 2010 xuống còn khoảng 600 doanh nghiệp năm 2016, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, CPH ở một số bộ, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra; tỷ lệ vốn nhà nước ở các các công ty CPH còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án CPH DN…

Để thu hút được đầu tư nghiêm túc và dài hạn, ông Tony Foster, luật sư điều hành Công ty luật Freshfields cho rằng, cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp CPH hay thoái vốn nhà nước.

“Các cơ quan của Chính phủ nên xem xét sửa đổi các quy định pháp luật để cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 49% cổ phần trong các doanh nghiệp CPH hay thoái vốn nhà nước”, ông Tony Foster kiến nghị.

Một nghịch lý trong quá trình CPH DNNN được PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra, đó là dù có 96,5% doanh nghiệp đã được CPH nhưng chỉ có 8% số vốn Nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân.

Theo ông Trần Đình Thiên, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do tỷ lệ vốn Nhà nước được phép bán rất hạn chế. “May lắm cũng chỉ là 49%. Với tỷ lệ nắm giữ cổ phần hạn chế, các DN tư nhân bị loại khỏi quyền tham gia điều hành chứ chưa nói đến quyền chi phối doanh nghiệp”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ.

Một vấn đề nữa được các nhà đầu tư nước ngoài chỉ ra đó là định giá doanh nghiệp thực tế. Ông Johnathan Ooi, một chuyên gia về mua bán và sáp nhập (M&A) đến từ Công ty PriceWaterhouse Coopers cho rằng: “Cần phải có một đơn vị đánh giá độc lập tiến hành việc định giá dựa trên các chuẩn mực quốc tế được chấp nhận bởi các nhà đầu tư quốc tế. Nhà đầu tư chỉ quyết định đầu tư khi thấy được sự cân bằng giữ rủi ro và lợi nhuận”.

Trường hợp thoái vốn tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) kéo dài nhiều năm qua cũng được đưa ra làm ví dụ tại hội thảo.

Theo ông Vương Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco), quá trình thoái vốn tại Habeco đang gặp những vướng mắc trong đàm phán với đối tác ngoại - đại gia bia Carlsberg (Đan Mạch). Do đó, dù đã qua 9 phiên đàm phán nhưng đến nay hai bên vẫn chưa thống nhất được.

"Do lộ trình thoái vốn Nhà nước có thay đổi, Chính phủ muốn thoái sâu tại Habeco nên họ muốn nắm 51%. Do chúng tôi còn kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác như rượu, lương thực... mà các lĩnh vực này thì quy định cho nhà đầu tư ngoại chỉ ở mức 49% là tối đa", ông Toàn nói.

Nếu Carlsberg có thể nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco lên tối thiểu 51%, hãng bia tới từ Đan Mạch sẽ trở thành cổ đông chi phối hoạt động tại doanh nghiệp sở hữu hơn 18% thị phần tiêu thụ bia trong nước của Việt Nam.

Phó tổng giám đốc Habeco cho biết, thoái vốn phải đảm bảo công khai, minh bạch, thu lại giá trị lớn nhất cho Nhà nước và phải giữ lại thương hiệu của Habeco. "Chúng tôi sẽ phải kết thúc đàm phán và trình kết quả lên Chính phủ trước ngày 15/11. Dù khó khăn nhưng hai bên sẽ phải ngồi lại để đi đến được phương án cụ thể", Phó tổng giám đốc Habeco nói thêm.

Hiện đại gia bia Carlsberg (Đan Mạnh) đang là cổ đông ngoại nắm giữ 17,51% cổ phần tại Habeco. Không ít lần cổ đông ngoại này ngỏ ý việc muốn mua lại toàn bộ 81,79% cổ phần mà Bộ Công Thương đang nắm giữ tại Habeco, song hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN