Cách nào để vay được tiền mua nhà?

Lãi suất giảm, giá nhà giảm… nhưng không mấy người mua được nhà vì thu nhập quá thấp.

Bên cạnh nỗ lực giải ngân gói 30.000 tỉ đồng với lãi suất 5%/năm mua nhà ở xã hội thì nhiều ngân hàng (NH) thường xuyên tung ra các sản phẩm tín dụng với mức lãi suất cực rẻ. Song thực tế việc giải ngân các gói tín dụng này vẫn còn khá chậm. Các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) khi tung ra các dự án thường liên kết với các NH để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng vay vốn… Tuy nhiên, hàng tồn kho vẫn còn chồng chất.

 

Cách nào để vay được tiền mua nhà? - 1

Các chuyên viên tư vấn cho khách hàng mua nhà tại một dự án. Ảnh: YÊN TRANG

NH liên kết DN đẩy… hàng ra

Anh Nhân nhà ở Tân Phú cho biết trung bình một ngày anh nhận được 6-8 tin nhắn chào mời mua nhà, mua đất với giá hấp dẫn, được NH hỗ trợ lãi suất cực thấp. Từ đất nền 200-300 triệu đồng/miếng, căn hộ giá rẻ vài trăm triệu đồng đến căn hộ cao cấp, đất nền biệt thự… được mời chào, đưa đón xem “hàng” miễn phí, NH hỗ trợ, lãi suất như mơ... Không chỉ anh Nhân mà nhiều người khác cũng cho rằng chưa bao giờ nhà, đất được mời chào đến “tận răng” như hiện nay.

Để thu hút được khách hàng, nhiều DN BĐS sẵn sàng tặng nội thất cao cấp cho khách mua nhà, giao sổ đỏ ngay. Thậm chí khách hàng tham gia các dự án còn được bốc thăm trúng nhà thật.

DN muốn bán hàng, NH muốn bơm vốn. Để làm được điều này NH và DN đã liên kết với nhau để sẵn sàng tung hàng khi có khách.

Cụ thể, có NH hỗ trợ mức lãi suất vay ưu đãi 5%/năm trong vòng 12 tháng đầu khi mua nhà. Hay thậm chí lãi suất chỉ 0% trong một năm khi mua căn hộ. Ngoài ra các NH cũng thường xuyên đưa ra các gói tín dụng khác nhau để cạnh tranh và hút khách hàng dành cho khách hàng mua nhà, xây nhà, sửa nhà… với mức lãi suất ngày càng thấp và ưu đãi đủ thứ. Cũng có NH tung ra gói vay mua nhà lãi suất thấp nhưng điểm nhấn của gói tín dụng này là khách hàng chưa phải trả nợ gốc trong ba tháng kể từ thời điểm giải ngân lần đầu. Lại có NH tung ra gói ngàn tỉ với lãi suất chỉ 0,68%/tháng nhưng điều đặc biệt mức lãi suất này được cố định trong 30 tháng đầu và thanh toán trước hạn sẽ không phải chịu phí phạt.

Thủ tục giấy tờ là một trong những rào cản lớn khiến việc mua nhà chậm lại nên có NH đã cải tiến một bước khi cung cấp giải pháp phê duyệt trước hạn mức vay chưa cần tài sản đảm bảo. Nghĩa là trước mắt khách hàng chỉ cần cung cấp giấy tờ về vị trí và đơn vị công tác là đủ, không cần bảng lương, sao kê thu nhập là đã có thể cấp hạn mức tín dụng…

Nhiều NH cho biết đến nay dư nợ cho vay mua nhà tại các NH chiếm 25%-30% tổng dư nợ cho vay cá nhân. Một vị lãnh đạo NH tại TP.HCM thừa nhận các chương trình cho vay mua nhà hiện nay của DN, NH không phải nhằm quảng bá thương hiệu mà thực sự họ muốn đẩy hàng ra. Tuy nhiên, lượng hàng BĐS tồn kho và tiền trong NH vẫn chất chồng.

Thị trường vẫn “ế”

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay đầu tư BĐS chỉ dừng ở con số khoảng 262.000 tỉ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ. Nhưng đến nay dư nợ tín dụng BĐS đã tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2013, tức là cao hơn mức bình quân tăng trưởng dư nợ của hệ thống NH. Đó là điều đáng mừng. Nhưng TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, phân tích tín dụng BĐS tuy có tăng trưởng hơn trước nhưng không đủ sức kéo tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH. Và sự tăng trưởng tín dụng của BĐS cũng không có lực để làm thị trường này ấm nóng.

Nguyên nhân chính theo ông Hiếu là do thu nhập của người dân quá thấp nên dù có giảm lãi suất, giảm giá BĐS thì người dân vẫn không thể đáp ứng điều kiện để mua nhà. Thêm nữa, thời hạn vay mua nhà ở các NH hiện nay vẫn còn ngắn. Dòng vốn đi vào NH chủ yếu là ngắn hạn. Tiền gửi chủ yếu từ sáu tháng đến một năm chiếm tỉ lệ lớn, còn gửi 2-3 năm không nhiều. Chính vì thế NH muốn kéo dài thời hạn vay lên 30-40 năm rất khó.

Để giải quyết khó khăn này, ông Hiếu cho rằng vấn đề nằm trong tay Chính phủ. Làm sao để nâng cao thu nhập của người dân lên. Làm sao gốc và lãi vay phải trả hằng tháng cho NH không được quá 50% thu nhập mới đảm bảo khả năng trả nợ. “Và một điều quan trọng nữa là phải tạo ra thị trường vốn dài hạn, để NH có thể kéo dài thời hạn cho vay. Khi kéo dài hơn thời hạn vay vốn thì tiền hằng tháng người mua nhà phải trả ít đi. Nhưng muốn có dòng vốn dài hạn trước mắt nên dựa vào các công ty tài chính lớn, công ty bảo hiểm và các NH nước ngoài... vì họ có dòng vốn dài hạn. Còn về lâu dài phải chứng khoán hóa thị trường vốn này” - ông Hiếu nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho hay thực tế ở Mỹ dòng vốn dài hạn ở các NH chỉ nhiều hơn ở ta một chút thôi nhưng họ có thể tạo ra thị trường vốn dài hạn riêng. Khi NH tạo ra gói tín dụng BĐS dài hạn vài chục năm, sẽ đem bán cho hai công ty tài chính. Hai công ty này của tư nhân, độc lập hoàn toàn nhưng là vốn của chính phủ được niêm yết trên sàn chứng khoán. Sau khi mua gói tín dụng kia họ sẽ chứng khoán hóa để bán trên sàn. Mỗi tài sản đảm bảo là những căn nhà kia được đi kèm với tỉ lệ bao nhiêu cổ phiếu. Nhờ thế NH có thể quay vòng đồng vốn mà vẫn có những gói tín dụng dài hàng chục năm và cố định lãi suất. Chúng ta cũng phải cần lập được cơ chế như vậy, phải thành lập thị trường vốn chứng khoán hóa.  

Tiêu điểm

Cần thành lập thị trường vốn dài hạn

Đến nay thị trường vốn dài hạn của chúng ta chỉ có khoảng mấy trăm triệu USD, đến từ trái phiếu cổ phiếu chính phủ. Trong khi thị trường vốn dài hạn ở nước ngoài là hàng chục ngàn tỉ USD.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN