Bệnh “lạ” chồng bệnh “lạ”!

Nhiều người sau khi điều trị khỏi bệnh “lạ” lại tái phát với những triệu chứng bệnh mới như ngứa vùng mặt, tức ngực, khó thở, đau vùng bụng, nôn ói liên tục khi ăn uống…

Theo kế hoạch, sáng nay, 14-6, đoàn công tác của Bộ Y tế mới vào xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi để kiểm tra tình hình, tìm nguyên nhân gây ra bệnh “lạ” (hội chứng viêm lòng bàn tay, bàn chân). Đoàn công tác đến nơi vào lúc người dân ở xã này thêm một lần hoang mang trước một căn bệnh “lạ” mới xuất hiện.

Bệnh “lạ” chồng bệnh “lạ”! - 1

Vợ chồng anh Phạm Văn Út và Phạm Thị Nghẽ bị bệnh “lạ” mới hoành hành đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi

Bệnh cũ qua, bệnh mới tới

Ngày 13-6, chúng tôi trở lại vùng “rốn dịch” - xã Ba Điền. Con đường đất gồ ghề dẫn vào Làng Rêu trở nên vắng vẻ đến lạ thường. Nhiều nhà cửa đóng then cài. Gặp chúng tôi, già làng Phạm Văn Đang nói ngay bệnh “lạ” với những biểu hiện như dày sừng lòng bàn tay bàn chân, lở loét… đã không còn xuất hiện như trước. Thay vào đó là một căn bệnh “lạ” mới đáng sợ không kém. Theo ông Đang, từ 2 tuần qua, khi số lượng ca mắc bệnh mới không còn phát sinh thì nhiều người được chữa khỏi bệnh trở về hoặc những người chưa mắc bệnh bỗng dưng khó thở, tức ngực nôn ói. “Ban đầu, người làng tôi cứ nghĩ đó chỉ là do say nắng nhưng vài ngày sau số người mắc bệnh này ngày càng nhiều. Nhiều người nằm vật vã tỏ ra rất mệt mỏi và không tài nào ăn nổi” - ông Đang nói.

Ông Phạm Văn Đá (60 tuổi, làng Gò Nghênh) nằm vật vã trên sàn nhà, nói tiếng được tiếng mất. Ông bị bệnh gần một tuần qua và có cùng triệu chứng như những người vừa mắc bệnh “lạ” mới. “Bệnh này khó hiểu lắm, lúc thì đau rát vùng mặt, lúc thì tức ngực tưởng chừng như sắp chết. Ngày mai, tôi đi viện thôi, ở nhà dễ theo ông bà mất” - ông Đá nói.

Ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, xác nhận hiện nay, hàng chục người dân xã ông đang mắc một căn bệnh mới và chưa được ngành y tế xác nhận là bệnh gì. Ông Bút lo lắng: “Dân chúng tôi chưa hết lo căn bệnh quái ác cướp đi sinh mạng của nhiều người thì nay lại thêm căn bệnh mới mà không biết rõ là gì.  Cả xã như bị “ma ám” vậy”.

Không chỉ xã Ba Điền, hiện nay hàng chục người dân xã Ba Ngạc cũng đang gánh chịu căn bệnh “lạ” mới hoành hành với triệu chứng phổ biến là nhức đầu, tức ngực, rát vùng mặt, khó thở, đau rát vùng bụng và nôn ói liên tục mỗi khi ăn. Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, bức xúc cho rằng người dân các xã rất hoang mang trước sự bất lực của ngành y tế.

Mồ côi giữa vùng bệnh “lạ”

Thôn Làng Rêu, xã Ba Điền dưới chân ngọn núi Gò Khế với những vườn cau xanh mướt, xóm làng tươi tắn bỗng dưng điêu đứng khi căn bệnh không tên tràn qua. Xóm làng rệu rã, người đi viện, người lìa đời bỏ lại những đứa trẻ mồ côi nheo nhóc.

Ngôi nhà của vợ chồng anh Phạm Văn Trói, ngay đầu Làng Rêu, từ ngày vợ anh - chị Phạm Thị Triêu - qua đời trở nên hoang lạnh. Vợ mất, anh lại đang vật vã chống chọi với căn bệnh quái ác ở bệnh viện. Ở nhà, hai đứa con nheo nhóc. Ngồi co ro bên góc nhà, cháu Phạm Thị Rên (10 tuổi) vừa cho em uống sữa vừa quạt ru em ngủ. Giật mình thấy người lạ, cháu Phạm Văn Ri (3 tuổi) bị dị tật bẩm sinh, khóc ré lên. Người chị ôm em vào lòng dỗ dành… “Hai tuần rồi em ở nhà một mình chăm em. Mẹ em mất rồi, ba thì đi nằm viện. Tối đến em sợ lắm, nhớ mẹ nữa…” - Rên bật khóc. Gần nhà chị em Rên là nhà ông Phạm Văn Tiến. Ông ngồi bên ngạch cửa, ôm đứa cháu ngoại Phạm Thị Hà (18 tháng tuổi), sụt sùi:  “Mẹ nó (Phạm Thị Phin, 23 tuổi) mất 2 tháng rồi, tối nào con bé cũng khóc, cũng đói sữa. Tôi già rồi đâu làm ra tiền mua sữa cho cháu, may mà có ít sữa hôm trước Nhà nước cho. Không biết khi số sữa trên hết rồi thì lấy gì cho cháu uống nữa”.

Khi chúng tôi đề cập thân phận những đứa trẻ mồ côi vì bệnh “lạ”, ông Phạm Văn Bút thừa nhận chính quyền các cấp chưa hỗ trợ kịp thời. “Xã chỉ động viên các cháu và kêu gọi bà con hàng xóm quan tâm đến các cháu chứ chẳng biết làm gì hơn” - ông Bút nhấn mạnh.

Tập trung khảo sát nguồn nước

Trong đợt khảo sát bệnh “lạ” lần này ở xã Ba Điền,  đoàn công tác của Bộ Y tế với các chuyên gia đầu ngành của Cục Quản lý môi trường sẽ kiểm tra tình hình môi trường, khảo sát, xét nghiệm  nguồn nước sinh hoạt.  Bộ Y tế cũng có kế hoạch thay thế nước sinh hoạt từ nguồn nước sông, suối, nước mạch mà  người dân nơi đây sử dụng từ bao đời nay.

Dịp này, các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng sẽ vào vùng dịch tiến hành khám - chữa bệnh cho người dân, kết hợp xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Niêm Hà (Người lao động)
Bệnh lạ ở Quảng Ngãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN